Kí kết hợp đồng: Người lao động thờ ơ

Lê Bảo 05/10/2016 23:57

Theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động làm việc thời vụ từ 3 tháng trở lên phải ký kết hợp đồng lao động. Và khi có hợp đồng lao động người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), khi thôi việc phải được trợ cấp, tiền phép năm... Tuy nhiên vì “hổng” kiến thức pháp luật mà phần lớn người lao động bỏ qua quy định này.

Ảnh minh họa.

Thua thiệt vì không có hợp đồng lao động

TAND TP Biên Hòa, Đồng Nai vừa tuyên buộc một công ty phải bồi thường cho người lao động gần 1 tỉ đồng do sa thải trái luật.

Cụ thể, Tòa tuyên buộc Công ty TNHH S. phải bồi thường cho bà Uyển gồm 55 tháng lương, hai tháng lương tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng, lương làm thêm giờ…, tổng cộng hơn 934 triệu đồng. Tòa cũng yêu cầu Công ty phải nhận bà Uyển làm việc trở lại, nếu chưa bố trí được công việc cho bà thì phải trả lương theo hợp đồng đã ký.

Phải bồi thường nếu sa thải trái pháp luật là một trong quy định pháp luật để bảo vệ người lao động, song không phải người lao động nào cũng nhận được bồi thường giống như trường hợp trên. Bởi phần lớn người lao động, nhất là lao động thời vụ thường tỏ ra thờ ơ với việc kí kết hợp đồng lao động.

Thực tế, số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho thấy, hiện vẫn còn 8,46 triệu lao động chưa được ký hợp đồng lao động.

Đáng chú ý có nhiều lao động dù đã được ký kết hợp đồng lao động nhưng việc ký kết khá sơ sài, nhiều nội dung quan trọng như: Công việc phải làm, hình thức trả lương, các khoản phụ cấp, an toàn vệ sinh lao động và điều kiện làm việc... chưa được thương lượng, thỏa thuận để quy định rõ trong hợp đồng lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình trạng không ký hợp đồng lao động cũng phổ biến ở các doanh nghiệp gia công, thời vụ. Nhiều nhất là với những lao động thời vụ, chế biến thủy sản, dệt may làm việc đã lâu nhưng vẫn không được ký hợp đồng lao động, các quyền lợi BHXH, BHYT, phép năm đều không có.

Cần quy định cụ thể

Đánh giá về việc thực hiện pháp luật hợp đồng lao động, thống kê của ngành LĐTB&XH cũng chỉ ra nhiều sai phạm như: Việc giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói trái quy định, ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều hơn 2 lần liên tiếp, ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, việc giao kết sai loại hợp đồng còn diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đáng chú ý là việc quy định người sử dụng lao động có thể cho NLĐ thôi việc vì lý do kinh tế hiện nay đang bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng.

Từ những hạn chế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để việc ký hợp đồng được thực hiện đúng luật đảm bảo quyền lợi cho người lao động tới đây, việc sửa đổi luật cần theo hướng, quy định rõ ai là người đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức...để ký kết hợp đồng lao động để đảm bảo sự rõ ràng và thống nhất trong thực hiện. Đồng thời cần bổ sung quy định cấm ký kết các loại hợp đồng khác thay cho hợp đồng lao động khi phát sinh quan hệ lao động.

“Dù các quy định về ký kết hợp đồng lao động đã khá rõ ràng cụ thể nhưng rất nhiều người lao động không biết lợi ích của việc ký kết hợp đồng đem lại. Do đó cùng với việc sửa đổi cho phù hợp thì cần tăng cường các dịch vụ tư vấn pháp luật, đẩy mạnh đối thoại tại nơi làm việc. Có như thế người lao động mới nhận biết được quyền lợi của mình để từ đó chủ động yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện giao kết hợp đồng lao động” – ông Hùng đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kí kết hợp đồng: Người lao động thờ ơ