Không chủ quan với bệnh sốt rét

Nguyễn Minh 10/03/2017 11:05

Theo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế), số bệnh nhân mắc sốt rét ở Việt Nam vẫn ở mức cao, hàng năm ghi nhận trung bình khoảng 30.000 trường hợp mắc sốt rét, trên 100 trường hợp sốt rét ác tính và gần 10 trường hợp tử vong do sốt rét.

Tẩm chăn màn bằng hóa chất để phòng bệnh sốt rét.

Bệnh sốt rét lưu hành ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các vùng còn khó khăn về kinh tế, điều kiện y tế. Một số tỉnh vẫn duy trì ký sinh trùng sốt rét ở mức cao trong nhiều năm hoặc có tình hình sốt rét phức tạp như Bình Phước, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trong các tỉnh lưu hành bệnh sốt rét thì Gia Lai được coi là có số người mắc cao và huyện Krông Pa chính “điểm nóng” về sốt rét trong mấy năm gần đây với tỷ lệ ký sinh trùng được phát hiện và số người mắc sốt rét cao nhất cả nước. Toàn bộ 14 xã, thị trấn nằm trong phân vùng sốt rét lưu hành nặng của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, thời gian gần đây với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – côn trùng Trung ương, ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong phòng-chống và chữa trị bệnh nhân, tình hình sốt rét tại một số địa phương thuộc vùng trọng điểm như các huyện: Krông Pa, Kông Chro, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đã giảm mạnh.

Cùng với đó, Trung tâm Phòng-chống SR-KST-CT tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp như phòng-chống véc tơ; chủ động giám sát đến tận thôn, làng; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục người dân các biện pháp phòng-chống sốt rét. Năm 2016, Trung tâm đã cấp 66.900 chiếc màn đôi đã tẩm hóa chất diệt muỗi của dự án RAI để bảo vệ cho người dân ở 10 huyện nằm trong vùng lưu hành sốt rét. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi và tẩm màn mỗi năm 2 đợt để bảo vệ cho 158.000 người dân ở 28 xã trọng điểm sốt rét của các địa phương…

Mặc dù tình hình sốt rét đã giảm, thế nhưng tại Gia Lai cũng như một số tỉnh có lưu hành sốt rét ngành Y tế vẫn chưa thể yên tâm vì nguồn véc tơ truyền bệnh vẫn còn trong môi trường. Thời điểm mùa mưa và những tháng cuối năm thường gia tăng số lượng người dân đi rừng, ngủ rẫy. Do đó công tác tuyên truyền phòng bệnh đến người dân vẫn đang được đẩy mạnh. Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi rừng, rẫy về nếu bị sốt hoặc nghi ngờ bị sốt hãy đến Trạm Y tế xã để được xét nghiệm miễn phí nhằm loại trừ nguy cơ mắc bệnh sốt rét.

Sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, bệnh do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Thời kỳ ủ bệnh trong bệnh sốt rét là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh trùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt rét thường trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 đến 8 giờ. Ngoài ra có thể có các triệu chứng đi kèm khác như là: nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…

Đáng lưu ý hơn, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) cũng nêu rõ: Ký sinh trùng sốt rét P. falciparum kháng thuốc Artemisinin đã xuất hiện ở 5 tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và đang có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác trên phạm vi toàn quốc. Nguyên nhân là do Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu thuận lợi cho các loài côn trùng gây bệnh tồn tại và phát triển. Muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết có mặt ở 63/63 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, trong bối cảnh những biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu, côn trùng gây bệnh xuất hiện nhiều loài, đa dạng, thay đổi tập tính trú đậu ngoài nhà, trong nhà; muỗi sốt rét và muỗi sốt xuất huyết kháng hóa chất diệt tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh…Mặt khác, thời gian qua, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác phòng chống sốt rét giảm mạnh trong những năm gần đây nên cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phòng bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với bệnh sốt rét

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO