Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết trung ương, 7,3% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường và 17,8% người dân đang ở mức tiền đái tháo đường.
Đáng nói hơn, đây là căn bệnh nặng gây tổn thương nhiều cơ quan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Thế nhưng, không ít người dân vẫn chủ quan dẫn tới hậu quả nặng nề.
Thông tin từ Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận ca bệnh nhiễm trùng hoại tử bàn chân hai bên rất nặng do biến chứng đái tháo đường. Được biết, bệnh nhân nam (76 tuổi, ở Hải Phòng) mắc đái tháo đường type 2 kèm tăng huyết áp hơn 1 năm nay nhưng không điều trị thường xuyên. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, thể trạng suy kiệt, bàn chân trái nhiễm trùng nặng, bàn chân phải đã cắt 3/4 bàn chân…
Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 3 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân bị ngã cầu thang khiến ông tím một ngón ở bàn chân phải. Dịp Tết Nguyên đán, thời tiết rét đậm, ông đi tất dày để giữ ấm chân. Sau khoảng một tuần, ngón cái bàn chân trái có màu tím đen, xuất hiện các vết loét ở bàn chân. Vết thương sưng to, nhanh chóng hoại tử và lan đến các ngón khác. Sau hơn 2 tuần điều trị và chăm sóc tại cơ sở tuyến dưới nhưng không hiệu quả, nhiễm trùng lan rộng, cả bàn chân xuất hiện hoại tử đen toàn bộ đầu ngón bàn chân.
Bệnh nhân nhập viện Nội tiết trung ương với kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng cao, chỉ số đường huyết vượt cao quá ngưỡng cho phép. Sau khi hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định cắt cụt cả 2 bàn chân để tránh nguy cơ nhiễm trùng lan rộng thêm, bảo toàn tính mạng.
BS Nguyễn Ngọc Thiện - Phó trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân cho biết: Đây là một trường hợp biến chứng rất nặng, do vậy sau phẫu thuật, diễn biến bệnh nhân còn phức tạp, như tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, thiếu máu nặng, cơ thể suy kiệt. Bệnh nhân được phối hợp điều trị tích cực chống nhiễm khuẩn, kiểm soát đường huyết, bổ sung dinh dưỡng, truyền máu…
Theo BS Thiện, với người bệnh đái tháo đường, biến chứng loét chân là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không phải do chấn thương. Việc điều trị bàn chân đái tháo đường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do người bệnh nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn.
“5 - 7% số bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân. Nguy cơ cắt cụt chân cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, suy thận, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… Việc phát hiện sớm, tuân thủ điều trị giúp hạn chế biến chứng cho người bệnh” - BS Thiện cảnh báo.
Trong khi đó, BS Lê Quang Toàn - Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết trung ương nêu thực trạng, hiện nay, có rất nhiều trang mạng quảng cáo về các loại thuốc điều trị đái tháo đường với nội dung chữa khỏi hoàn toàn tiểu đường, không dùng thuốc tây, không insulin. Đây là thông tin sai sự thật. Nếu người bệnh tin tưởng và sử dụng những loại thuốc này, bệnh tình trở nặng, gây ra các biến chứng về mắt, thận, tim mạch, biến chứng bàn chân và nhiều biến chứng khác cực kỳ nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.
BS Toàn khẳng định: Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường như một số cơ sở khám chữa bệnh quảng cáo. Ở giai đoạn đầu bệnh còn nhẹ, sử dụng một số loại thuốc đông y có thể giúp giảm đường huyết. Khi người bệnh đến khám ở các phòng mạch và cơ sở khám chữa bệnh thì thấy đường huyết ở ngưỡng bình thường và nghĩ rằng đã điều trị bệnh khỏi hẳn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng. Người bệnh có lượng đường trong máu bình thường là do sử dụng thuốc - không phải vì bệnh đái tháo đường đã biến mất. Khi đó, họ cần tiếp tục sử dụng thuốc kết hợp với luyện tập và ăn uống hợp lý, nếu không glucose máu sẽ tăng trở lại.
Người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ các chế độ điều trị bao gồm chế độ sử dụng thuốc, ăn uống, thay đổi thói quen sống, kiểm soát đường huyết và khám sức khỏe định kỳ. Việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh.