Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV được đổi mới khi chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận. Nhiều ĐB đã đánh giá cao sự đổi mới này, qua đó kỳ vọng cần có sự đổi mới tại các kỳ họp sau, đặc biệt là vai trò của chủ tọa.
Nhận định về việc tại kỳ họp này Quốc hội chuyển từ Quốc hội tham vấn sang Quốc hội tranh luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đây là một sự đổi mới cực kỳ căn bản, gần như là một sự chuẩn bị triết lý của Quốc hội bởi đây là nghị trường.
Theo ông Nhưỡng, cũng giống như bên ngoài có thương trường, thị trường thì Quốc hội có nghị trường. Từ trước đến nay chúng ta không phát huy được tính chất của nghị trường vì đây là nơi phải cọ xát nhiều, phải tranh luận để tìm ra chân lý, không được phép xuôi chiều. Ở đây mà xuôi chiều thì sẽ ra những sản phẩm không tốt, mà sản phẩm lập pháp không tốt thì sản phẩm của hành pháp và tư pháp sẽ cực kỳ khó khăn.
Ông Nhưỡng nói: “Như vậy nếu Quốc hội không thông qua được các đạo luật tốt, nghị quyết tốt, mà ở đây không có “đạo luyện” thì ra ngoài kia xã hội sẽ phải chịu hoàn toàn hậu quả. Tại sao Quốc hội lại được gọi là cơ quan quyền lực? Bởi vì đây là cơ quan làm luật, mà xã hội quản lý bằng pháp luật, xã hội sống bằng pháp luật, xử sự bằng pháp luật”.
Trả lời về việc các vấn đề được tranh luận tại Quốc hội đã đi được đến tận cùng của vấn đề chưa, ông Nhưỡng cho rằng, đây mới là bước khởi đầu nên chúng ta chưa thể cầu toàn ngay ở những khóa đầu, đặc biệt là ngay khóa XIV thì tỷ lệ ĐB lần đầu tiên tham gia là tương đối cao, trong đó có những người chưa tham gia hoạt động pháp luật, chưa tham gia vào hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề lớn, có những người có thể nói họ còn ở tầm nhận thức bước đầu về hoạch định chính sách và pháp luật.
“Mình cũng không trách được vì họ là ĐB của nhân dân, của khu vực nơi người ta bầu ra, họ tin tưởng những con người đó, mỗi người tin tưởng ở một khía cạnh. Chứ Quốc hội nếu ai cũng là “thiên thần” thì lúc đó chúng ta không cần phải có Quốc hội. Quốc hội là một sự đa dạng nên có những con người kiệt xuất, có người xuất sắc, nhưng cũng có người ở mức độ vừa phải mình cũng không nên trách cứ” -ông Nhưỡng bày tỏ.
Cũng theo ông Nhưỡng, chúng ta không cần phải đốt cháy giai đoạn vì đây mới là bước đầu của khóa đầu tiên tập trung để khuyến khích các ĐB tranh luận. “Ví dụ như hôm nay mặc dù tôi không định phát biểu nhưng thấy có vấn đề là tôi bật lên ngay. Vì nếu mình không nói ngay thì các ĐB khác cũng lao theo ý kiến đó lái thành vấn đề hoàn toàn khác. Tên của một đạo luật phải trình lên trình xuống thảo luận rất kỹ thì mới đưa ra cái tên này mà hôm nay một ĐB đòi đổi tên. Đổi một cái tên là khủng khiếp lắm. Tên người còn khác chứ nói gì là tên một đạo luật”-ông Nhưỡng đưa ra dẫn chứng.
Trong khi đó, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, việc cải tiến trong phương pháp làm việc của Quốc hội thì tranh luận cũng là cách để tạo ra sự năng động, tìm được lời giải mang tính thuyết phục để nhiều ĐB có thể đưa ý kiến của mình, cuối cùng chúng ta chọn một phương án tối ưu nhất. Do đó tranh luận trong Quốc hội là cần thiết và phát huy tính năng động của các ĐB có sáng kiến, phát huy được sáng kiến của các ĐBQH.
Tuy nhiên theo bà Tuyết, do lần đầu chúng ta làm nên các vấn đề mà các ĐB tranh luận cũng chưa được tập trung làm cho buổi tranh luận chưa phát huy được đúng nghĩa của nó.
Để phát huy được kết quả cao của việc tranh luận trong thời gian tới, bà Tuyết cho rằng chủ tọa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nên có gợi ý rõ hơn để các ĐB nhận thức rõ hơn thế nào là tranh luận? Thế nào là góp ý, đóng góp? Từ đó sẽ cùng nhau đưa ra phương án tốt nhất trong nhiều vấn đề.
Nhấn mạnh vai trò của người chủ tọa là vô cùng quan trọng vì cũng là người điều hành vấn đề tranh luận, bà Tuyết cho rằng: Chủ tọa nên nhóm vào một vài vấn đề để các ĐB cùng nhau tranh luận đi đến tận cùng. Bởi các ĐB phát biểu tản mạn rất nhiều, những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau thì chủ tọa phải tách riêng vấn đề đó ra, gợi ý để các ĐB cùng tranh luận để đưa ra phương án tốt nhất. Còn sau tranh luận mà chưa ngã ngũ thì lấy phiếu xin ý kiến các ĐBQH, như thế sẽ rút ngắn được thời gian và mang tính hiệu quả cao. Nếu không các ĐB sẽ nói tản mạn, khó tập trung.