Sáng ngày 20/2, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, việc thống kê hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp là rất khó khăn vì đối tượng không khai báo.
Theo Đề án, khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm 5 khu vực: Kinh tế ngầm (khu vực kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm có chủ ý để tránh thuế, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội); kinh tế bất hợp pháp (khu vực bị luật pháp cấm hoặc hợp pháp nhưng chưa đăng ký); kinh tế chưa chính thức; kinh tế tự sản tự tiêu (hộ gia đình); kinh tế bị bỏ sót (khu vực, hoạt động bị sót trong quá trình thu thập thống kê). Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, khu vực kinh tế chưa quan sát ngày càng đa dạng, phức tạp và tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Có không ít hoạt động kinh tế bị bỏ sót, do đó khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp chưa được nhận diện đầy đủ.
Nền kinh tế hiện đang có tình trạng “cố tình giấu”. Ví dụ như doanh nghiệp có doanh thu 100 tỷ đồng mà chỉ khai có 70 tỷ đồng thì ngành thống kê cũng chỉ nắm được có 70 tỷ đồng. Ngay trong những đơn vị mà trước nay đã được quan sát thì cũng có tình trạng chưa quan sát hết. Do đó, thời gian tới Tổng cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như ngành thuế để có biện pháp thống kê đầy đủ.
Tuy nhiên có lo ngại đặt ra áp lực điều tra khu vực kinh tế chưa được quan sát để tăng GDP và nới trần nợ công như thế nào? Ông Nguyễn Bích Lâm nói: “Chúng tôi khẳng định không chịu tác động của bất kỳ bên nào để có bức tranh chính xác về nền kinh tế”. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: “Hoạt động thống kê làm sao cho việc phản ánh được xác thực tình hình kinh tế - xã hội. Không lo ngại điều tra để làm tăng GDP và nới nợ công. Nợ công là do Chính phủ, còn chúng tôi cung cấp bức tranh thực tế để Chính phủ có quyết sách đúng đắn”.
Cũng tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi khác được đặt ra. Chẳng hạn như một số nước như Hà Lan đã đưa hoạt động nhạy cảm vào thống kê và coi đây là một hoạt động kinh tế để quản lý. Vậy, tại Việt Nam, các hoạt động nhạy cảm như tham nhũng hay buôn lậu… sẽ được thống kê như thế nào? Ông Lâm thông tin, năm 2019, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với các bộ ngành xác định từng thành tố, mỗi nhóm gồm những hoạt động nào; trên cơ sở đó xây dựng lộ trình thực hiện thống kê. Cụ thể hiện ở Việt Nam có một số hoạt động không được công nhận, dù mang lại thu nhập và theo thông lệ phải tính toán, thu thập dữ liệu.
Ông Lâm dẫn chứng như mại dâm hay tham nhũng... sẽ không nằm trong diện thu thập thông tin tính toán trong quá trình triển khai đề án khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Về kinh phí thực hiện cuộc thống kê kinh tế chưa được quan sát, ông Lâm cho biết chưa xác định được vì còn chờ vào đề xuất công việc cụ thể.