Lê Minh Phong sinh năm 1985 tại Hà Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại Huế. Tôi thực sự ngạc nhiên khi biết phía sau những bức tranh về cái chết lấp lánh sắc màu, với những nhân vật dị hình mà lại thu hút một cách kỳ lạ ấy là tâm hồn của một nhà văn với những tập truyện “Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc” (Phương Nam Books & NXB Văn học, 2011), “Trong tiếng reo của lửa” (NXB Trẻ, 2014), “Điều tìm thấy” (Domino & NXB Đà Nẵng, 2019) và tiểu thuyết “Đường đi” (Domino & NXB Đà Nẵng, 2019).
Họa sĩ Lê Minh Phong.
Lê Minh Phong tâm sự với PV Đại Đoàn Kết: Mỗi loại hình nghệ thuật đều có cách thức riêng biệt của mình để nói lên được tiếng nói của người thực hành nghệ thuật. Văn chương, suy cho cùng là cách ta kể về chính câu chuyện của ta, nếu những câu chuyện ấy có thể tự mở rộng được biên giới của chúng thì chúng cũng có khả năng sẽ kể về những câu chuyện của người khác. Khi cảm thấy thứ năng lượng tiêu cực trong văn chương của mình đã đi đến tận cùng của sự chịu đựng, tôi buộc phải tìm đến một loại hình nghệ thuật khác để giải phóng những xung năng bị kìm nén. Văn chương và hội họa của tôi vừa tương đồng vừa dị biệt, tương đồng bởi chúng đi ra từ con người tôi, từ những va đập của tôi, dị biệt bởi chúng cần phải tuân thủ những đặc trưng khác nhau của từng loại hình nghệ thuật. Thực ra một người nghiên cứu văn học đồng thời là một nhà văn không phải là điều xa lạ. Tôi song trùng giữa viết phê bình văn học và sáng tác ngay từ khi bắt đầu có ý thức nghiêm túc về việc mình sẽ trở thành một nhà văn. Cần thấy rằng, giữa nghiên cứu văn học và sáng tác văn học có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Nói rõ ra điều này, chúng ta cần một câu chuyện dài hơn để bàn tới vai trò của nền tảng lý luận với thực tiễn sáng tác và ngược lại.
Đúng là chúng ta cần trang bị nền tảng. Việc học các kiến thức văn chương một cách bài bản là điều cần thiết cho sáng tạo ngôn từ…
- Trong thực tiễn sáng tác của một nhà văn, tùy thuộc vào cơ địa của từng cá nhân mà chúng ta có cách để lấy được năng lượng sáng tác từ ngoại giới. Có những người rút tỉa năng lượng từ sự trải nghiệm trong cuộc sống, cuộc sống cho họ kinh nghiệm, họ chủ động va đập với xã hội để tìm câu trả lời cho những nghi vấn của họ về bản chất của con người, sự vật. Cũng có những nhà văn lấy sự đọc làm nền tảng. Sự đọc ở một nhà văn không chỉ dừng lại ở lượm lặt kiến thức, mà phải ứng xử với sự đọc như một nhà khoa học ứng xử với đối tượng nghiên cứu của mình. Nếu đọc có bài bản, đúng phương pháp và phân ra từng mảng sách khác nhau, mỗi nhà văn sẽ có được cách thức, bút pháp để áp dụng vào sáng tác một cách hiệu quả. Thông thường, trong văn chương Việt Nam hiện nay, nhà văn thường đứng ngoài các hệ hình lý thuyết, người ta ưu ái hơn cho sáng tác theo cảm hứng, trực cảm, vì thế ít có sự thay đổi trong hình thức thể loại. Nếu đứng ngoài các hệ hình lý thuyết, nhà văn sẽ tự giới hạn mình trong cái gọi là “thiên phú”. Có lý thuyết sẽ được soi chiếu vào những chiều kích khác nhau của sự vật, có lý thuyết sẽ giúp vững tâm hơn trong việc tìm đến những thử nghiệm ở nhiều kiểu dạng bút pháp khác nhau, tìm tới những vùng ngoại vi vẫy gọi hơn. Có lý thuyết bài bản, nhà văn sẽ đi đường xa hơn, vững vàng hơn.
Văn chương là gì đối với thế giới tinh thần của Phong? Những người thân trong gia đình, người quen vì sao trở thành những nhân vật trong sáng tác của Phong?
- Với tôi, văn chương là nơi để giải phóng những u uẩn trong mình. Tôi thường ngồi hàng giờ liền trong bóng tối để nghe tiếng thì thầm của đêm và rồi tôi viết về những tiếng thì thầm ấy. Tôi vẫn luôn quan niệm nghệ thuật khởi đi từ bi kịch, ít nhất cũng là trong trường hợp của tôi. Mô phỏng hiện thực không phải là lựa chọn của tôi, nghệ thuật dù là trừu tượng, siêu thực, phi lý hay huyền ảo... chúng không thể đến từ hư vô, chúng phải bắt đầu bằng một cái gì đấy hữu hình. Thế giới của tôi cũng vậy, là thế giới của dự phóng, của những khả thể hư cấu, người ta gần như thấy trong các sáng tác của tôi, hiện thực chỉ là cái cớ, cái khởi đi cho một thế giới khác. Các nhân vật trong nghệ thuật của tôi cũng vậy, bắt đầu họ xuất phát từ hiện thực đời sống, sau đó tôi sẽ đẩy họ vào trong những không gian, những trạng huống không thực, từ đó họ sẽ ngầm ẩn hoặc hiện diện để cấu thành những ý niệm mà tôi muốn hướng tới. Thông thường, các nhân vật của tôi xây dựng đều ngầm ẩn một vài ý niệm nào đó mà tôi muốn biểu đạt, đôi khi sự biểu đạt này không là hiển ngôn. Tôi để nhân vật tương tác với đối thoại, không gian, tình tiết... để tôi đạt được mục đích. Vì quan niệm nghệ thuật khởi từ bi kịch nên hầu hết các nhân vật của tôi không tìm thấy ánh sáng, nếu tìm thấy thì đó là thứ ánh sáng trong dự phóng, trong những ánh mắt của họ. Cuộc sống hiện đại đang xô đẩy con người vào nỗi hoài nghi nhiều thứ, nhiều giá trị đảo lộn, con người không sợ hãi sự phi lý mà khoái trá thụ hưởng sự phi lý. Đau đớn hơn, mỗi cá nhân sau khi hoài nghi tha nhân lại quay trở lại hoài nghi cả chính mình, chính sự tồn tại và ý nghĩa của mình. Các nhân vật của tôi đều khởi từ những màu sắc đó.
Bìa sách của Lê Minh Phong.
Với Phong, rõ ràng, văn chương hoàn toàn là thử nghiệm về cách diễn đạt, thậm chí không quan tâm người khác có đọc và hiểu hay không?
- Thực ra không phải là tôi không quan tâm đến người ta có đọc và hiểu những gì mình viết hay không. Nếu không quan tâm những điều đó, văn chương của tôi sẽ chết. Nhưng tôi không chấp nhận sự đóng băng trong nghệ thuật văn chương và tôi tin rằng tôi sẽ có một lớp người đọc phù hợp. Đặc biệt, viết là phiêu lưu về bút pháp, cần thay đổi và thử nghiệm nhiều kiểu dạng bút pháp khác nhau, đôi khi ngay cả bản thân nghệ thuật dựng truyện cũng đã bao chứa cả ý niệm của mình. Nhìn rộng ra trong văn chương Việt Nam hiện nay, người ta thường cho rằng khi viết truyện ngắn, điều cần nhất là tính “chuyện” và nhà văn cứ kể chúng ra, vì thế có rất ít sự thay đổi trong cách kể câu chuyện ấy. Cách kể rất quan trọng đối với việc làm mới văn chương. Tôi nghĩ truyện ngắn là thể loại khó cách tân bậc nhất trong văn chương Việt.
Mở ra biên độ không giới hạn về những bức bối trống rỗng trong tâm trí người, cách kể chuyện của Phong rất khác biệt, mỗi câu từ đưa người đọc trôi tuột vào những cơn mơ không ánh sáng không màu?
- Tôi tin vào những giấc mơ và tôi viết như là cách cho những giấc mơ u ám đó trình hiện. Viết là để giải phóng những xung năng bị kìm nén. Nhưng tôi nhận thấy càng muốn giải phóng những xung năng đó thì chúng lại càng xuất hiện dày đặc trong tôi. Có thể như bạn nói, cách kể chuyện của tôi khá khác biệt. Có lẽ chúng khác biệt bởi tôi không nặng về tính chuyện trong mỗi truyện ngắn, tôi ít khi theo tuyến tính sự kiện, tôi thích tẩy trắng nhân vật, nhân vật thường xuất hiện như những ký hiệu. Tôi thường tìm tới những trạng huống rất khó diễn tả được chúng bằng ngôn ngữ, những quái trạng khiến tôi ú ớ, u mê ù lì... Tôi cũng thích thú với việc để các nhân vật va đập với nhau, va đập trong không gian tù đọng, và nếu sự va đập đó cấu thành những hình ảnh mang tính biểu tượng thì lúc đấy tôi mới thành công.
Thế còn hình ảnh một Lê Minh Phong cụ thể tồn tại thực, sau các tác phẩm ngoài đời là như thế nào?
- Hình ảnh của tôi ở ngoài cuộc sống thì cũng bình thường như bao người khác. Cày cả ngày kiếm cơm và cũng nuôi dưỡng một vài mộng tưởng.
Một số tác phẩm hội họa.
Rõ ràng với mỹ thuật, Phong đã thành công và có thị trường riêng cho mình, nhưng mỗi bức tranh liệu có thể truyền tải tư tưởng cá nhân đến đông đảo công chúng?
- Thực ra sự biểu đạt của hội họa và văn chương gần như nhau. Dựa trên những chất liệu khác nhau và cách thức thực hành khác nhau, nhưng tôi nghĩ văn chương và hội họa đều nỗ lực để truyền tải tư tưởng cá nhân ra bên ngoài cuộc sống. Nếu như một tác phẩm văn học cần hơn đến một cốt truyện để kể, thì một bức tranh lại cần hơn đến tính tự thân của mình, tính tự thân này không phụ thuộc vào hội họa hữu thể hay vô thể, mà chứa đựng sức mạnh biểu đạt nằm ở linh hồn của bản thân chúng. Tác phẩm văn chương hay tác phẩm hội họa cũng vậy, nếu chúng có thể tự mở rộng biên giới của chính mình trong sự cảm thụ của cộng đồng tiếp nhận thì đã thực sự trở thành những nghệ phẩm giá trị.
Vậy văn chương vẫn luôn có giá trị bên trong và Phong vẫn sẽ miệt mài trên con đường này?
- Văn chương và hội họa đều là hai lĩnh vực tôi đang thực hành, và tôi nghĩ chúng sẽ đi với tôi trong suốt khoảng thời gian còn lại.
Cảm ơn Lê Minh Phong và chúc anh thành công hơn nữa trên cả hai con đường mà anh đã lựa chọn!