Tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết thường đạt cao điểm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm. Nhưng từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 30.265 ca mắc sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch cao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận 10 triệu ca sốt xuất huyết trong nửa đầu năm nay, với hơn 16.000 ca nghiêm trọng và 3.000 người tử vong. Con số này cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng rõ rệt ở châu Mỹ, nơi số người mắc vượt quá 7 triệu vào cuối tháng 4.
Tại khu vực Đông Nam Á, hiện Singapore ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Tại Indonesia, đến tháng 3/2024 đã ghi nhận hơn 21.000 ca mắc và ít nhất 191 trường hợp tử vong.
Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 30.265 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 giảm hơn 30% số mắc; riêng số ca tử vong giảm 6 trường hợp.
Dù số ca mắc sốt xuất huyết có giảm nhưng theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư...
Minh chứng là năm 2022 và 2023 tuy không phải năm chu kỳ bùng phát dịch nhưng đều là những năm có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết rất cao trong lịch sử ở Hà Nội. Nếu cứ căn vào cho rằng dịch sốt xuất huyết diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm thì mỗi người sẽ rất chủ quan trong phòng dịch, dịch dễ bùng phát mạnh.
Thời gian gần đây, một số địa phương đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, điển hình là Hà Nội. TPHCM, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hải Phòng… Việc gia tăng ca mắc một phần do tại một số địa phương mưa đã xuất hiện trên diện rộng, là điều kiện thuận lợi sản sinh bọ gậy.
Ngoài ra, việc chủ quan, lơ là, chưa tự giác thực hiện hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết của người dân đang dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống véctơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Tại Việt Nam, chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua, dù vậy, do nhiều nguyên nhân nên việc kiểm soát, phòng, chống sốt xuất huyết vẫn gặp khó khăn và thách thức.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và có thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.
Trường hợp người bệnh chỉ mắc sốt xuất huyết thông thường thì việc điều trị không có gì khó khăn. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh diễn tiến thành hội chứng sốc Dengue hay còn gọi là sốt xuất huyết Dengue thì rất nguy hiểm. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và các phương pháp điều trị sốt xuất huyết chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh.
Về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể bị xuất huyết ở rất nhiều vị trí như chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong cơ... Khi bệnh nhân bị xuất huyết trong cơ thành bụng là trường hợp ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Cụ thể, ở vị trí thành bụng, mật độ cơ và mô có kết cấu rất lỏng lẻo, nhất là ở phụ nữ, dễ dẫn đến xuất huyết ồ ạt, rất khó cầm máu.
Với tình trạng bệnh nhân có tiểu cầu giảm rất thấp, gây rối loạn đông máu và bất kỳ can thiệp vào vị trí xuất huyết đều có thể khiến nguy cơ chảy máu cao hơn. Với bệnh nhân trên, các bác sĩ phải theo dõi quá trình mất máu, tốc độ mất máu…
Nếu tốc độ mất máu lớn hơn tốc độ truyền máu vào, sẽ bắt buộc phải xử lý về mặt ngoại khoa. Cũng theo bác sĩ Phúc, khi phát hiện bệnh nhân mất máu, bác sĩ phải thăm khám kỹ để tìm vị trí xuất huyết để có hướng xử lý, điều trị phù hợp nhất.
Về quá trình điều trị sốt xuất huyết, bác sĩ Phúc cảnh báo: Nhiều người bị sốt xuất huyết đến ngày thứ 3 thấy đỡ sốt đã chủ quan. Trong khi, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mắc bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất, khi người bệnh sẽ có tình trạng sốc, các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu...
Cụ thể, trong khoảng 4 ngày đầu mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường gặp các triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, nhưng chưa có những triệu chứng rầm rộ; giai đoạn này chưa phải thời điểm nặng nhất của sốt xuất huyết, nhưng đây là giai đoạn phát hiện và theo dõi các biến chứng. Đến giai đoạn ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất; người bệnh rất dễ rơi vào sốc, có các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu… ở giai đoạn này.
Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám.
Từ ngày thứ 4, bệnh nhân nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.
Theo các chuyên gia y tế, muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể bơi, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây, ở các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa. Bộ Y tế đã khuyến cáo và yêu cầu các địa phương nên chủ động phòng, chống dịch, đặc biệt là trong mùa cao điểm này.