Không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Minh Phương 07/08/2021 06:30

Khó khăn trong đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều nhà máy chế biến phải dừng hoạt động... đang đẩy hàng hóa nông sản vào nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu không có các giải pháp kịp thời sẽ rất khó phục hồi trở lại.

Đó là nhận định của giới chuyên gia, các doanh nghiệp tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên do Liên Bộ Công thương, Bộ NNPTNT tổ chức chiều 6/8.

Nhiều nhà máy giảm công suất 30-40%

Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới vẫn tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, rất nhiều khó khăn trong vấn đề lưu thông, tiêu thụ nông sản đã xuất hiện. Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường quốc tế cũng gặp nhiều nan giải khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy.

Đáng chú ý, tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường” đã dẫn đến nhiều DN sản xuất buộc phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất do không đảm bảo được các yếu tố “3 tại chỗ” chẳng hạn như mặt bằng không có, không đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho người lao động... Nhất là những DN, khu công nghiệp có số lượng lớn công nhân sản xuất, theo các DN, việc sắp xếp chỗ ở sinh hoạt để đảm bảo an toàn dịch bệnh là rất khó khăn. Từ đây dẫn đến thực trạng có DN chỉ hoạt động 25% công suất so với trước, có DN buộc phải đóng cửa.

Nêu lên những khó khăn mà các DN trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang đối diện, ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay, Cà Mau có sản lượng khai thác thủy sản khá lớn, đặc biệt là diện tích nuôi trồng tôm. Đối diện với đại dịch Covid-19, hơn 1 tháng qua, thủy sản xuất khẩu gặp khó. Theo ông Sử, tại Cà Mau hiện nay có hơn 30 DN chế biến thủy sản xuất khẩu. Hiện việc giãn cách xã hội đang đẩy các DN vào tình thế khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.

“Yêu cầu hiện nay chỉ cho phép các cơ sở sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “2 điểm đến 1 cung đường” mới được hoạt động... trong khi nhiều DN không đáp ứng được các yêu cầu của những phương án trên, dẫn đến công suất hoạt động bị giảm mạnh. Nông sản bị giảm giá trầm trọng, nhiều nông dân ngừng sản xuất”- ông Sử cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên chuỗi sản xuất bộc lộ rõ rệt. “Nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa, giãn cách. Thiếu hụt lực lượng lao động lớn”- ông Tùng nhấn mạnh. Theo ông Tùng, hiện nay thời gian làm việc bị giảm mạnh do thực hiện giãn cách xã hội. Năng suất làm việc bình thường của công nhân ngành rau quả là từ 3h sáng đến sau 20h tối, nhưng hiện nay phải 6h sáng lao động mới bắt đầu đi thu hoạch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự tươi ngon của trái cây, nhiều loại trái cây phải thu hoạch từ tờ mờ sáng (tầm 3,4h sáng) mới đảm bảo được độ tươi ngon, chất lượng. Cùng với việc giảm giờ làm, công suất cũng giảm chỉ còn 30-40%.

Thị trường trong nước là trọng yếu

Không chỉ giảm năng suất do lực lượng lao động giảm, các DN xuất khẩu nông sản còn gặp khó khăn về logistics, chi phí vận chuyển cao. Theo ông Tùng, hiện đang có thông tin về việc, các hãng tàu không nhận hàng tươi, do hàng rau quả nhanh hỏng, không để lâu được như hàng khô. Điều này sẽ đẩy nông sản của bà con nông dân sau thu hoạch không thể xuất khẩu được. Nguy cơ ùn tắc nông sản sau thu hoạch hiện hữu rất rõ.

Trước thực trạng này ông Tùng kiến nghị, Bộ Công thương sớm đưa ra các giải pháp để giảm nguy cơ ùn tắc, mà trước mắt là làm việc với các hãng tàu để ưu tiên vận chuyển hàng tươi, hàng lạnh. “Chúng tôi cũng đã làm việc với các hãng tàu nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Bình thường chúng tôi được cấp hơn 100 container song thời điểm này chỉ còn được cấp 30-40 container, rất khó khăn cho xuất khẩu”- ông Tùng nói.

Nhiều DN cũng cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam khiến cho việc sản xuất nông sản ở khu vực phía Nam vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn, và nếu chậm khắc phục sẽ có nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Bởi vậy, các DN, đại diện UBND các tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xuất khẩu nông sản, giải tỏa tình trạng thiếu container xuất khẩu, tình trạng thiếu hụt lao động...

Trước những khó khăn mà các DN nông sản đang phải đối diện do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN cần phải xác định thị trường trong nước là quan trọng nhất, do đó phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý, 26 tỉnh, thành phố miền Nam và Tây Nguyên cần nắm chắc số lượng, chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, khẩn trương tìm cách tiêu thụ tại chỗ, bên cạnh đó phối hợp với các tổ công tác tiền phương của hai Bộ, các hiệp hội ngành hàng, các DN xuất nhập khẩu, DN phân phối để được tư vấn, hỗ trợ và tổ chức tiêu thụ khẩn cấp.

“Phải xác định thị trường trong nước lúc này là quan trọng nhất” – ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, với tinh thần không quá lệ thuộc vào một vài thị trường chủ yếu.

Tại Hội nghị, liên Bộ Công thương - NNPTNT cũng đã thống nhất một số biện pháp nhằm giải tỏa những nguy cơ ách tắc cho hàng hóa nông sản trong thời gian tới. Cụ thể, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xác định thị trường trong nước là trọng tâm, nền tảng phát triển tiêu thụ nông sản, thủy - hải sản, cần xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt nói chung, nông sản và thủy, hải sản nói riêng, qua đó nâng cao uy tín hàng sản xuất trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; Đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xuất khẩu, nhằm đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả, trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để đứt gãy chuỗi sản xuất