Không để công nghệ ‘lấy mất trái tim’

NGUYỄN ANH TUẤN 26/06/2023 08:00

Chia sẻ với “thế hệ Z” nhân dịp lễ khai giảng năm học 2022-2023 Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, trong tư cách là cựu sinh viên của trường, nguyên Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng sự phát triển của thế giới hiện nay đặt cho chúng ta nhiều vấn đề để cùng suy nghĩ. Trong đó, câu hỏi “khoa học xã hội và nhân văn có vai trò như thế nào đối với thế giới đương đại?”.

Sự tương tác giữa công nghệ với nghề báo cũng không thể thay được tính cá nhân của nhà báo. Nguồn: Bloomberg.

Trách nhiệm là một thành tố giá trị cốt lõi

Nói chuyện với sinh viên, nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lưu ý: Các bạn đang sống trong một thế giới nhiều biến động, thế giới thay đổi nhanh chóng và sáng tạo chưa từng có. Xã hội thường gắn thế hệ Z với những đặc điểm như độc lập, trách nhiệm, phản biện, linh hoạt, nhiều tri thức khoa học. “Nhưng theo quan điểm của tôi thì trách nhiệm chính là phẩm chất mà xã hội đang đề cao cũng như kỳ vọng nhiều nhất ở các bạn. Trách nhiệm cũng chính là một thành tố trong giá trị cốt lõi mà chúng ta đang thực thi”.

Khoa học xã hội và nhân văn là khái niệm rộng, trong khái niệm hẹp hơn đó là nghề làm báo khi trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ cũng mang ý nghĩa lớn, rất thực tế. Đó là con người làm báo hay là cỗ máy làm báo. Báo chí chỉ đơn thuần là thông tin khai thác, nhào nặn từ kho dữ liệu khổng lồ trên mạng, hay phải là một nền báo chí nhân văn, biết đánh thức sự thổn thức trong trái tim mỗi người.

Gần đây, sự xuất hiện của ChatGPT đã tác động mạnh mẽ đến ngành xuất bản và sáng tạo nội dung, trực tiếp là nghề làm báo. Đã có nhiều công nghệ sử dụng AI để sản xuất tác phẩm video, hoạt động báo chí khi nó có khả năng tự động hóa với thao tác giản đơn. Đơn cử như công cụ gợi ý từ khóa nội dung tiêu đề, chủ đề bài viết báo chí. AI sẽ tiến hành lựa chọn xem xét dữ liệu trên trang web để xác định tiêu chí, nội dung cần phản hồi, sau đó đưa ra kết quả được cho là phù hợp. Tuy nhiên, con người sẽ luôn cần thiết bên cạnh các sản phẩm do máy móc làm ra bởi con người có những thứ mà AI không bao giờ có: đó là cảm xúc và sự sáng tạo thực sự mang tính cá nhân.

Theo ông Steve Chase - Trưởng nhóm tư vấn tại KPMG Mỹ, AI là sản phẩm máy móc, kỹ thuật do con người tạo ra. Vậy nên nó không thể biết vui, biết buồn, nghĩa là không có cảm xúc. Trong khi xã hội ngày một phát triển thì con người càng cần đến sự quan tâm, chăm sóc, sự tương tác giữa con người với con người.

Để thực hiện sứ mệnh quan tâm đến con người, tương tác giữa con người thì cũng chính là công việc đòi hỏi ở báo chí. Cùng với trách nhiệm thông tin thì báo chí giúp kết nối cộng đồng, chia sẻ lo toan cũng như niềm vui sống. Mà điều đó thì AI chịu thua, vì dẫu sao nó cũng chỉ là một thực thể vô tri vô giác. Công nghệ đứng một mình sẽ không hiệu quả.

Tại diễn đàn giao lưu với chủ đề “ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay”, PGS.TS Đinh Điền (Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) cho biết, là một trong nhiều phần mềm AI, ChatGPT trở nên nổi bật và dễ dàng tiếp cận người dùng vì chức năng xử lý ngôn ngữ đa dạng. Ứng dụng này nổi lên như một hiện tượng khi có thể viết văn, làm thơ, viết báo, tạo ra các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên, thậm chí có thể thay lập trình viên viết code… Tuy nhiên, ChatGPT không thể thay thế được sự sáng tạo đến từ cảm xúc.

Chỉ có con người mới chạm được tới trái tim con người

Trong các ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo, sáng tạo của cá nhân thì nghề báo có thể coi là điển hình. Người làm báo phải có sự trải nghiệm, nhưng “cỗ máy AI” thì không, đơn giản nó chỉ là một kho dữ liệu cho dù có khổng lồ đến đâu chăng nữa. Không có sự trải nghiệm, không có cảm xúc thì bài viết không thể chạm đến trái tim của công chúng. AI dù cực thông minh thì cũng không thể hiểu được công chúng cần gì và tác động nhân văn lên cảm xúc con người bằng cách nào.

Đáng chú ý là với một người viết báo, không chỉ là việc thu thập, khai thác thông tin mà còn phải biết rung động với thông tin ấy; tìm ra cách truyền tải của riêng mình. Có nghĩa là bài viết phải có hồn, có ý tưởng, phải có sự dụng công mang dấu ấn cá nhân. AI không thể làm rung động hồn người, chỉ có con người mới chạm được tới trái tim con người.

Gần đây, có hàng loạt câu hỏi cả về cơ hội cũng như thách thức của AI đối với hoạt động báo chí nói chung và với các vị trí việc làm của các nhà báo. Nhưng có lẽ đó là việc quá lo lắng. Trước hết, nói về thông tin. Một bài báo chuẩn mực phải chuẩn mực về thông tin, thông tin phải trung thực. Tuy nhiên, khai thác từ các chatbot thì hoàn toàn có thể nhận được thông tin phiến diện, sai lạc. Nếu những thông tin đó được “cóp” vào bài báo thì sẽ rất nguy hiểm.

Đặc biệt là AI không có sắc thái xã hội, thiếu cảm xúc và khả năng tương tác với con người như những nhà báo bằng xương bằng thịt. Nói như ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thì nhà báo khác AI ở trải nghiệm. AI có thể làm thay những công việc cơ bản của con người như dẫn bản tin, đưa tin khi thông tin đó đã có trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cái mà nhà báo có khi viết bài là trải nghiệm, từ đó đúc kết những kiến thức, tích lũy và phân tích vấn đề thì AI không làm được. Trong một chừng mực nào đó AI là công cụ gợi ý đề tài chứ không thể thay thế nhà báo trong sáng tạo nội dung.

Các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội nhưng xét cho cùng thì đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường.

Nhân đây, xin nêu một dẫn chứng. Trong vòng 2 năm 2020-2021, ở nước ta có tới 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát. Liệu có được những bài báo lay động không khi mà nhà báo không có mặt tại hiện trường? Lúc đó, có AI nào thay thế được một nhà báo bằng xương bằng thịt không quản hiểm nguy đến với vùng dịch, phản ánh những khó khăn của người trong khu vực phong tỏa để từ đó sẻ chia, để cả nước đồng lòng chống dịch.

AI có thể là một kho thông tin vô hạn “sẵn có” đợi khai thác, nhưng nó cũng chỉ là thông tin, không hồn vía. AI có thể soạn thảo văn bản, làm cả thơ... nhưng là những con chữ vô hồn không có dấu hiệu riêng của người viết vì rằng những bộ não trác tuyệt thì cũng không thể thổi hồn vào máy móc, công nghệ. Con người với tư cách là một cá nhân trong vũ trụ sẽ có nhiều sắc thái tình cảm, nhiều cung bậc cảm xúc, “ái, ố, hỷ, nộ” - có nghĩa là buồn vui, sướng, khổ; biết yêu thương và biết căm giận. Nhưng với AI thì không, nó chỉ có thể thay con người làm một số công việc mà không chịu trách nhiệm, càng không thể có được tinh thần nhân văn cao cả của con người.

Hoạt động trong môi trường báo chí hôm nay, có nghĩa là nhà báo phải song hành cùng công nghệ. Nhưng không thể để công nghệ “lấy mất trái tim”. Những người viết báo theo kiểu xào xáo, nhào trộn thông tin mạng suy cho cùng cũng chỉ là những “công tử”, “tiểu thư” đỏng đảnh trong làng báo khi trái tim xơ cứng, mòn mỏi, để phí hoài bầu máu nóng khi viết ra những bài báo vô hồn.

Không! Tác phẩm báo chí không phải như thế. Nó phải là sự rung động của con tim, là tinh thần nhân văn cao cả mà không một cỗ máy thông minh bậc nhất nào thay thế được.

Phải có sự rung động trong tinh thần nhân văn

Cách đây chưa lâu, nhân việc ChatGPT nổi lên, cũng vào dịp Ngày kể chuyện thế giới (World storytelling day), thường vào 20/3 hằng năm. Nhiều người nghi ngại đặt câu hỏi: Trí tuệ nhân tạo (AI) có thay thế con người không? Người ta đã khẳng định những câu chuyện cho phép mọi người kết nối, giao tiếp và duy trì văn hóa. AI có thể giúp con người “rảnh chân rảnh tay” nhưng không thay thế được con người với những câu chuyện “đầy mê hoặc” của mình. Những câu chuyện ấy rất thú vị khi xuất hiện trên báo chí với lối kể chuyện riêng của mỗi người. Chatbot sẽ không thể tạo ra những câu chuyện tốt như “người kể chuyện” vì nó không có trái tim. Cũng vì thế mà nhiều tòa soạn lớn trên thế giới... đã yêu cầu phóng viên của mình phải đưa vào bài viết những quan sát cá nhân cụ thể, chi tiết, bài viết phải có sự rung động trong tinh thần nhân văn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để công nghệ ‘lấy mất trái tim’