Không lẽ lại áng chừng?

Lê Anh Đức 08/06/2017 09:02

Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh vừa “kiểm đếm” được hơn 70.000 tài khoản Facebook có hoạt động kinh doanh cần phải thu thuế. Theo quy định của pháp luật, mọi hình thức kinh doanh đều phải nộp thuế nên việc các cá nhân, tổ chức bán hàng online trên mạng Facebook cũng không ngoại lệ.

Song, vấn đề ở chỗ làm sao để kiểm soát được chủ tài khoản Facebook đó kinh doanh ở mức độ nào, những mặt hàng gì, nguồn vốn và doanh thu bao nhiêu để mà tính thuế?

Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc thu thuế là phải nắm được dòng tiền, nghĩa là phải kiểm soát được các cá nhân, tổ chức đầu tư bao nhiêu vốn, kinh doanh mặt hàng gì và doanh thu như thế nào.

Song, với những người kinh doanh trên mạng xã hội thì các cơ quan chức năng khó mà kiểm soát được những yếu tố mang tính then chốt nêu trên.

Quy định về thuế rất chặt chẽ nên việc cơ quan thuế không nắm được các thông số đó sẽ là một trở ngại lớn (nếu không muốn nói là không có căn cứ) trong việc áp dụng thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức đang thực hiện việc kinh doanh.

Đơn cử, một công chức ở một cơ quan nhà nước làm thêm bằng hình thức bán quần áo hàng hiệu online qua mạng xã hội Facebook, thì cơ quan thuế sẽ dùng cơ chế gì để có thể “cân, đo, đong, đếm” xem người này đã bán bao nhiêu bộ quần áo trong 1 ngày, 1 tháng, 1 năm..., tổng doanh thu là bao nhiêu, lãi ngần nào?

Và khi đã không nắm được thông tin quan trọng đó thì cơ quan thuế sẽ lấy căn cứ nào để tính mức thuế mà người kinh doanh nói trên phải nộp, không lẽ thu thuế “áng chừng”?

Pháp luật chính là chiếc “cân” công lý” nên mọi thứ đều phải rõ ràng, minh bạch và chi tiết, dù là nhỏ nhất. Theo đó, nếu cơ quan thuế “áng chừng” mức thuế sẽ khiến người kinh doanh bất phục, dẫn đến bất tuân và nhờn luật.

Còn nữa, có nhiều cửa hàng song song với việc kinh doanh tại chỗ cũng vẫn có tài khoản Facebook vừa để quảng cáo thương hiệu, nhưng cũng vừa để bán hàng online thì sẽ thu thuế kiểu gì?

Nếu vẫn thu thuế theo kiểu “anh có tài khoản Facebook bán hàng thì phải nộp thuế” thì chủ cửa hàng sẽ “kháng cự” rằng anh ta đã nộp thuế tại cửa hàng cố định rồi, không thể bắt anh ta nộp thuế 2 lần được.

Song, xét theo một góc độ nào đó thì tài khoản Facebook của anh ta lại chính là cửa hàng thứ 2 (bởi không chỉ có quảng cáo mà còn là bán hàng online) nên anh ta buộc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Vẫn biết theo lý là vậy, nhưng hiện hành lang pháp lý còn thiếu và chưa rõ ràng trong việc kiểm soát bán hàng online qua mạng xã hội nên cũng thật khó cho các cơ quan thuế đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Trở lại ví dụ trên, trong khi cơ quan chức năng khẳng định chủ cửa hàng cố định có bán hàng online qua mạng xã hội và yêu cầu nộp thuế, song người kinh doanh cứ một mực phủ nhận rằng anh ta chỉ quảng cáo sản phẩm và thương hiệu thôi chứ tuyệt nhiên không hề bán hàng online cho khách, thì có lẽ cơ quan thuế cũng đành chịu bất lực mà không thể làm gì được.

Vì sao? Đơn giản là khi khách hàng gọi điện, “inbox” đặt hàng và chủ cửa hàng mang đến tận nơi rồi thu tiền thì chỉ có Trời biết, đất biết chứ cơ quan thuế làm sao để biết?

Cũng có một vài ý kiến cho rằng, để kiểm soát thu nhập của người bán hàng online qua mạng xã hội cũng không có gì khó, chỉ cần “hợp tác” và đề nghị các nhà mạng cung cấp thông tin tin nhắn, đề nghị các trang mạng xã hội cung cấp thông tin trong “inbox” của chủ tài khoản Facebook là có thể định lượng được doanh thu và thu nhập thực tế.

Xin thưa ngay rằng, chớ có vội vàng mà làm điều đó, bởi nếu sử dụng phương pháp này sẽ không chỉ là vi hiến vì xâm phạm đời tư cá nhân được Hiến pháp bảo hộ, mà còn trái với thông lệ quốc tế gây dư luận không tốt trong xã hội và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.

Đó là còn chưa kể các trang mạng xã hội cũng chưa chắc đã cung cấp thông tin cá nhân của chủ tài khoản cho cơ quan thuế.

Ngay cả khi bằng cách nào đó, cơ quan thuế nắm rõ được thông tin về doanh thu, thu nhập của chủ tài khoản Facebook thì cũng chưa chắc đã thu được thuế.

Cứ tạm cho rằng các cửa hàng, doanh nghiệp lớn bán hàng online qua mạng xã hội có thể dễ dàng “ốp” thuế vì họ “có tóc” dễ nắm. Song, các cá nhân làm thêm bằng hình thức bán hàng online thì cơ quan thuế sẽ “cưỡng chế” kiểu gì đây?

Lẽ nào khi cơ quan thuế gửi biên lai thuế đến, những người bán hàng online lại không chối bay, chối biến rằng họ không bán hàng mà những thông tin trên Facebook chỉ là đưa chơi chứ không có mục đích kinh doanh. Đó là còn chưa kể trên không gian ảo đó thì tên, tuổi, địa chỉ... chưa chắc đã là thật, làm sao để chế tài?

Đưa ra những phân tích trên không phải để “bàn lùi” việc Cục Thuế TP.HCM chủ động đặt vấn đề thu thuế của các chủ tài khoản Facebook bán hàng online.

Dư luận hoàn toàn đồng tình, ủng hộ chủ trương thu thuế đối với cá nhân, tổ chức bán hàng online qua mạng xã hội, để đảm bảo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, sự công bằng cho tất cả những người kinh doanh.

Song, cần tính toán kỹ lưỡng, có kế hoạch chi tiết để đảm bảo sự thành công khi triển khai trong thực tế, đặc biệt là cần phải có hành lang pháp lý vững chắc để có căn cứ thực hiện. Nếu không, chủ trương cũng vẫn chỉ là chủ trương, khiến người ta coi thường quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không lẽ lại áng chừng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO