Khơi thông nguồn lực đầu tư công – Bài cuối: Tạo động lực thật sự cho phát triển

Thuý Hằng (thực hiện) 13/05/2023 09:30

Để khơi thông dòng vốn đầu tư công, cần hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc, như giải phóng mặt bằng, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn... Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết một số giải pháp để tăng giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quang Vinh.

Nhận diện thách thức

PV: Thời gian qua, với sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, các ngành và địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến, song vẫn chậm. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng HỒ ĐỨC PHỚC: Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và chỉ đạo rất sát sao trong thời gian vừa qua. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm mục tiêu phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã được giao.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm 2023 còn thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đến ngày 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tập trung ở tất cả các khâu trong quy trình quản lý dự án đầu tư, trong đó có khó khăn, vướng mắc trong quy định của luật pháp đối với dự án đầu tư công như:

Dự án sau khi được giao vốn (trung hạn và hàng năm) cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư mới bắt đầu thực hiện các bước lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án. Khi xong thủ tục chuẩn bị đầu tư (phê duyệt xong dự án) mới thông báo vốn để thực hiện dự án, triển khai các bước tiếp theo như lập thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu… quy trình này phải thực hiện qua nhiều bước với nhiều khâu thẩm định, nên mất nhiều thời gian.

Các dự án đầu tư xây dựng thường gắn với giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, công tác đền bù GPMB được thực hiện đồng thời với quy trình thực hiện dự án, vì vậy nhiều trường hợp dự án đã đấu thầu xong nhưng chưa có mặt bằng để thi công.

Năm 2021, 2022 là các năm đầu kế hoạch trung hạn 2021-2025, lượng dự án khởi công mới nhiều, đặc biệt việc triển khai nhiều dự án quan trọng của quốc gia dẫn đến một số thời điểm thiếu vật liệu, đất, đá, cát sỏi; giá cả nguyên vật liệu biến động lớn mà chưa có đơn giá điều chỉnh kịp thời cũng là rào cản đối với thực hiện và giải ngân các dự án.

Ngoài ra, với mục tiêu phục hồi sau Covid -19, công tác giải ngân vốn đầu tư công 2 năm trở lại đây gặp phải thách thức do tổng vốn đầu tư công hàng năm rất lớn. Kế hoạch đầu tư nguồn NSNN năm 2023 là gần 726.684 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022 (giai đoạn 2016-2020 vốn đầu tư công trung bình mỗi năm chỉ khoảng trên 400 ngàn tỷ đồng). Vì vậy, mặc dù giá trị tuyệt đối về giải ngân năm 2021 và năm 2022 đều cao hơn so với các năm trước, nhưng tỷ lệ so với tổng kế hoạch giao thì vẫn thấp hơn.

Trước những khó khăn và thách thức đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tháo gỡ các nút thắt về cơ chế chính sách, do vậy năm 2023 dự kiến công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ có những bước tiến mạnh hơn so với các năm trước.

Theo Bộ trưởng, đâu là những rào cản thật sự, cản trở dòng vốn đầu tư công?

- Năm 2022, tại báo cáo của Chính phủ số 419, ngày 16/10/2022 báo cáo Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023, Chính phủ đã đánh giá, nhận định các vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó đặc biệt là các vấn đề sau:

Liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách: toàn bộ quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chịu sự quy định của pháp luật, của nhiều ngành, lĩnh vực liên quan, quy định thủ tục còn rườm rà và kéo dài thời gian, nhiều khâu thực hiện, trong đó khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tài nguyên môi trường.

Khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện như: Tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư chưa đảm bảo, chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến chậm các khâu tiếp theo; năng lực nhà thầu (năng lực tài chính, khả năng thi công) còn chậm; năng lực cơ quan quản lý dự án còn hạn chế; đối với các dự án ODA và vay ưu đãi còn gặp khó khăn xuất phát từ phía nhà tài trợ.

Sự biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng... dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp động trọn gói thi công cầm chừng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với diễn biến giá thị trường.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng để khơi thông dòng vốn đầu tư công, tạo động lực thật sự cho phát triển kinh tế - xã hội, không thể chỉ quan tâm giải quyết vướng mắc trước mắt, mà cần có giải pháp căn cơ, lâu dài. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?

- Tôi cho rằng ý kiến đó là đúng. Cần chủ động tháo gỡ khó khăn. Trong quy định hiện nay, để khơi thông dòng vốn đầu tư công, cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài là sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc chẳng hạn như tách phần GPMB triển khai trước, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các quy trình quản lý hiện hành cũng cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới (như thẩm định thiết kế cơ sở...).

Trên thực tế, có khá nhiều dự án dù có tiền nhưng lại không triển khai được, có dự án sau khi bố trí được nguồn mới bắt tay vào lập dự án đầu tư lại mất rất nhiều thời gian mới giải ngân được. Theo Bộ trưởng, cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

- Hiện nay, do quy định của pháp luật về đầu tư công dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc gây chậm trễ trong triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công như:

Dự án khi được giao vốn nhiệm vụ đầu tư mới bắt đầu thực hiện chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án), quy trình này thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, đối với dự án nhóm A có thể tới 2 năm mới được phê duyệt Quyết định đầu tư, và khi xong thủ tục phê duyệt dự án mới được thông báo vốn để thực hiện dự án. Dự án đã có Quyết định đầu tư, được giao vốn thực hiện dự án mới bắt đầu lập dự toán, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu (thường kéo dài từ 1-3 tháng). Có một số trường hợp dự án đã đấu thầu xong nhưng lại chưa có mặt bằng để thi công.

Trước những bất cập trên, giải pháp cần tính đến là tạo thuận lợi tối đa cho công tác chuẩn bị đầu tư, công tác GPMB. Do vậy, để xử lý bất cập trên cần báo cáo Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan để quy định thông thoáng theo hướng, bên cạnh nguồn vốn đầu tư công bố trí trong kế hoạch trung hạn và hàng năm thì cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên để thực hiện trước công tác chuẩn bị đầu tư. Tách GPMB ra khỏi dự án, thực hiện trước và độc lập, phân cấp toàn diện việc quản lý dự án, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương:

Tạo điều kiện cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp cận nguồn vốn

Để thực hiện và giải ngân tối đa kế hoạch vốn đầu tư công, các bộ ngành, địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án/công trình, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của dự án/công trình. Tạo điều kiện cho chủ đầu tư/ban quản lý dự án tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng; bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các dự án/công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của đơn vị thi công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông nguồn lực đầu tư công – Bài cuối: Tạo động lực thật sự cho phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO