“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý truyền thống nghìn đời của dân tộc ta. Ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày tri ân, ngày kỷ niệm thiêng liêng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2 đã kể với chúng tôi về cảm xúc đọng lại của cả một đời binh nghiệp.
Quyết tâm giữ bằng được lãnh thổ
PV: Thưa ông, là người chiến đấu và lãnh đạo trong nhiều cuộc chiến từ chống Pháp, chống Mỹ, và chiến tranh biên giới phía Bắc. Mỗi khi đến ngày 27/7, cá nhân ông có cảm xúc thế nào?
Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC HUY: Cứ đến ngày 27/7 trong lòng tôi lại nghĩ đến các chiến dịch mà mình và đồng đội đã tham gia. Nghĩ về hàng trăm nghìn, hàng triệu đồng đội, anh em đã hy sinh. Từ trong thâm tâm tôi không cầm được nước mắt trước sự hy sinh của hàng vạn, hàng triệu anh em. Nếu không có những chiến sĩ đã hy sinh như thế thì chúng ta không thể có được độc lập, tự do như ngày nay, xây dựng được đất nước chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, và lớn mạnh như hiện nay.
Khi nói đến chiến tranh điều gì khiến ông suy nghĩ nhiều nhất?
- Đã trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tôi thấy chiến tranh rất khốc liệt. Các chiến sĩ bắt buộc đứng lên cầm súng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, chứ không ai muốn chiến tranh. Chiến tranh xảy ra thì bên thắng cũng thiệt hại, và bên thua vừa thiệt hại, vừa tổn thất.
Là người đi qua các cuộc chiến, ông thấy cuộc chiến nào ác liệt nhất?
- Chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất là tại Khe Sanh - Quảng Trị. Thế nhưng chiến tranh Biên giới phía Bắc cũng ác liệt không kém. Một ngày địch bắn 3-5 vạn quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên, một bề 20km, và một bề là 10km. Cho nên cũng rất ác liệt. Tất cả các cuộc chiến tranh đều ác liệt, tàn khốc cả.
Cả cuộc đời gắn với các trận chiến lớn, gắn với quân đội. Cảm xúc thì có nhiều nhưng đọng lại nhiều nhất trong ông ở điều gì?
- Điều đọng lại nhất trong tôi là luôn luôn nghĩ đến làm thế nào để Tổ quốc ta giữ được toàn vẹn, không thể để cho bất cứ một kẻ thù nào xâm chiếm một tấc đất của Tổ quốc. Dù phải hy sinh bao nhiêu người, chiến đấu khó khăn gian khổ bao nhiêu cũng phải quyết tâm giữ bằng được lãnh thổ đất nước, biển đảo, không để ai có thể xâm chiếm. Tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Trong chiến đấu, chứng kiến sự hy sinh, bị thương của đồng đội, lúc đó ông thế nào?
- Tôi đã trực tiếp chứng kiến những anh em đã hy sinh. Ví dụ trong kháng chiến chống Mỹ, địch rải bom B.52 làm sập hầm. Khi bới hầm lên thì 5 chiến sĩ của mình đã hy sinh. Rất trẻ mới 18-20 tuổi. Đó là sự đau xót không thể cầm được nước mắt trước sự hy sinh của người lính. Cho nên sau khi nghỉ hưu, năm 1995 tôi đã đi tìm đồng đội. Mong muốn đi tìm hết mọi nơi làm thế nào có thể tìm được hài cốt của liệt sĩ trở về với gia đình. Đó là mong muốn của từng gia đình có con, em hy sinh.
Tôi đã đến gia đình các liệt sĩ, cùng với các cháu, các con của họ sang bên Lào để tìm hài cốt. Sau nhiều ngày đã tìm được hài cốt để đưa về quê hương, đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Gia đình họ vô cùng xúc động, cảm thấy rằng người chồng, người con đã trở về với gia đình. Bây giờ cứ tìm được hài cốt một người đã là sự an ủi, sự tri ân với đồng đội, cũng là sự tri ân với những gia đình đã có con, em hy sinh vì đất nước, vì Tổ quốc để chúng ta có được cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.
Bản thân ông đã đi tìm đồng đội, ông thấy điều gì khó khăn nhất?
- Khi nghỉ hưu, từ 1995 đã ngay lập tức đi sang Lào cùng một số anh, em đi tìm hài cốt đồng đội. Như trong chiến trường Khe Sanh - Quảng Trị, lúc đó Trung đội Mai Quốc Ca của tôi có 20 người thì 19 người hy sinh và 1 người bị thương. Chúng tôi đã lăn lộn hàng chục năm trời cùng với gia đình họ đi tìm hài cốt và trả lại tên cho anh, em. Đã có gần 10 anh, em được trả lại tên và đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Gia đình họ rất xúc động và cảm ơn Đảng, Nhà nước và đồng đội đã quan tâm tới những gia đình có người hy sinh.
Nhiều hài cốt rải rác tại các chiến trường nhưng chưa tìm được. Đó là nỗi trăn trở lớn nhất sau mỗi cuộc chiến. Một cuộc chiến xảy ra rất đau thương. Ví dụ đã tổ chức chôn cất trong nghĩa trang rồi nhưng do chiến tranh, bom đạn lại cày xới lên. Còn có điều kiện thì chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm hài cốt anh em đã hy sinh. Dù chậm, muộn hay còn chút hy vọng cũng phải có trách nhiệm với người đã nằm xuống. Nhưng việc đi tìm hài cốt cũng chỉ tìm được một phần thôi. Do chiến tranh bom đạn xảy ra nên khó có thể lấy được tất cả. Đã hơn 30 năm rồi, những hang đá, mặt đất không còn dấu tích nên việc đi tìm kiếm rất khó khăn.
Đảng, Nhà nước không bao giờ quên
Chiến tranh đã đi qua nhưng điều còn lại sau chiến tranh là sự quan tâm trong chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các thương bệnh binh. Ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm này?
- Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới chính sách đối với các liệt sĩ, thương bệnh binh. Như tại mặt trận Vị Xuyên lúc đầu chưa có đội quy tập hài cốt liệt sĩ. Đến khi thành lập Ban Liên lạc Cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên chúng tôi làm công văn lên Đảng, Nhà nước. Chỉ sau một thời gian thì Bộ Quốc phòng có quyết định giao cho Quân khu 2 tổ chức, thành lập đội đi tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và cấp kinh phí. Hiện công việc này vẫn đang được triển khai.
Đối với vấn đề chính sách với thương bệnh binh, cá nhân ông có kiến nghị gì?
- Thực tế, nhiều đồng chí khi đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi trở về đã mất hết giấy tờ. Cho nên nhiều đồng chí chưa được hưởng chính sách chế độ thương bệnh binh. Đây là điều thiệt thòi. Do đó cần có chính sách đối với các trường hợp như vậy. Trước hết đồng đội phải có trách nhiệm tìm cách chứng nhận cho anh em, đồng đội của mình để họ được hưởng chế độ đó. Phải trên cơ sở thực tiễn chiến đấu của anh em.
Chiến tranh trôi xa các thương bệnh binh lớn tuổi sẽ mất đi. Nếu chậm trễ, có lẽ họ sẽ không được hưởng sự hỗ trợ nữa, và đó là điều thực sự đau xót?
- Ngày 13/7 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt các hội viên Ban Liên lạc Cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên-Hà Tuyên. Tại cuộc gặp, chúng tôi đã đề cập với lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần có chính sách khen thưởng phù hợp. Vì đã mấy chục năm trôi qua, chiến tranh đã đi qua nhưng nhiều anh em có thành tích chiến đấu hy sinh, có chiến công đặc biệt tại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc lại chưa được khen thưởng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, từ trước đến nay Đảng, Nhà nước không bao giờ quên những người đã nằm xuống, không quên những người chiến sĩ đã đổ một phần xương máu để bảo vệ đất nước, giành độc lập dân tộc.
Chính sách với thương, bệnh binh
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh năm 1931. Ông nhập ngũ năm 1948, là một người đã trực tiếp chiến đấu qua các cuộc chiến tranh anh dũng của dân tộc: Chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Ông Nguyễn Đức Huy từng là Chủ tịch Ủy ban Quân quản lâm thời đầu tiên thị xã Quảng Trị (tháng 5/1972), nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 (năm 1973), Tư lệnh Sư đoàn 325 (năm 1976), Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (năm 1983), Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2 (năm 1986), Quyền Tư lệnh Quân khu 2 (năm 1993)…
Tại một số chiến trường, có nhiều thương bệnh binh đã chiến đấu nhưng mất giấy tờ nên gặp khó khăn trong xác nhận để hưởng chính sách hỗ trợ. Theo ông, chúng ta có thể xác định được mốc thời gian để họ hưởng chế độ?
- Thứ nhất dựa trên cơ sở xác nhận của các đồng đội chiến đấu cùng. Nhưng hiện thực tế thì các đồng đội đều đã lớn tuổi và ở rất xa. Đúng là hiện nay có một số đối tượng lợi dụng để trục lợi, là những “thương binh giả”. Nhưng số này theo tôi là không nhiều. Do đó chúng ta cần có chính sách phù hợp với những người đã chiến đấu thực tế song bị mất giấy tờ.
Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm để xác nhận cho họ để họ được hưởng chính sách hỗ trợ. Đây là điều quan trọng, để cho họ đỡ bị thiệt thòi. Với các Mẹ Việt Nam anh hùng, chế độ chính sách đã có nhưng các địa phương phải có trách nhiệm xem xét, tránh để sót, để các Mẹ được hưởng chính sách hỗ trợ.
Hiện theo ông các chính sách hỗ trợ đã thích đáng?
- Phải nói là sự phát triển của đất nước có điều kiện kinh tế đến mức độ nào thì chúng ta cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ. Chính sách Nhà nước là quan trọng, chủ đạo, nhưng nếu chúng ta kêu gọi thêm được các doanh nghiệp vào giúp sức thì sự hỗ trợ sẽ tốt hơn. Tôi được biết, có những nơi đã nhận nuôi, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng. Nếu chúng ta huy động được tất cả các nguồn lực thì càng tốt.
Giáo dục cho thế hệ sau
Hiện điều gì khiến ông còn cảm thấy day dứt?
- Ngay cả không chỉ tháng 7, mà lúc xem những phim về “đi tìm đồng đội”, hay các cuộc chiến đấu của dân tộc ta chống lại giặc xâm lăng tôi không cầm được nước mắt. Luôn nghĩ đến các anh em đã hy sinh, mình còn được sống như thế này chính là nhờ sự đóng góp của đồng đội.
Như tại mặt trận Vị Xuyên vẫn còn hơn 1.000 người chưa tìm được hài cốt. Con số này đã chính xác hay chưa thì vẫn đang rà soát lại. Chúng tôi đã lập cuốn kỷ yếu danh sách các đồng chí, từ 3 năm qua vẫn chưa thể hoàn thành. Còn nếu tính cả nước thì nhiều hơn nữa. Từng địa phương phải có trách nhiệm nắm rõ anh em đã hy sinh, đây là “gốc rễ” để phát hiện, hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đây là vấn đề cần huy động mọi sự đóng góp của các tầng lớp. Vì mấy chục năm qua, qua bao thế hệ ứng dụng khoa học công nghệ vào tìm kiếm hài cốt cũng rất khó khăn. Như Trung đội Mai Quốc Ca của tôi có 20 người thôi nhưng mấy năm mới xác định được hơn 10 người đồng chí đúng tên tuổi, gia đình, đúng người trong gia đình. Bởi còn một số không còn gia đình nữa. Vì thế khó có thể xác định được hết, bởi khoa học công nghệ chỉ hỗ trợ được một phần chứ không phải tất cả. Ví như có hài cốt nhưng không xác định được anh em, cha chú ở đâu để lấy ADN đối chiếu.
Là tác giả của cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”, ông có thể cho biết ý tưởng nào để ông viết lên cuốn sách đó?
- Chúng tôi rất mừng khi thành lập Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên-Hà Tuyên. Từ đó có từng bước nâng cấp hoạt động như nâng cấp nghĩa trang Vị Xuyên thành nghĩa trang quốc gia. Bây giờ nghĩa trang Vị Xuyên đã là 1 trong 4 nghĩa trang lớn nhất của chúng ta gồm Quảng Trị, Trường Sơn, Điện Biên, Vị Xuyên.
Tôi năm nay đã 93 tuổi rồi, còn Trung tướng Đặng Quân Thụy (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội - PV) năm nay đã 95 tuổi. Như vậy cấp quân khu giờ chỉ còn lại 2 người trực tiếp chiến đấu và chỉ huy. Còn lớp sau này giờ họ cũng trên dưới 80 tuổi rồi. Lớp người chiến đấu như chúng tôi sẽ già và mất đi. Nếu không viết lại thì thế hệ trẻ không hiểu hết về lịch sử. Vì thế tôi tập hợp các tư liệu của đồng đội và bản thân mình để viết hồi ký, mục đích là để ghi lại diễn biến nét chính của cuộc chiến để lưu lại cho thế hệ sau, cho những nhà viết sử, và người biên soạn sách giáo khoa.
Vừa rồi được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, tôi đã tặng Chủ tịch nước cuốn sách. Chủ tịch nước đánh giá đây có thể coi là cuốn sách có giá trị để cho cả thế hệ sau, các nhà khoa học lịch sử đánh giá, lưu trữ với tư liệu rất quý. Cuốn sách đã được thẩm định 3 lần trước khi xuất bản.
Để mỗi chiến sĩ ngã xuống không bị lãng quên, cá nhân ông có mong muốn gì?
- Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm đến Ngày Thương binh, Liệt sĩ để tri ân các anh hùng liệt sĩ, những thương bệnh binh, gia đình chính sách... Chỉ mong rằng có điều kiện thì đối với những trường hợp khó khăn, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm đóng góp giúp đỡ cho các gia đình thương binh liệt sĩ. Nhất là với những anh em bị mất giấy tờ, không được hưởng chế độ thương binh thì cần hết sức giúp đỡ họ để có thể từng bước, có đủ điều kiện để hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là mong mỏi của tôi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngay cả không chỉ tháng 7, mà những hôm xem chiếu phim về “đi tìm đồng đội”, hay các cuộc chiến đấu của dân tộc ta chống lại giặc xâm lăng tôi không cầm được nước mắt. Luôn nghĩ đến các anh em đã hy sinh, mình còn được sống như thế này chính là nhờ sự đóng góp của những anh em đã hy sinh. Mình không thể nào quên các anh em.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy