Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành báo chí, nhưng không đầu tư cho AI báo chí sẽ tụt hậu. Vậy, cùng với việc xây dựng khung pháp lý, các nhà báo phải sử dụng công cụ AI như thế nào cho phù hợp để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt là yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Cú hích với ngành báo chí
Trí tuệ nhân tạo đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức hoạt động, sản xuất và tiếp cận thông tin của báo chí trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt mới đây, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung và ứng dụng AI để tối ưu hoạt động. Đến năm 2030, tỷ lệ tương ứng sẽ là 100% và 90%. Ngoài ra, sẽ có 80% cơ quan hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ trong hai năm tới và 100% vào năm 2030.
"Cần ứng dụng AI nhằm gạt bỏ những công việc, những kỹ năng mà máy có thể làm tốt hơn phóng viên, biên tập viên hoặc thậm chí là các nội dung tương tự trùng với tòa soạn khác. Điều này cũng sẽ tạo không gian và thời gian để các tòa soạn có thể sáng tạo ra các câu chuyện khác biệt, không đại trà, không thể sao chép và không AI nào có thể tổng hợp, có lẽ đây mới là hướng tác nghiệp mới trong hoạt động báo chí", ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TTTT
Hiện công nghệ trí tuệ nhân tạo đang được một số tòa soạn sử dụng như một trong những nền tảng hỗ trợ trong thời đại chuyển đổi số. Từ năm 2018, báo điện tử VietnamPlus đã cho ra mắt Chatbot để tương tác với độc giả. Nhiều tòa soạn khác cũng đã dùng người dẫn chương trình ảo cho các bản tin video, bản tin podcast, hoặc phân phối tin tức trên mạng xã hội. Hay Báo điện tử VnExpress ứng dụng AI để gợi ý bài viết cho độc giả, để độc giả thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thông tin…
Dẫn chứng thực tế từ một cơ quan báo chí khi ứng dụng AI và ChatGPT vào sản xuất sản phẩm báo chí, theo nhà báo Ngô Trần Thịnh (Đài Truyền hình TPHCM), các biên tập viên chương trình đã sử dụng AI làm giúp kịch bản cũng như hỗ trợ viết nội dung kịch bản. Thậm chí trí tuệ nhân tạo còn đề xuất các chuyên gia công nghệ thông tin cụ thể để biên tập viên thực hiện phỏng vấn.
“Dù vậy trí tuệ nhân tạo vẫn còn nhiều khuyết điểm khi thực hiện một bài báo phóng sự như: sử dụng từ ngữ chưa phù hợp, dùng từ còn cứng do máy học tổng hợp để đề xuất; phải hỏi Al đến 8 câu hỏi để hiểu ý đồ của ekip muốn truyền tải; chưa có yếu tố điểm nhấn và chưa có yếu tố con người...”, nhà báo Ngô Trần Thịnh đánh giá.
Như vậy cần hiểu rằng, việc sử dụng AI vào hoạt động sản xuất báo chí là một quy trình xử lý đã được thiết lập cẩn thận trong nhiều tòa soạn, chứ không nên nhầm lẫn những hệ thống AI này với khả năng đưa ra "các câu trả lời ngay lập tức" (chatbot), hay việc mô phỏng hoạt động báo chí của các công cụ AI mới nổi gần đây như ChatGPT.
Và không thể phủ nhận các công cụ AI với khả năng tạo nội dung mới (generative AI) dần sẽ có thể hỗ trợ hoặc thay thế một số công việc trong hoạt động đưa tin và lập trình. Nhưng dù thế nào thì ChatGPT vẫn tạo ra một cú hích đáng kể đối với ngành công nghiệp truyền thông, cũng như làm dấy lên những lo ngại về thách thức.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhận định, sự phát triển rất nhanh của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT, đang đặt ra nhiều thách thức đối với báo chí ở vị trí việc làm của các nhà báo, các nhà quản lý, thậm chí là nguồn thu báo chí. Nhưng nếu không đầu tư cho AI thì báo chí sẽ tụt hậu.
Xây dựng khung pháp lý
Khẳng định nếu một tác phẩm báo chí được tích hợp giải pháp báo chí số thì sức lan tỏa, hấp dẫn, khả năng độ tin cậy, tăng cường hiệu quả của báo chí điều tra rất cao, tại tọa đàm “Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm” do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức ngày 8/6, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam rất đồng tình với nhận định robot hay bất cứ công cụ hiện đại hơn không thể thay thế với nhà báo cách mạng Việt Nam. Bởi robot không có trái tim, lý tưởng, mục tiêu, giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội. Các kỹ năng điều tra cũng không phải robot làm được. Robot là công cụ do con người tạo ra.
“Tôi cho rằng, robot không thay được nhà báo nhưng hỗ trợ nhà báo rất tốt. Các phần mềm trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chúng ra rất nhiều trong quá trình điều tra. Ví dụ, nếu chúng ta sử dụng bộ công cụ liên quan dữ liệu, chúng ta sẽ tiết kiệm thời gian lớn. Chúng ta không nên cực đoan, luôn tìm ra bộ công cụ và làm chủ công cụ đó. Nói cách khác, nghiệm vụ báo chí điều tra nên kết hợp với những giải pháp nghiệp vụ của báo chí hiện đại”, bà Hằng phân tích.
Đặt vấn đề về nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí là rất cao, nếu quản trị nội dung trong tòa soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số. Bà Đỗ Thị Thu Hằng nhận định: Trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe dọa an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động... là những thách thức lớn hiện nay.
Do đó việc xây dựng khung pháp lý được đặt ra, TS Lê Thị Hằng - Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề xuất, trong quá trình hội nhập quốc tế, việc bổ sung các phạm trù, quy định… liên quan đến đạo đức và tư cách pháp nhân của AI trong hoạt động báo chí truyền thông là hết sức cần thiết, như: Bổ sung khái niệm về AI/các thực thể AI trong báo chí. Điều đó sẽ giúp nhận định rõ ràng hơn về phạm vi và đối tượng ảnh hưởng của AI tới báo chí; Cần có quy định rõ ràng về quyền sở hữu chủ thể AI của các cơ quan báo chí; Cần có những yêu cầu liên quan đến giấy tờ chứng minh quyền sở hữu chủ thể AI của các đơn vị báo chí; Bổ sung những quy định liên quan đến việc chịu trách nhiệm thiệt hại xuất phát từ hành động đánh cắp chủ thể AI từ các cơ quan báo chí sở hữu chúng. Với những quy định này, luật có thể nêu rõ về việc chứng minh bằng chứng và điều tra đối tượng trộm cắp để bảo vệ đơn vị sở hữu khỏi những tình huống bị hãm hại bởi các cá nhân/đơn vị khác.
“Xét tổng thể, trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay, cụ thể là Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí, không gian pháp lý điều chỉnh các quan hệ pháp luật có sự tham gia của công nghệ chưa thể xử lý được các vấn đề phát sinh liên quan đến AI. Do đó, việc chuẩn bị những giải pháp, kịch bản cụ thể trước viễn cảnh AI phát triển mạnh tại Việt Nam là hết sức cần thiết”, TS Hằng nhấn mạnh.