Khởi nghiệp cùng cách mạng công nghiệp 4.0

Minh Phương 19/10/2017 08:30

Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo nên những thay đổi đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử.


Cần nhanh chóng thích nghi với cách mạng công nghiệp 4.0.

Tác động mạnh mẽ

Một số liệu thống kê đưa ra dự báo, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỷ người và 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IOT). Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo sẽ đạt tới 5,05 tỷ USD vào năm 2020. Máy tính đã và đang tham gia vào quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy trước đây. Điều này cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng, tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Giới chuyên gia nhận định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, thực tế ảo... Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia và đương nhiên, Việt Nam không thể nằm ngoài. Và trong làn sóng khởi nghiệp toàn cầu, Việt Nam được xếp hạng có tinh thần khởi nghiệp đứng đầu thế giới.

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi rất nhiều định chế cũ, quốc gia nào biết tận dụng sẽ là cơ hội vượt trội để phát triển toàn diện nền kinh tế. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy tất cả các ngành nghề trong đó có thương mại điện tử, xuất nhập khẩu… Nhiều DN bày tỏ quan điểm rằng, với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, cánh cửa xuất khẩu hàng hóa trực tiếp với khách hàng nước ngoài trở nên thuận tiện.

Thực tế, tại Việt Nam, 50% dân số đã sử dụng mạng internet, trong đó khoảng 30% số người dùng internet để mua sắm trực tuyến, toàn thị trường bán lẻ Việt Nam khoảng 4 tỷ USD, nhưng thương mại điện tử mới chiếm khoảng 3-4%. Do đó, cơ hội cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực này là không hề nhỏ.

Thích ứng để thay đổi

PGS Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (VINEN) nhận định, ở Việt Nam mới có hơn 600.000 DN, dư địa để các DN Việt khởi nghiệp là vô cùng lớn, đặc biệt là đối với các DN khởi nghiệp về công nghệ và thương mại điện tử. Nhiều nhà sản xuất muốn tung sản phẩm ra thị trường và họ cần công cụ về thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng nhanh nhất, nhiều nhất.

Theo các chuyên gia, xu thế tới đây, các lĩnh vực có giá trị thanh toán cao như bất động sản, ô tô… đều có thể giao dịch thông qua đồng tiền kỹ thuật số ứng dụng công nghệ Fintech. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, đòi hỏi có những định hướng chính sách và hành lang pháp lý mới, tạo thuận lợi cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, song vẫn phải ngăn chặn được những tác động tiêu cực đến người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.

PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp này buộc các DN phải chủ động có một cách tiếp cận hoàn toàn khác so với những phương thức mà DN thực hiện trước đây. Theo đó, thay vì DN chỉ dựa vào cơ chế xin cho như hiện nay, cần phải nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật và chủ động hơn trong đầu tư công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế… qua đó có thể sẵn sàng thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Người tiêu dùng cũng phải chuẩn bị tri thức để trở thành những người tiêu dùng văn minh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi nghiệp cùng cách mạng công nghiệp 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO