Khủng hoảng sức khỏe gia tăng ở Gaza

Hà Anh 11/11/2023 07:52

Tại Dải Gaza, điều kiện chăm sóc y tế đang thiếu hụt trầm trọng khiến không chỉ những người bị chấn thương không được điều trị đúng mức mà ngay cả những bệnh nhân lâu năm cũng chung số phận.

Người dân Gaza bế tắc khi tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Ảnh: AP.

Cô Tahreer Azzam, y tá Bệnh viện Makassed ở phía Đông Jerusalem, đã chăm sóc các bệnh nhi người Palestine mắc bệnh hiểm nghèo trong 16 năm. Nhưng kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra vào tháng trước, cô phải vật lộn để tìm kiếm họ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình, mỗi ngày có thêm khoảng 100 bệnh nhân ở Gaza cần được chăm sóc.

Mọi chuyện đã dừng lại sau ngày 7/10, khi các tay súng của nhóm Hồi giáo Hamas vượt qua hàng rào biên giới Gaza, giết chết gần 1.400 người ở Israel và bắt khoảng 240 con tin. Israel áp đặt một cuộc bao vây hoàn toàn vào Gaza, bắn phá vùng đất ven biển và tiến hành tấn công trên bộ. Theo các quan chức y tế ở Gaza, hơn 10.000 người Palestine, trong đó có hơn 4.000 trẻ em, thiệt mạng.

Cô Azzam và các đồng nghiệp đã cố gắng tiếp cận bệnh nhân, bao gồm cả việc kiểm tra Facebook để xem liệu họ còn sống hay không. Trong khi đó, WHO đang thúc đẩy những người dễ bị tổn thương nhất trong số những người mắc bệnh mạn tính được phép ra ngoài điều trị. Nhiều quốc gia đề nghị tiếp nhận bệnh nhân, bao gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Trước chiến tranh, mỗi năm có khoảng 20.000 bệnh nhân xin giấy phép từ Israel để rời Dải Gaza đi chăm sóc sức khỏe, nhiều người phải đi qua biên giới nhiều lần, 1/3 là trẻ em. Theo WHO, Israel phê duyệt 63% số đơn xin xuất cảnh y tế trong năm 2022.

“Đây là lần đầu tiên có lệnh cấm di chuyển toàn diện và bệnh nhân ở Gaza không thể chờ đợi được” – ông Osama Qadoumi, người giám sát tại Bệnh viện Makassed cho biết.

Tuy nhiên, mối quan tâm không chỉ dành cho những căn bệnh phức tạp nhất. Theo dữ liệu từ các tổ chức của Liên hợp quốc, có 350.000 bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính ở Gaza, bao gồm ung thư và tiểu đường, 50.000 phụ nữ mang thai. Trước đây, phần lớn có thể được chăm sóc y tế ở Gaza, nhưng giờ đây, hệ thống y tế mong manh của khu vực này bị tàn phá bởi các cuộc không kích, trong khi lượng bệnh nhân chấn thương gia tăng và nguồn cung cấp thuốc và nhiên liệu giảm nhanh chóng. Một lượng nhỏ viện trợ đã được phép đi qua biên giới, khoảng 80 bệnh nhân được phép ra ngoài.

Tiến sĩ Richard Peeperkorn - đại diện của WHO tại Gaza và Bờ Tây - cho biết: “Chúng tôi luôn dành sự quan tâm cho các trường hợp bị chấn thương và điều đó là đúng. Nhưng chúng tôi cũng phải nghĩ đến 350.000 bệnh nhân khác”.

Theo WHO, khoảng 1.000 bệnh nhân ở Gaza cần lọc thận để sống sót, nhưng 80% máy móc đang được đặt tại các bệnh viện địa phương theo lệnh sơ tán. Bệnh viện ung thư duy nhất ở Gaza không còn hoạt động. Quân đội Israel đã yêu cầu dân thường sơ tán khỏi phía Bắc Gaza - nơi có một số bệnh viện - khi nước này theo đuổi chiến dịch giải tán Hamas. Quân đội Israel nói Hamas giấu các trung tâm chỉ huy dưới các bệnh viện. Phía Hamas phủ nhận điều này.

WHO cho biết, trong khi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt, khoảng 400 bệnh nhân đã rời Gaza để điều trị trước chiến tranh bị mắc kẹt ở phía Đông Jerusalem và Bờ Tây. Nhiều người gặp khó khăn trong việc liên lạc với người thân vì mạng điện thoại di động ở Gaza rất kém.

Anh Um Taha al-Farrah, người đưa đứa cháu gái 6 tuổi Hala đến Bệnh viện Makassed hôm 5/10 để phẫu thuật cột sống lần thứ 3 - cho biết: “Tôi chưa thể nói cho bố mẹ con bé biết về kết quả cuộc phẫu thuật. Mẹ Hala đã bị từ chối cấp phép đi cùng tôi đến bệnh viện”.

Ngày 9/11, WHO cảnh báo, Dải Gaza đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh lây lan gia tăng do các cuộc không kích của Israel làm gián đoạn hệ thống chăm sóc y tế, gây khó khăn cho việc tiếp cận với nước sạch và khiến các nơi trú ẩn ngày càng quá tải.

Tuyên bố của WHO lưu ý "một số xu hướng đáng lo ngại đang xuất hiện". Tổ chức này nêu rõ, trong bối cảnh số người thiệt mạng và bị thương tiếp tục gia tăng ở Gaza do xung đột chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tình trạng quá tải ở các nơi trú ẩn cùng hệ thống y tế, cung cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn làm gia tăng nguy cơ lây lan nhanh chóng các bệnh truyền nhiễm.

Theo WHO, việc thiếu nhiên liệu ở khu vực đông dân cư đã khiến các nhà máy khử muối phải đóng cửa, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như tiêu chảy. Kể từ giữa tháng 10, hơn 33.550 trường hợp bị tiêu chảy đã được báo cáo, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. WHO cho biết, số trẻ bị tiêu chảy đã tăng mạnh so với mức trung bình 2.000 trường hợp hằng tháng ở trẻ em trong suốt năm 2021 và 2022.

WHO lưu ý, các cơ sở y tế "gần như không thể" duy trì các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cơ bản, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh do chấn thương, phẫu thuật và sinh nở. Tổ chức này đồng thời cảnh báo sự gián đoạn trong công tác tiêm chủng định kỳ cũng như tình trạng thiếu thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm sẽ làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Vừa qua, Bộ Quốc phòng Italy thông báo đang cử một tàu bệnh viện đến hỗ trợ người dân Palestine ở Dải Gaza và dự kiến sẽ đến "sau vài ngày tới". Tàu hải quân Vulcano được trang bị phòng phẫu thuật chở theo 30 nhân viên y tế. Hải quân Indonesia cũng đang chuẩn bị điều tàu bệnh viện KRI dr. Radjiman Wedyodiningrat thực hiện sứ mệnh nhân đạo chữa trị cho người dân tại Gaza.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng sức khỏe gia tăng ở Gaza

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO