Sau hơn 20 năm quy hoạch mang tầm nhìn khu vực thế nhưng cho đến nay hình hài của khu đô thị Thủ Thiêm vẫn chưa thành hiện thực. Đến bao giờ khu đô thị (KĐT) này mới hoàn thành vẫn còn là câu chuyện dài.
Thủ Thiêm sau hơn 20 năm quy hoạch khu đô thị mới vẫn còn hoang sơ. Ảnh: Hồng Phúc.
Vướng mắc, dân không mặn mà
Thủ Thiêm được phê duyệt xây KĐT từ năm 1996, có tổng diện tích 657 ha. Theo quy hoạch 1/2.000 được duyệt, khu trung tâm hành chính, thương mại, tài chính mới của cả TP HCM sẽ được khởi dựng tại KĐT này, thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần các phường Bình An, Bình Khánh (Q.2) nằm trong lõi của KĐT.
Đã có thời điểm, TP HCM đưa ra quyết tâm rất cao để hình thành 5 phân khu chức năng cho KĐT trong mơ này. Thế nhưng sau 20 năm hoạch định, KĐT này vẫn đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Cái khó đầu tiên là câu chuyện bố trí tái định cư cho người dân Thủ Thiêm sau khi TP.HCM đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, giải tỏa bồi thường cho họ. Theo kế hoạch, TP phải xây dựng 12.500 căn hộ để phục vụ tái định cư, tuy nhiên với vô vàn vướng mắc, đến nay người dân Thủ Thiêm vẫn chưa mặn mà dọn về “thiên đường Phố Đông” như viễn cảnh vẽ ra từ hơn 20 năm trước.
Toàn bộ khu tái định cư Bình Khánh nằm phía Đông của KĐT đến nay còn đến hơn 5.500 căn hộ chưa bố trí được cho người dân. UBND TP.HCM phải nhiều lần chỉ đạo cho quận 2 và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ bố trí quỹ nhà và triển khai thực hiện các phương án giải quyết quỹ nhà còn lại thuộc chương trình.
Chưa bố trí được dân về khu tái định cư, KĐT Thủ Thiêm hiện nay còn còn bất cập về hạ tầng giao thông, dù đây là trục xương sống cần phải hoàn tất trước khi các phân khu chức năng của KĐT được khởi động. Nhìn từ trên cao, ngoài khu vực tái định cư Bình Khánh đã thành hình, các khu vực khác còn xanh mướt một màu.
Từ năm 2011, UBDN TP HCM đã phê duyệt một loạt dự án nhà ở cao tầng cao cấp dọc trục đại lộ Mai Chí Thọ cho đến hầm Thủ Thiêm để kéo dân cư về Thủ Thiêm.
Theo Ban quản lý Đầu tư Xây dựng KĐT thị mới Thủ Thiêm, trong số hàng chục các nhà đầu tư tên tuổi được TP chấp thuận chủ trương xây dựng dự án cao tầng ở Thủ Thiêm có một loạt các “đại gia” bất động sản với nhiều phương án được đưa ra. Nhưng hiện nay KĐT này vẫn đang rơi vào tình trạng bất cập mà trong đó phải kể đến là kẹt xe do quá tải các dự án cao tầng nằm dọc đại lộ Mai Chí Thọ.
Cần có thêm cơ chế?
Đến lúc này, UBND TP HCM vận dụng vào cơ chế chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị đã dành cả một Nghị quyết riêng cho TP (Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020).
Tuy nhiên, vừa qua khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết này, TP HCM tiếp tục kiến nghị trung ương cho TP một cơ chế mạnh hơn, bởi vì kết quả thu ngân sách để lại cho TP còn quá thấp, dẫn đến thiếu vốn đầu tư cho phát triển, nhất là hạ tầng giao thông. KĐT Thủ Thiêm là một ví dụ điển hình khi trong 5 năm qua việc đầu tư các dự án giao thông tại đây buộc TP HCM phải tự cân đối ngân sách.
Cho đến nay, duy nhất có Đại lộ Mai Chí Thọ thuộc tuyến Đại lộ Đông-Tây; đường hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 1 và tuyến đường kết nối cầu này với KĐT Sa La đã hoàn tất, còn lại các cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4 kết nối bán đảo Thủ Thiêm với các quận trung tâm còn đang xây dựng dở dang.
Tuyến Đại lộ vòng cung với 6 làn xe quanh KĐT đáng ra cần phải được làm trước để đẩy nhanh các phân khu chức năng của Thủ Thiêm nhưng lại mới đang thi công chậm chạp, khiến các nhà đầu tư, tập đoàn lớn đăng ký các siêu dự án tại đây vẫn phải mòn mỏi chờ đợi.
Như vậy, kể từ thời điểm quy hoạch xây dựng KĐT Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến nay đã hơn 20 năm nhưng Thủ Thiêm mới còn ở hình hài sơ khai. Giấc mơ của một KĐT kiểu mới thế nào vẫn là câu hỏi để dành cho thời gian tiếp theo.