Mất gốc hay không mất gốc? Cách gìn giữ bản sắc văn hoá Việt khi học ở nước ngoài như thế nào?… là những câu hỏi mà các du học sinh thường nhắc đến khi bước chân sang một môi trường học tập, sinh sống khác. Mỗi một du học sinh có một cách định nghĩa về bản sắc văn hoá khác nhau, và họ giữ gìn bản sắc văn hoá theo cách của riêng mình.
Du học sinh quảng bá hình ảnh Việt Nam khi ở nước ngoài.
Khi sinh viên giữ bản sắc
Theo Trần Hoàng Kim, tốt nghiệp ĐH Brigham Young University chia sẻ: Bản sắc với một du học sinh được nhìn ở hai khía cạnh nổi và chìm. “Nổi” như món ăn, áo dài có thể trực tiếp nhìn thấy. Còn phần “chìm” là những thứ bản sắc mà từ ngữ khó có thể miêu tả được, ăn sâu vào tiềm thức như con người Việt Nam cần cù, chịu thương chịu khó.
Với Trần Diệu Liên, tân sinh viên ĐH Harvard lại khác. Liên cho rằng: Bản sắc văn hoá giống như khi mình sống ở miền Nam, nói tiếng miền Nam với tất cả mọi người thấy không có điểm gì khác biệt nhưng khi ra Hà Nội, hay bất cứ một môi trường nào khác, cũng vẫn giọng nói ấy nhưng cũng đã thấy được sự khác biệt. “Và mình nghĩ bản sắc văn hoá là những sự khác biệt”, Liên chia sẻ. Trải qua rất nhiều khó khăn để vào được ĐH Harvard, Liên cho biết có thể do một phần lớn nội dung trong hồ sơ của mình thể hiện được về bản sắc văn hoá Việt Nam.
Nhưng cũng chính những du học sinh này khi đã có khoảng thời gian được sống và học tập tại nước ngoài lại khẳng định rằng: Giữ gìn bản sắc văn hóa cũng cần được thể hiện phù hợp với thời kỳ hội nhập. Nghĩa là phải biết hoà nhập với văn hoá nước bạn nhưng không đánh mất bản sắc của văn hoá nước mình.
Nguyễn Thành Nam, nhận học bổng toàn phần ĐH Williams nói rằng: Bản sắc văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác. Luôn phát triển và không giữ nguyên theo thời gian để thích hợp với thời kỳ hội nhập. Hội nhập khi ở nước ngoài là điều quan trọng. Nhưng cũng phải giữ gìn bản sắc.
Trong thời gian sinh sống và học tập tại Mỹ, Nam cho biết đã tận dụng tối đa khoảng thời gian rảnh rỗi để giới thiệu bản sắc văn hoá Việt Nam cho các bạn qua các kỳ nghỉ như lễ tết, hay qua các hội chợ. Tại đó Nam cùng các bạn sinh viên khác giới thiệu cho bạn bè quốc tế về ẩm thực, nón lá, áo dài Việt Nam.
“Văn hoá Mỹ với Việt Nam có nhiều khác biệt. Ở Mỹ họ cởi mở hơn, khuyến khích thể hiện tình cảm kể cả nơi đông người, còn Việt Nam thì rất kín kẽ... Bản thân du học sinh có thể tiếp cận hội nhập nhưng cũng phải giữ gìn bản sắc, nghĩa là phải tiếp thu có chọn lọc”, Nam nói.
Còn với Kim, khi trải qua quá trình du học lâu dài đã đúc rút ra cho mình kinh nghiệm: Trước khi nghĩ hay bày tỏ về hình ảnh Việt Nam thì hãy không làm mất hình ảnh đẹp của Việt Nam. Ví dụ như văn hóa đi qua đường, tính trung thực trong học tập (chẳng hạn như quay cóp)... là việc cực kỳ xấu trong mắt bạn bè quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ. Vì thế các du học sinh khi muốn giới thiệu đến văn hóa của nước mình cần phải tìm hiểu kỹ, đồng thời tránh xa những hành động không mấy văn hóa đó.
Kim cho biết, trong thời gian đi du học bạn đã rất cố gắng tìm cách hạn chế những thói xấu này. Bởi vì “cái tốt sẽ dần bộc lộ để không làm xấu hình ảnh con người Việt Nam”.
Các bạn du học sinh nhận định rằng: Tài sản quý giá của người Việt Nam là cầu tiến, luôn biết cách phấn đấu. Làm sao để sinh viên Việt Nam có thể bằng với sinh viên nước khác là vấn đề cần được đặt ra ở mỗi du học sinh. Chúng ta phải biết mình là ai, mình thiếu gì và vươn lên bằng tinh thần cầu tiến. Biết nhìn vào lỗi của mình để sửa đổi mới mong có được thành công cho mai sau.
Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài cũng đều đạt điểm cao nhưng có điều ít nói. Sinh viên Mỹ, có thể họ không cầu tiến, không học tốt nhưng họ luôn giơ tay phát biểu, luôn tự tin. Sự rụt rè của sinh viên chúng ta còn quá nhiều và tự tin còn quá thiếu nên chưa dám thử thách bản thân. Nếu muốn đạt được thành công thì phải dám làm những việc mình chưa bao giờ làm.
Còn với Nam, chàng sinh viên được nhận học bổng toàn phần ĐH Williams chia sẻ, ngành học mà Nam yêu thích là kinh tế và công nghệ thông tin. “Mình sẽ luôn mang theo bản sắc văn hoá Việt Nam đến bạn bè thế giới, những câu chuyện cá nhân và cả câu chuyện về con người Việt Nam, đồng thời học hỏi kinh nghiệm bổ ích từ nước bạn để sau này trở thành công dân có ích cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng”.
Nên ở hay về
Bên cạnh những câu chuyện về việc giữ gìn bản sắc, các du học sinh cũng không ngần ngại thể hiện quan điểm của mình với việc du học xong nên ở lại hay về.
Trần Hoàng Kim, sau khi tốt nghiệp ĐH Brigham Young University đã trở về Việt Nam thành lập nên một khu vui chơi giải trí tổng hợp với không gian rộng và hình thức vui chơi đa dạng dành cho giới trẻ tại Hà Nội. Nói về quan điểm của mình cho việc đi hay ở, Kim trả lời rằng: Việc đi hay ở lại không quan trọng mà hãy đến nơi nào có thể thỏa sức với ước mơ của mình. Có thể nhiều người đã đánh giá chưa đúng về Việt Nam khi cho rằng Việt Nam không có nhiều cơ hội. Với tôi, thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhất là với những bạn mới khởi nghiệp. Việt Nam có rất nhiều kỹ sư trẻ giỏi, chi phí cạnh tranh được với nước ngoài. Các bạn có thể chọn bất cứ nơi nào thấy có điều kiện cho bản thân mình phát triển nhưng hãy đánh giá đúng về Việt Nam.
Tương tự, Nguyễn Thành Nam cũng cho rằng, nếu một người thực sự có tài năng thì ở đâu cũng sẽ tìm được cơ hội, không nhất thiết phải ở Mỹ hay ở Việt Nam. Không phải chỉ về Việt Nam mới giữ vững, phát triển bản sắc văn hoá Việt Nam mà ở Mỹ hay bất cứ nước nào khác, chúng ta cũng vẫn có thể giữ và phát huy bản sắc văn hoá ấy.