Xung quanh câu chuyện về việc bỏ mức lương tối thiểu, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường và tiền lương được tính toán dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động. Do vậy Chính phủ, Nhà nước phải có quy định về chế độ tiền lương tối thiểu để đảm bảo cho người lao động yếu thế, có trình độ, tay nghề thấp… nhận được mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống tối thiểu của họ. Trong bối cảnh nước ta, việc bỏ quy định lương tối thiểu sẽ có
Duy trì tiền lương tối thiểu hiện nay là cần thiết.
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tiền lương tối thiểu (LTT) phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế, nên ở nhiều nước, việc công bố mức LTT chỉ ảnh hưởng khoảng từ 10% đến 20% người lao động thuộc nhóm có mức lương thấp nhất, làm việc trong những ngành, nghề yếu thế. Nhưng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức LTT này.
Lương tối thiểu để bảo vệ lao động yếu thế
Hiện nay mức LTT vùng của Việt Nam đã dừng ở mức 1 con số (năm 2017 là 7,3%). Vào tháng 8/2017 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã chốt phương án mức tăng LTT vùng năm 2018 là 6,5% và trình phương án này lên Chính phủ.
Mức tăng LTT vùng hàng năm của Việt Nam được tính toán dựa trên tỷ lệ bù trượt giá (chỉ số CPI), cộng thêm với năng suất lao động, cộng với chỉ số tăng lương. Mục tiêu LTT phải dựa trên năng suất lao động và đáp ứng mức sống tối thiểu. Tuy nhiên gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nên bỏ LTT vùng, bởi nó đang kìm hãm sự phát triển của các ngành kinh tế.
“Trên thực tế, có khoảng 50% người dân không chịu tác động bởi LTT. Cần mạnh dạn bỏ LTT, thay vào đó nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. Để làm sao doanh nghiệp họ thấy trở nên cạnh tranh hơn thì họ sẽ tự nguyện tăng lương cho người lao động”- ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đề xuất.
Trước quan điểm này, bà Tống Thị Minh - cục trưởng Cục Quan hệ lao động, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia khẳng định, hiện nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường và tiền lương được tính toán dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động. Do vậy Chính phủ, Nhà nước phải có quy định về chế độ tiền LTT để đảm bảo cho người lao động yếu thế, có trình độ, tay nghề thấp… nhận được mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống tối thiểu của họ.
Mặt khác bà Minh cho rằng, tiền LTT chỉ là mức lương sàn để hai bên thỏa thuận về tiền lương. Còn mức lương của người lao động phải tùy thuộc vào kỹ năng, năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Chính vì vậy, mức lương của người lao động phải là mức lương bình quân, mức lương thực nhận được theo thỏa thuận chứ không phải là mức LTT.
Khi bàn về tăng LTT, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã tính đến sự tác động của nó với nhóm ngành nghề sản xuất kinh doanh chịu tác động lớn bởi LTT. Trong đó có 4 ngành là: Dệt may, da dày, thủy sản, chế biến gỗ. Đây là 4 ngành sử dụng lao động phổ thông, nhiều lao động cho nên đa phần các DN vẫn trả lương bằng hoặc nhích hơn một chút so với LTT vùng, bởi phần lớn lao động làm trong ngành này là gia công, giá trị sản phẩm thấp, năng suất lao động thấp.
“Như vậy LTT chỉ là cơ sở để DN và người lao động thỏa thuận tiền lương, đảm bảo rằng mức lương thực nhận không thấp hơn LTT, nhưng vẫn phải đảm bảo dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động của DN”- theo bà Minh.
Những tác động tiêu cực
Tại hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động” mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng từ ngày 1/1/2018 tới đây khi mà việc đóng BHXH theo tổng thu nhập được thực thi thì việc duy trì tiền LTT sẽ đẩy DN vào thế khó, khi các chi phí gia tăng trong khi năng suất không tăng.
Song trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Quy định tiền lương đóng BHXH dựa trên thu nhập không làm giảm vai trò và ý nghĩa của LTT. Bởi lẽ, tiền lương chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu nhập, trong khi đó, lương của người lao động lại được tính trên cơ sở mức LTT. Còn chính sách BHXH được thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng (mức hưởng phụ thuộc vào mức đóng). Nhà nước khuyến khích người lao động và chủ sử dụng tham gia BHXH trong mức sàn và trần để bảo đảm an sinh xã hội tối thiểu cho người dân. Đó là tính ưu việt của hệ thống an sinh xã hội của nước ta.
“Trong bối cảnh nước ta, việc bỏ quy định lương tối thiểu sẽ có rất nhiều tác động tiêu cực đến người lao động. Đối với lao động cổ trắng (lao động chất lượng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, có vị thế thương lượng cao hơn với chủ sử dụng lao động) sẽ bị giảm thu nhập và quyền lợi. Lao động cổ xanh (lao động phổ thông, tỷ lệ thất nghiệp cao, không có vị thế thương lượng với chủ sử dụng lao động) sẽ rất dễ bị bần cùng hóa. Điều này, hoàn toàn đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như nguyện vọng của người dân, người lao động”- theo ông Lợi.
Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến cuối năm 2015, có 92% trong số 186 quốc gia thành viên áp dụng lương tối thiểu. Trong đó, tất cả các quốc gia thuộc châu Âu có lương tối thiểu do luật định hoặc do thương lượng tập thể ấn định. Ở các châu lục khác, chỉ có một vài nước không quy định lương tối thiểu. Ví dụ: Singapore, Brunei, Suriname, Ethiopia, Eritrea, Somalia, Qatar, Bahrain. |