Người dân tại các địa phương được coi là trọng điểm của SXH như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… lại có vẻ rất thờ ơ. Nhiều người thản nhiên cho rằng, công tác phòng chống dịch là việc của chính quyền địa phương, không phải việc của họ.
Phát quang bụi rậm, diệt loăng quăng phòng sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết đang nóng... xình xịch khắp từ Bắc - Trung - Nam. Những con số thống kê mỗi ngày khiến người ta lại thêm nóng lòng. 53 tỉnh, thành trong cả nước đã có người mắc với hơn 40.000 ca SXH, 25 trường hợp tử vong. Dịch diễn biến đặc biệt phức tạp tại các tỉnh phía Nam trong đó, TP HCM với 9.000 ca, 3 trường hợp tử vong; Đồng Nai 5.365 ca, 3 ca tử vong…Bình Dương tuy ít hơn về số ca 3.087, nhưng lại dẫn đầu về số người tử vong 6 người.
Lẽ thường, người dân sẽ lo đến “phát sốt” khi dịch đã gõ cửa hầu hết các tỉnh, thành. Nhất là khi số ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH) cũng như những ca biến chứng nặng rất đáng báo động.
Thế nhưng thật trớ trêu, trong khi ngành Y tế đang nỗ lực tìm mọi biện pháp để dập dịch thì người dân tại các địa phương được coi là trọng điểm của SXH như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… lại có vẻ rất thờ ơ. Nhiều người thản nhiên cho rằng, công tác phòng chống dịch là việc của chính quyền địa phương, không phải việc của họ.
Thậm chí, việc từ chối hợp tác phòng dịch đa dạng đến mức nực cười. Có người khi nghe có đoàn cán bộ xuống phun thuốc đã khóa trái cửa “cố thủ”, coi như không có người ở nhà. Cũng có trường hợp khi gặp được gia chủ rồi, thì chủ nhà nhất quyết không cho cán bộ y tế vào vì sợ phun thuốc sẽ... ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình họ.
Đáng ngại hơn, có địa phương sau mỗi lần ra quân huy động hàng ngàn người dân từ học sinh, sinh viên cho đến quân đội, công an vào cuộc tìm diệt loăng quăng, phun hóa chất nhưng chỉ 5 đến 7 tuần sau, mật độ muỗi lại sinh sôi như cũ. Vấn đề ở đây chính là ý thức người dân, họ đã không tự giác làm sạch môi trường sống của mình. Chả thế mà tại Đồng Nai, các thành viên trong đội đặc nhiệm phòng chống dịch vất vả từ hơn 1 tháng nay nhưng đều ngán ngẩm vì càng chống, dịch càng tăng.
Bộ Y tế lo ngại, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Hiện Bộ đã chính thức thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại 20 tỉnh, thành phố.
Mỗi đoàn gồm 3 hoặc 4 thành viên sẽ đi kiểm tra, chỉ đạo tại 2 tỉnh, thành làm việc với lãnh đạo Sở Y tế về các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong, công tác truyền thông và chỉ đạo của chính quyền các cấp. Bộ cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh liên hệ với các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhập khẩu thuốc để dự trù, xây dựng kế hoạch cung ứng, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh...
Tuy nhiên, chỉ một mình ngành y tế thì không thể làm nổi, cần có sự tham gia của cả cộng đồng. Thế nhưng, chính thái độ thờ ơ và sự thiếu hiểu biết những kiến thức cơ bản về phòng bệnh của nhiều người đã đặt cộng đồng, xã hội trước những thách thức và nguy cơ mới của dịch bệnh.
Trong chuyến thực địa kiểm tra tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã rất quan ngại với những gì nhìn thấy. Những bãi đất trống, vật dụng, lu khạp… đều là nơi chứa mầm bệnh SXH nhưng người dân lại rất thờ ơ, không coi đó là nguồn phát bệnh nguy hiểm mặc dù họ gần như thuộc lòng cái khẩu hiệu “muỗi chính là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết”.
Thứ trưởng Long cho rằng, nếu không làm tốt việc xử lý mầm bệnh thì dự báo từ giờ đến cuối năm, khu vực phía Nam sẽ còn gia tăng mạnh SXH.
Có thể khẳng định Việt Nam đã rất thành công trong việc ngăn chặn và khống chế nhanh các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi trên phạm vi toàn cầu và ngăn chặn thành công một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A(H7N9), Ebola, Mers-CoV...Thế nhưng, muốn phòng bất cứ dịch bệnh nào thiết nghĩ ngoài sự nỗ lực của ngành y tế thì ý thức của cộng đồng đóng vai trò rất lớn. Ngành y tế có thể kiểm tra, ngăn chặn nhưng nếu người dân không tự giác khai báo, không tự giác phòng chống thì kết quả e cũng chỉ là nửa vời.
Trong khi chờ đợi ý thức từ người dân thì giải pháp của Sở Y tế TP HCM có lẽ cũng là rất kịp thời khi đưa ra mức xử phạt nghiêm những người dân không hợp tác phòng dịch hay có những hành vi thiếu trách nhiệm làm lây lan bệnh truyền nhiễm. Và thực tế đã có 2 người phải chịu hình phạt này với mức phạt mỗi người là 750.000đồng.
Tuy nhiên, đây cũng là biện pháp cực chẳng đã. Số người nhập viện đang tăng, nhiều bệnh viện trở nên quá tải và đáng quan ngại là số người tử vong do SXH cũng tăng. Trung bình mỗi tuần, ở TP HCM hay Đồng Nai có trên 500 trường hợp phải nhập viện. Nước đã quá chân rồi. Không lẽ, người ta cứ phải chờ nước ngập đến cổ mới tìm cách “nhảy”? E rằng khi đó sẽ là quá muộn. SHX không phải chuyện đùa. Nó là tính mạng con người.