Mới đây, cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng đã phạt 3 cơ sở kinh doanh tổng cộng gần 200 triệu đồng, do liên quan trực tiếp đến việc gây ngộ độc cho 230 người ở Hòa Vang, Đà Nẵng, đến mức phải nhập viện. Vụ việc tác hại xấu đến sức khỏe quá nhiều người như thế này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, một câu hỏi đặt ra: Liệu chỉ phạt tiền cơ sở vi phạm có chấm dứt được vấn nạn ngộ độc thực phẩm?
Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa cấp cứu cho các cháu trong vụ ngộ độc ở Trường Mầm non Vườn Mặt Trời (tháng 12/2019).
Theo đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng thì nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cho 230 người ở huyện Hòa Vang (ngày 7/5) là do ăn phải các món ăn bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép. Vụ ngộ độc này xảy ra tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Tiến và Hòa Phú của huyện Hòa Vang. Thực phẩm gây ngộ độc là đồ ăn chay.
Từ vụ việc này, xin được nhắc lại một vài vụ ngộ độc thực phẩm khác trước đó, cũng rất ghê gớm. Trong nhà trường, thì vụ 143 trẻ Trường Mầm non Vườn Mặt Trời ở Thanh Hóa phải nhập viện cấp cứu (sáng ngày 23/12/2019) có thể coi là “tiêu biểu”. Trường có 650 trẻ theo học ở 20 nhóm lớp mà đã có tới 143 trẻ ngộ độc, chỉ vì một bữa ăn sáng. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 43 triệu đồng đối với trường này, do vi phạm các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khiến nhiều học sinh bị ngộ độc. Đáng nói là số trẻ bị ngộ độc do ăn bánh cuốn nhân tôm bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu. “Nguồn gây bệnh” được mua từ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ gần trường
Còn với người lao động, có thể kể đến vụ 88 bệnh nhân là công nhân của Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam (địa chỉ tại Hải Dương) phải nhập viện cấp, cũng do ngộ độc thực phẩm (ngày 10/4/2019). Trong số ngót trăm người phải nhập viện có hai phụ nữ đang mang thai (tháng và 6 tháng). Bữa trưa hôm đó do bên ngoài cung cấp.
Nhìn lại mới thấy, ngộ độc thực phẩm rất phức tạp, đồ ăn mặn cũng có mà ăn chay cũng có; trường học có mà nhà máy xí nghiệp cũng có; đám cưới cũng ngộ độc và cũng không loại trừ cả tang ma. Mới thấy, thực phẩm quan trọng nhường nào. Các cụ xưa từng răn, bệnh từ miệng mà vào, quả không sai. Đáng sợ là do điều kiện sinh hoạt ngày nay, ngộ độc tập thể dễ xảy ra. Được biết, với các trường học, nhà máy xí nghiệp đều có hợp đồng với những cơ sở chuyên cung cấp thực phẩm, nước uống… Nói chung là có ràng buộc trách nhiệm, nhưng khi xảy ra sự cố tác động đến nhiều người thì sự ràng buộc ấy là không đủ. Không thể xảy ra tại họa thì nộp tiền phạt, kể cả rút giấy phép kinh doanh là xong. Nếu thế, việc ngộ độc thực phẩm không thể chấm dứt. Đã đến lúc cần xử lý mạnh hơn, kể cả xử lý hình sự với những nơi gây ra tai họa. Mà cũng không thể chỉ trút hết “tội lỗi” lên đầu cơ sở cung cấp thực phẩm mà cần phải truy cứu trách nhiệm của nơi ký hợp đồng mua thực phẩm.
Nhân đây cũng cần nói thêm về việc lương tâm của người kinh doanh. Đành rằng số tiền chi cho mỗi bữa ăn của học sinh, của công nhân thấp nên thực phẩm khó có thể tươi ngon; nhưng cũng không thể vì lợi nhuận mà cung cấp thực phẩm ôi thiu, “quá đát” rồi chế biến bằng cách gia giảm gia vị cho dễ nuốt. Điều ấy không khác gì đầu độc con người. Trước, người ta hay nói đến việc “rau hai luống, lợn hai chuồng”, phê phán người nông dân đưa ra thị trường cây trồng tồn dư hóa chất và thuốc tăng trọng trong vật nuôi; thì nay cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, có hình thức xử lý mạnh mẽ hơn đối với những nơi chế biến, cung cấp thực phẩm kém chất lượng, độc hại. Nếu không, tình hình không thể xoay chuyển.
Cũng thật đáng ngại với những nơi cung cấp thực phẩm “không rõ nguồn gốc”. Đó là đồ ăn thức uống ngoài chợ, mẹt hàng rong, xe đẩy… khi mà người bán không ý thức được và cũng thiếu trình độ nhận biết thực phẩm mà vô tình khiến người tiêu dùng bị ngộ độc. Thôi thì đành kêu gọi “hãy là Thượng Đế thông minh”, nhưng có phải lúc nào “thượng đế” cũng thông minh được đâu.
Trở lại với việc xử lý các cơ sở cung cấp thực phẩm kém chất lượng gây ngộ độc, thiết nghĩ đã đến lúc phải bổ sung vào Luật những chế tài xử phạt nặng hơn; đặc biệt là với việc gây ra ngộ độc tập thể, hay là ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, nhất là khi gây ra tử vong. Phạt tiền suy cho cùng cũng chỉ là biện pháp hành chính, mà như thế sẽ không đủ tính răn đe.