Tôi nói nhiều lần rồi, chẳng thích thú gì kỷ luật đồng đội, đồng chí của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng mà phải kỷ luật, vi phạm pháp luật thì phải xử lý”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng chủ trì kỳ họp thứ 15. (Ảnh: dangcongsan.vn).
1. Cuối tháng 6, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã họp kỳ thứ 15. Tại kỳ họp này, UBKT đã tiếp tục xem xét, kết luận các nội dung liên quan đến cán bộ. Đây không phải là kỳ họp đầu tiên mà UBKT đưa ra các kết luận liên quan đến các cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; nhưng, kết luận của UBKT cho thấy một thực tế sự xuống cấp về đạo đức trong đội ngũ cán bộ đảng viên là có thực và một bộ phận không nhỏ ấy bằng cách này hay cách khác đã góp phần làm cho nhân dân có cảm giác mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Sự xuống cấp về đạo đức trong đảng viên giờ nó cũng muôn hình vạn trạng. Có thể đó là sự vô tình vi phạm các điều đảng viên không được làm. Nhưng, nghiêm trọng hơn cả đó là việc cố tình vi phạm các điều đảng viên không được làm; mà giờ chuyện cố tình vi phạm ấy tuy không phải đến mức như “cơm bữa” nhưng quả thực nó cũng trở nên khá phổ biến.
Nhớ lại mấy kỳ họp gần đây của UBKT, hàng loạt cán bộ đã bị “điểm danh” với những khuyết điểm khác nhau và khá phong phú: Chẳng hạn như chuyện thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; thiếu giám sát gây hậu quả nghiêm trọng trong sự cố môi trường biển. Chẳng hạn như chuyện quản lý kinh tế tại tập đoàn, tổng công ty khiến thất thoát hàng ngàn tỷ đồng; đó là chưa tính đến yếu tố tham nhũng trong quá trình thất thoát ấy. Đến kỳ họp này của UBKT, lại một lần nữa hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên thông qua việc xem xét thi hành kỷ luật 2 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Trong kết luận của UBKT kỳ 15 có nêu rõ: Xem xét, thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai với lý do, “trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng.” Nhưng đó là những khuyết điểm ở cái thời đã có quyền cao ở tỉnh Đồng Nai; chứ trước đó khi mới chỉ ở vị trí ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, bà Thanh đã nổi tiếng về việc bao sân, đỡ đầu cho công ty của người thân trong gia đình - công ty Cường Hưng với hàng loạt các vi phạm thấy rõ. Vì thế, việc bà nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo xem ra không oan chút nào.
Cùng được nhắc đến trong cùng một kết luận kiểm tra của UBKT là trường hợp của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Kết luận nêu khá rõ về những khuyết điểm như việc: Vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa DN; thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai; mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định…
2. Hai trường hợp khác nhau nhưng cho thấy một điểm chung mà nói như GS Nguyễn Trọng Phúc khi trả lời báo chí đó là: Quan chức giàu lên khó hiểu xét cho cùng là do lợi dụng quyền lực.
Vị GS già bảy tỏ ngạc nhiên bởi với chức vụ, trách nhiệm và vai trò của một công chức, nếu chỉ tính thu nhập tiền lương sẽ rất khó có thể có được khối tài sản lớn như vậy. Vấn đề phải tìm ra nguồn gốc của số tài sản đó. Nếu số tài sản đó do sức lao động, do quá trình tích lũy mà có được là đáng hoan nghênh. Nhưng nếu là số tài sản bất minh, theo tôi cần xem xét, xử lý cho thích đáng trên cơ sở pháp luật của Đảng, của Nhà nước, đặc biệt là quy định của Trung ương về kê khai tài sản.
Trước hai trường hợp này, dịp vừa qua, báo chí truyền thông cũng đã ồn ã chuyện giàu lên nhanh chóng của nhiều quan cấp tỉnh; mà Yên Bái chính là một trường hợp đặc biệt. Vấn đề đáng nói ở cả vụ việc Yên Bái và vụ việc của Thứ trưởng Thoa chính là, đã thiếu đi sự công khai, minh bạch trong quá trình giàu lên của các cán bộ nhà nước, lương “ba cọc, ba đồng”.
Vấn đề nằm ở chỗ, quy định pháp luật đã có nhưng các cán bộ nhà nước hoặc tìm cách lách luật sao cho có lợi cho mình; hoặc cố tình không thực hiện theo yêu cầu của Đảng. Như trường hợp bà Thoa, Kết luận của UBKT nêu rõ: “Trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.” Hoặc trường hợp của Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái, việc kê khai tài sản cũng có nhiều điểm đáng đặt câu hỏi khi ông này cho rằng, biệt phủ được xây trên khu đất do vợ ông là chủ sở hữu. Mà vợ ông này chỉ là giáo viên của trường Dân tộc nội trú thì lấy đâu ra tiền để mua và sở hữu một khu đất rộng lớn vậy!? Điều này chỉ chứng tỏ thêm một lần nữa nhận định của GS. Nguyễn Trọng Phúc, về sự lợi dụng quyền lực để tạo ra lợi thế cho mình.
Nó cũng cho thấy, nhận định về việc quyền lực bị tha hóa do buông lỏng quản lý cán bộ khiến, cán bộ lợi dụng triệt để khoảng không không bị giám sát đó mà lợi dụng để tạo ra những mối quan hệ, lợi ích nhóm để trục lợi.
Ấy phải chăng là do, lâu rồi chúng ta không quen tiến hành phê và tự phê nên cán bộ được dịp “tự tung, tự tác”; cho mình quá nhiều quyền hành nên dẫn đến việc lạm quyền, lộng quyền. Và chỉ đến khi Đảng siết lại cách quản lý cán bộ đảng viên mới lộ rõ nhiều vị có khuyết điểm đến vậy. Và, do lâu nên khuyết điểm trở nên có hệ thống hơn, từ thấp đến cao; từ đơn giản đến phức tạp. Làm liều một lần trót lọt, bỗng thấy vi phạm quy định của Nhà nước dễ quá chăng mà lại tiếp tục “đánh quả” mà quả sau bao giờ cũng nặng ký hơn quả trước.
3. Từ những câu chuyện tản mạn kể trên về tài sản của quan chức và án kỷ luật của UBKT; mới thấy việc Đảng ta siết quản lý là việc làm cấp thiết.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri ngay sau kỳ họp thứ 3 QH khóa XIV, nói về vấn đề phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ đã về hưu vi phạm kỷ luật bị xử lý. “Vừa rồi dư luận hoan nghênh ở chỗ, xử lý có tình có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa. Tôi nói nhiều lần rồi, chẳng thích thú gì kỷ luật đồng đội, đồng chí của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng mà phải kỷ luật, vi phạm pháp luật thì phải xử lý”. Tại cuộc tiếp xúc ấy, Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh, chính nạn tham ô, tham nhũng và sự hư hỏng của cán bộ đang làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân phải đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Còn tại cuộc tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh hôm 7/7, chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cho rằng, muốn công việc được triển khai thông suốt, hiệu quả, phải có cán bộ tốt. Thế mà cán bộ quan liêu, hách dịch đã đành; lại còn tham ô, tham nhũng hay là có công ty sâu sau để mà lợi ích nhóm, làm lợi cho mình, rút ruột tài sản Nhà nước thì làm sao có thể coi là cán bộ tốt; làm sao để dân tin, dân yêu.
Chúng ta đã nói nhiều, kê khai tài sản thì phải công khai để dân giám sát; nhưng kê khai mà không công khai thì có khác nào kê khai không thực chất; kê khai lấy lệ. Nguy hiểm là ở chỗ ấy! Cán bộ thuộc diện kê khai “nhờn luật” vì kê khai xong cũng chỉ cất trong ngắn kéo mà thôi. Nói thật ông thủ trưởng cấp trên còn “trăm công ngàn việc”, sức đâu mà xem từng bản kê khai. Giả dụ, có thời gian cũng biết đâu cấp dưới kê khai không đúng. Chỉ có dân, quan sát hàng ngày mới biết thực hư thì lại không được tiếp cận bản khai. Vậy biết đâu mà giám sát. Vì thế, quản lý biến động tài sản qua hệ thống tài khoản luôn là lựa chọn số 1. Một việc nhỏ như thế chưa làm nổi thì chuyện vi phạm như của một số cán bộ trung ương và địa phương được nhắc đến trong bài rồi sẽ trở nên phổ biến khi mà chúng ta siết chặt kỷ luật, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên.