Sức khỏe

Không chủ quan với xuất huyết kết mạc

Hoàng Chiến 08/03/2024 12:25

Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ngày 8/3, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, số lượng người bệnh đến khám do xuất huyết kết mạc tại khoa Mắt tăng đột biến.

Lạm dụng rượu bia cũng là nguyên nhân

Thời điểm cuối năm là dịp diễn ra các buổi tất niên, họp lớp và gặp gỡ gia đình, bạn bè. Trong các bữa tiệc, uống bia rượu là thói quen phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, việc lạm dụng bia rượu có thể dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe, bao gồm cả xuất huyết kết mạc.

426490821_122110462364207437_6968743169811587724_n.png
Ảnh chụp mắt của người bệnh được chẩn đoán xuất huyết kết mạc khi đến khám tại khoa Mắt (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Ảnh: BVCC

TS.BS Vũ Quế Anh (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, xuất huyết kết mạc là tình trạng các mạch máu nhỏ ở phần kết mạc bị vỡ, dẫn tới đỏ mắt.

Kết mạc là lớp mỏng bao phủ mặt trong mi mắt và bề mặt nhãn cầu. Kết mạc bao gồm nhiều mạch máu nhỏ mang oxy và chất dinh dưỡng tới nhãn cầu.

Khi mạch máu kết mạc bị vỡ, máu sẽ tập trung dưới kết mạc và mắt trở nên đỏ. Sau vài tuần, cơ thể sẽ có các cơ chế hấp thụ máu tụ. Thông thường, xuất huyết kết mạc không đau nhức và không nguy hiểm.

Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu nhận biết của một số bệnh cảnh toàn thân khác như:

Chấn thương mắt (bao gồm cả phẫu thuật mắt, các thủ thuật tiêm nhãn cầu), ho hoặc nôn mạnh làm tăng áp lực trong mắt, dẫn đến vỡ mạch.

Các bệnh lý viêm kết mạc, u kết mạc (u bạch mạch, u mạch máu xoang hang, u sarcom Kaposi..).

Bệnh lý tim mạch: huyết áp cao, thông động mạch cảnh xoang hang.

Đái tháo đường: tổn hại vi mạch.

Thuốc: chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu…

Bệnh về máu: bệnh lý đông máu, hemophilia, sốt xuất huyết giảm tiểu cầu.

TS.BS Vũ Quế Anh nhấn mạnh, uống bia rượu làm tăng huyết áp; tăng lượng acetaldehyde là một chất độc hại có thể gây tổn thương các tế bào nội mô mạch máu, dẫn đến suy yếu thành mạch máu và tăng nguy cơ vỡ mạch; đồng thời làm giảm lượng vitamin C là chất bảo vệ thành mạch.

Không nên chủ quan

"Bệnh thường tự hết sau 1 - 2 tuần tùy theo lượng xuất huyết mà không cần điều trị. Người bệnh có thể sử dụng thuốc tra nước mắt nhân tạo hỗ trợ, chườm mát giúp giảm triệu chứng phù nề và cảm thấy dễ chịu hơn", BS Vũ Quế Anh cho hay.

Ngoài ra, cần đi khám để tìm nguyên nhân và hạn chế yếu tố nguy cơ, tránh dụi mắt, hạn chế bia rượu; khám huyết áp tim mạch, khám toàn thân loại trừ bệnh lý khác…

Hiện nay, một số phương pháp điều trị đang được nghiên cứu: tiêm dưới kết mạc các chất hoạt động plasminogen tổ chức, heparin trọng lượng phân tử thấp… Tuy nhiên hiệu quả chưa được chứng minh rõ rệt trên lâm sàng.

Vì vậy, khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đi đến khám sớm để điều trị và phòng biến chứng do các bệnh toàn thân khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với xuất huyết kết mạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO