Không ngại đường khó

Hoàng Thu Phố (thực hiện) 19/03/2016 23:32

Gần 20 năm sau cuốn tiểu thuyết đầu tay, nhà văn Lưu Sơn Minh mới ra mắt tiểu thuyết thứ 2. Vẫn chọn đề tài lịch sử, vẫn một nhân vật của thời Trần, Lưu Sơn Minh không ngại đi trên một con đường khó mà nhiều người cầm bút đang ngại, đang né. PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện với anh khi tiểu thuyết lịch sử “Trần Khánh Dư” vừa ra mắt.

Không ngại đường khó

Nhà văn Lưu Sơn Minh.

PV:Thưa, vì sao anh quyết định chọn nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư để viết tiểu thuyết thứ 2 của mình?

Nhà văn Lưu Sơn Minh: Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay của tôi mang tên “Trần Quốc Toản”, nhân vật Trần Khánh Dư đã tạo được ấn tượng. Nhiều độc giả khá quan tâm tới ông, và tôi quyết định “nối dài” nhân vật. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, bởi Trần Khánh Dư là vị tướng độc hành trong lịch sử nước Việt thế kỷ 13 với một phong cách hoàn toàn riêng biệt đầy ngạo nghễ. Ông đã lưu lại dấu ấn qua cuộc tình với Thiên Thụy công chúa (con dâu trưởng của Hưng Đạo vương), qua “màn” xuất hiện ở cuộc hội vương hầu bàn kế đánh giữ trên bến Bình Than (với vẻ ngoài rách rưới của kẻ bán than), qua thất bại và thắng lợi trên mặt biển Vân Đồn... Càng tìm hiểu về ông, tôi càng say sưa với “thách thức” là mô tả cho được con người quá đa diện này. Phải mất 4 lần viết Chương mở đầu, và 8 năm ròng rã... tôi mới vượt qua được thách thức ấy. Tôi rất mừng, thậm chí phải nói lời cảm tạ với nhân vật, vì ông đã cho phép tôi viết về ông...

Trong 8 năm để viết cuốn “Trần Khánh Dư”, có lúc nào anh muốn buông, muốn bỏ ngang như là sự bất lực?

- Buông hay bỏ ngang thì không, nhưng “tắc tị” thì có. Không ít lần tôi phải dừng rất lâu bởi không tìm ra cách thể hiện nhân vật quá đỗi đa diện và đầy mâu thuẫn này. Lý giải tâm tư tình cảm khó, lý giải cách hành xử khó... Và, lý giải cả cách đánh càng khó hơn. Nhất là về cách mô tả trận đánh của Trần Khánh Dư trên biển trước đội quân xâm lược hùng mạnh và thiện chiến. Trước tới giờ, thủy quân của ta luôn tự tin trong các trận đánh trên sông. Nhưng trên biển, trước một kẻ địch phương bắc quá mạnh về trang bị và con người, những chiếc thuyền nhỏ mỏng manh của quân ta quả là lép vế. Thử đặt địa vị của mình vào Trần Khánh Dư, tôi càng hiểu thêm tâm trạng của người làm tướng mà chưa đánh đã hầu như biết mình khó thắng, thậm chí hoàn toàn sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại. Vậy thì phải đánh làm sao? Phải thắng thế nào?

Không ngại đường khó - 1

Cuốn tiểu thuyết "Trần Khánh Dư" của nhà văn Lưu Sơn Minh.

Chỉ khi trả lời được câu hỏi đó, tôi mới lại yên tâm viết tiếp. Tôi hoàn thành xong bản thô vào mùa hè năm 2014. Càng viết, tôi càng tin vào những suy xét của mình. Cần phải tin vào một cách xử lý của riêng con người nước Việt, và càng cần phải tin vào linh khí non sông biển trời Việt. Thời gian 8 năm tuy dài, nhưng vô cùng đáng giá để hiểu thêm thật nhiều về con người, đất trời... và cả về chính mình nữa!

Đọc cuốn sách thấy có nhiều nhân vật phảng phất các nhân vật từng có mặt trong truyện lịch sử của nhà văn Hà Ân: Hoa Xuân Hùng trong “Trăng nước Chương Dương”, Hoàng Đỗ trong “Bên bờ Thiên Mạc”, Đỗ Vĩ trong “Khúc khải hoàn dang dở”… Điều ấy, anh lý giải thế nào?

- Hồi 7-8 tuổi tôi vẫn là một thằng bé ốm nheo nhách. Trong những ngày ốm nằm một mình, chỉ có các nhân vật trong tác phẩm của Hà Ân làm bạn với tôi. Họ thực tới mức tôi luôn hình dung về thế giới của họ như hiển hiện trước mắt. Những câu chuyện kết thúc, tôi ngẩn ngơ tiếc nuối. Tôi chỉ có một mơ ước, được biết xem sau những câu chuyện trong các tác phẩm đó, mọi nhân vật sẽ thế nào... 20 tuổi, tôi viết truyện ngắn lịch sử đầu tiên về Thái sư Lê Văn Thịnh. Tôi nhờ bạn tôi mang truyện lên nhờ bác Hà Ân đọc. Sau đó, tôi được gặp nhà văn Hà Ân. Suốt những năm tiếp theo, bác Hà Ân luôn nhắc nhở và đốc thúc tôi viết. Khi tôi quyết định bắt tay vào viết “Trần Quốc Toản”, tôi đã kể lại mơ ước hồi nhỏ của mình với bác. Tôi xin bác Hà Ân cho phép được “nối dài” những câu chuyện bác đã kể... Thật may, bác đã cho tôi “ưu đãi” đó. Và những nhân vật của Hà Ân bước vào truyện của tôi để tiếp tục “sống” trong những năm tháng hào hùng bậc nhất của lịch sử Việt Nam...

Vì sao anh lại mê đề tài về nhân vật lịch sử, để viết tiểu thuyết, đặc biệt là nhà Trần? Trong khi đó, đề tài này có vẻ độc giả ngày càng ít quan tâm hơn?

- Tôi mê lịch sử từ nhỏ, điều đó ảnh hưởng từ ông ngoại tôi. Những cuốn sách về lịch sử tôi đọc đều do ông ngoại mua cho hoặc tôi tìm thấy trong tủ sách của ông. Tôi muốn viết cho thật dài câu chuyện về những nhân vật đã gắn bó với tôi suốt tuổi thơ. Có lẽ vì thế, trong các tiểu thuyết, nhiều khả năng tôi sẽ chỉ viết về nhà Trần. Còn các triều đại khác như Tiền Lê, Lý, Hậu Lê... tôi cũng đã từng viết truyện ngắn. Nhưng tôi chưa hề nghĩ đến việc viết dài về các triều đại đó. Dĩ nhiên ai mà nói trước được. Biết đâu, đến một ngày, một nhân vật lại chọn tôi viết về người đó thì sao...

Có lúc nào anh cảm thấy cô độc trên con đường lựa chọn: Chỉ viết về đề tài lịch sử? Khi mà các cây bút cùng thế hệ với anh, hoặc sau anh, nhiều người đã quay ra viết những đề tài có vẻ đương thời cho hợp “mốt” của người đọc?

- Thi thoảng, tôi có viết truyện ngắn hiện đại, in báo. Nhưng lịch sử là đề tài sẽ gắn bó mãi với tôi. Nói cho đúng, tôi chỉ cắm cúi đi trên lối đang mở ra trước mặt, gặp khó thì mở đường chặt cây, chứ ít để ý tới có nhiều hay ít người cùng đi trên con đường đó. Tôi tin, nếu còn được các nhân vật lịch sử yêu quý mà cho phép viết, thì tôi vẫn sẽ đi tiếp không ngại ngần gì trên con đường mà rất nhiều người bảo là khó đi này...

Trân trọng cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không ngại đường khó