Di sản văn hóa là những giá trị văn hóa kết tinh. Có những di sản văn hóa được hình thành sau hàng ngàn năm. Việc bảo vệ di sản văn hóa đã có quy định của pháp luật. Thế nhưng, trên thực tế, có những di sản văn hóa rất giá trị lại bị chính những người quản lý văn hóa coi thường bằng việc thiếu trách nhiệm của mình. Từ đó dẫn tới nguy cơ di sản bị hủy hoại. Điển hình đang diễn ra gây nhức nhối dư luận là di chỉ khảo cổ Vườn chuối ở Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.
Khảo cổ học di chỉ Vườn Chuối.
Khi nói về bề dày lịch sử dân tộc, không ít người hoài nghi về chiều dài 4.000 năm. Có người nói chỉ khoảng 2.000 năm thôi. Từ đó dẫn tới việc không dám nói, dám viết con số 4.000 năm nữa mà chỉ nêu chung chung là hàng ngàn năm lịch sử. Thế rồi khảo cổ học đã chứng minh một cách hùng hồn rằng chiều dài lịch sử 4.000 năm của dân tộc không có gì là “thổi phồng”, là “chém gió” cả. Bên cạnh những di chỉ nổi tiếng như: Phùng Nguyên (Lâm Thao, Phú Thọ), Đông Sơn (Thanh Hóa), Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Óc Eo (An Giang)… thì di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối ở ngay thủ đô Hà Nội được khai quật mấy lần đã chứng minh sự tồn tại phong phú của nền văn hóa cách nay trên 3000 – 3500 năm.
Di chỉ Vườn Chuối trên thực tế là một cụm di chỉ khảo cổ rộng tới 12.000 m2. Đó là các di chỉ trên các gò Vườn Chuối, Dền Rắn, Mỏ Phượng, Cây Muỗng, Chùa Gio và Chiền Vậy. Lần đầu tiên các nhà khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu di chỉ Vườn Chuối là năm 1969. Tức là tính đến nay vừa chẵn nửa thế kỷ. Tại địa điểm Vườn Chuối, kể từ năm 1969 đến nay đã có 9 cuộc khai quật. Tổng diện tích khai quật là 799m2. Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn.
Hiện tại, di chỉ Vườn Chuối vẫn đang diễn ra đợt khai quật khảo cổ (lần thứ 9) theo giấy phép của Bộ VHTTDL đến hết tháng 11/2019 (Quyết định số 1470/QĐ-BVHTTDL ngày 23/4/2019). Đợt khảo cổ này diễn ra tại 3 khu vực Gò Vườn Chuối, gò Mả Phượng, gò Dền Rắn với diện tích 500m2, trong đó, hoạt động thăm dò là 300m2 ở gò Mả Phượng và gò Dền Rắn, còn khai quật là 200 m2 ở gò Vườn Chuối. Những di vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật sẽ được tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản. Bảo tàng Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Tuy chưa có báo cáo tổng kết chính thức, nhưng GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung- Giám đốc Bảo tàng Nhân học (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), chủ trì khai quật di chỉ Vườn Chuối cho biết: Trong đợt thăm dò, khai quật này, các nhà khảo cổ, nhà khoa học tiếp tục phát hiện nhiều mộ táng, một trong những di vật có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Vườn Chuối và thời tiền sơ sử ở TP Hà Nội. Việc tìm ra những tầng văn hóa mới, liên tục là một trong những minh chứng cho sự phát triển, kế thừa, tiếp nối xuyên suốt của thời đại kim khí ở Thủ đô Hà Nội và phía Bắc Việt Nam. Các nhà khảo cổ cũng tìm được những tư liệu vật chất quan trọng như gò bếp, than tro, di vật liên quan đúc đồng của cư dân Gò Mun, Đông Sơn... Di tích lớn và quan trọng khác là các mộ táng Đông Sơn, minh chứng cho sự phân chia giai cấp cũng như văn hóa tâm linh của thời đại kim khí ở cư dân sơ sử thủ đô.
Còn PGS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định: Từ di tích tới di vật như đồ đá, đồ đồng, di cốt xương và đặc biệt là đồ gốm đã chứng tỏ diễn trình cư trú, định cư của cư dân sơ sử ở Hà Nội. Tất cả di tích, di vật giúp chúng tôi đánh giá những giá trị tiêu biểu, đặc sắc nhất của Vườn Chuối trong đợt khai quật này. PGS.TS Tống Trung Tín- Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nói: Di chỉ Vườn Chuối chứa đựng dấu tích sinh sống của cư dân từ hơn một nghìn năm trước hiếm hoi còn sót lại, thể hiện nơi đây từng là trung tâm tụ cư, trung tâm văn hóa phía Tây Hà Nội thời Hùng Vương và tiền Hùng Vương. Đây là nguồn tư liệu đồ sộ giúp hậu thế hiểu rõ hơn về thời kỳ này. Cho đến nay, 90% di tích kiểu này không còn.
Giá trị to lớn không còn phải bàn cãi. Tiếc thay, lại không mảy may xúc động với những người xây dựng và phê duyệt quy hoạch Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch. Thêm nữa, mặc dù đang trong quá trình thăm dò và khảo cổ, nhưng Tổng Công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex (Chủ đầu tư Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch) vẫn cho san lấp, làm đường nội bộ. Báo cáo của Sở VHTT Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội ngày 12/11/2019 cho biết gò Mỏ Phượng đã bị san lấp 100%, gò Dền Rắn bị san lấp 50%, còn gò Vườn Chuối nằm trên đường vành đai 3,5 của TP Hà Nội.
Theo Luật Di sản văn hóa, cổ vật được định nghĩa là: “hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên”. Điểm C Khoản 1 Điều 28 Luật Di sản văn hóa có quy định những “Địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu” cũng là di tích lịch sử văn hóa. Điều 29 Luật Di sản văn hóa quy định tùy theo giá trị mà xét là di tích lịch sử cấp tỉnh hay quốc gia. Vậy thì, di chỉ Vườn Chuối hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí để xếp loại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Một di chỉ khảo cổ có giá trị như Vườn Chuối như vậy tại sao suốt mấy chục năm không được ngành văn hóa kiểm kê, lập hồ sơ và xếp hạng di tích?.
Việc không xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho Vườn Chuối của TP Hà Nội (cấp tỉnh) và Bộ VHTTDL (cấp quốc gia) đã trực tiếp khiến cho các cơ quan lập và phê duyệt quy hoạch khu đô thị Kim Chung - Di Trạch được “thỏa sức hủy hoại” di sản.
Việc giữ lại di chỉ Vườn Chuối sẽ khẳng định quy hoạch thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050 với tiêu chí: Xanh - Văn hiến - Văn minh mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được coi trọng.
Muộn còn hơn không. Hãy cứu lấy di sản bằng việc xếp hạng ngay di tích lịch sử văn hóa cho di chỉ Vườn Chuối. Nên nhớ, một khu đô thị có thể chỉ cần vài năm để xây dựng. Nhưng để có một Vườn Chuối, 3.000 năm nữa cũng không lấy lại được đâu.