Trước bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó thì việc khai thác thị trường nội địa với sức mua 100 triệu dân chính là bệ đỡ giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt đồng thời giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, cần giải pháp thúc đẩy thị trường trong nước vì chỉ khi doanh nghiệp bán được hàng mới có vốn quay vòng sản xuất, có lương chi trả cho lao động, từ đó tác động trở lại tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế phục hồi. Mặt khác, nếu làm tốt thì đây cũng là cơ hội để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường.
“Bệ đỡ” cho doanh nghiệp
Thông tin từ Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này cho thấy, thị trường nội địa đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước tiêu thụ hàng Việt. Đặc biệt, phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu là những chỉ đạo mới nhất của Chính phủ nêu tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2023. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sụt giảm mạnh do sức mua của nhiều thị trường toàn cầu yếu đi.
Bởi vậy lúc này thị trường nội địa cần là bệ đỡ cho DN. Một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu, thị phần hàng dệt may Việt Nam trên “sân nhà” ngày càng được gia tăng mạnh mẽ với hàng loạt thương hiệu “Made in Việt Nam". Thời gian qua, một số hãng thời trang hàng đầu trong nước như: May 10, Ðức Giang, Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng... đã và đang tập trung nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng nội địa. Cùng các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước, DN đã từng bước được người tiêu dùng đón nhận.
Ông Hoàng Thế Nhu - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 chia sẻ, Công ty luôn ưu tiên sản xuất hàng dệt may cho người tiêu dùng Việt Nam. Sản phẩm dành cho người Việt luôn được xác định có chất lượng ngang bằng, thậm chí vượt trội so với hàng xuất khẩu, song giá bán phải được tính bằng tiền Việt chứ không phải USD, tức là giá cả thực sự cạnh tranh và có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Vũ Ðức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, thị trường trong nước với quy mô gần 5 tỷ USD đang được DN nội hướng đến bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường. Hiệp hội sẽ tiếp tục sát cánh cùng DN, phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ DN về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại... nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường.
Cũng là mặt hàng xuất khẩu chính, tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến nay các DN gỗ nội thất gặp khó do thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong bối cảnh ấy, nhiều đơn vị đã dành một phần nguồn lực để cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, coi đây là giải pháp tránh phụ thuộc vào xuất khẩu. Bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành thông tin, từ cuối năm 2022, bên cạnh xuất khẩu, DN đã triển khai làm hàng hóa đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ giúp cho nhà máy duy trì sản xuất, DN đặt ra mục tiêu trong năm 2023, tỉ trọng nội địa sẽ tăng trên 20%.
Là một trong những DN giày có nhiều đối tác nước ngoài nhưng 2 năm qua, Công ty TNHH Giày Nam Bình (Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng rơi vào cảnh khan hiếm đơn hàng. DN đã quyết định chuyển hướng sản xuất phục vụ thị trường nội địa. Đến nay, mỗi tháng DN làm ra hơn 40.000 đôi giày cung ứng cho khách hàng trong nước, duy trì việc làm ổn định với mức lương cao cho 230 công nhân. Ông Nguyễn Quang Vũ - Giám đốc Công ty bày tỏ, nếu chịu khó tìm hiểu, nắm bắt được thị hiếu khách hàng nội địa thì DN sẽ thành công.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Duy Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Minh Dương cho biết: DN chuyên sản xuất các loại bún, miến khô xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, châu Âu... thời điểm này xuất khẩu gặp khó khăn nên DN chuyển sang chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường trong nước. Dự kiến trong năm 2023 DN sẽ cung ứng cho thị trường nội địa 500.000 tấn bún, miến khô.
Tận dụng hỗ trợ, ưu đãi
Để hỗ trợ đơn vị sản xuất quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Việt trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn DN bán lẻ cũng đẩy mạnh các chương trình kích cầu qua đó hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường 100 triệu dân tiêu thụ. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đang vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán. Thông qua hoạt động này, DN bán lẻ liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa vượt mức 50%.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng nên thị trường nội địa cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để DN khai thác trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để DN đưa ra sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, Bộ Công Thương nên tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại qua đó DN có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm tới khách hàng. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ thủ tục thuê mặt bằng, tổ chức các chương trình bình ổn giá, giúp vay vốn với lãi suất ưu đãi… qua đó DN đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm Việt. “Hiện nhiều DN trong quá trình quay lại thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối hợp tác tiêu thụ với chuỗi bán lẻ, do vậy DN rất cần sự giúp đỡ của cơ quan quản lý trong việc tạo mối liên kết xây dựng chuỗi tiêu thụ”, ông Phong kiến nghị
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất, cần có giải pháp thúc đẩy thị trường trong nước, tăng tiêu dùng nội địa. Bởi chỉ khi DN bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục. "Kích cầu nội địa vẫn sẽ là giải pháp duy nhất để cứu tiêu dùng khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng. Bởi DN gặp khó khăn xuất khẩu sẽ có chiến lược quay về thị trường nội địa. Muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các DN, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm", ông Thịnh nhấn mạnh.
Mặt khác, DN được khuyến cáo đẩy mạnh các giải pháp tận dụng ưu tiên từ Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm đưa sản phẩm chất lượng chiếm lĩnh tốt thị trường nội địa. Bởi giai đoạn tới, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ có rất nhiều ưu tiên cho hàng Việt Nam.
Đảm bảo chất lượng, giá cả
Dù vậy, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, thị trường nội địa đang là bệ đỡ cho các DN, nhưng muốn thành công buộc họ phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng, DN cũng cần củng cố lại chất lượng sản phẩm để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường.
Bước sang năm 2023, nhiều DN, người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn ngắn hạn để bảo toàn tài chính khi lạm phát gia tăng. Các chuyên gia dự báo với mức độ hấp dẫn của thị trường tiêu dùng nội địa cũng sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất trong nước. Công ty tư vấn quản trị Mckinsey dự kiến tới năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 37 triệu người vào tầng lớp tiêu dùng, giúp tăng tầng lớp tiêu dùng lên gần 74% so với mức 40% năm 2020 và chưa đầy 10% năm 2000 nhờ vào việc tăng tỉ lệ đô thị hóa, nhất là ở các đô thị cấp 2 và gia tăng nhanh tầng lớp trung lưu. Giới phân tích cũng kỳ vọng các công ty bán lẻ có các mảng kinh doanh phân khúc cao cấp có thể gặp ít rủi ro hơn từ việc người dân cắt giảm hầu bao.
Còn theo nhận định của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), bên cạnh ưu đãi cho xuất khẩu, thị trường nội địa đang trở nên hấp dẫn với các DN sản xuất khi thu nhập người dân dự kiến gia tăng, kéo theo tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng.
Trong giai đoạn xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục, thì thị trường nội địa đang cứu các DN sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh, việc khai thác tốt thị trường nội địa, quay trở lại “sân nhà” đối với nhiều DN cũng không phải là việc dễ dàng. Bởi ngoài các mặt hàng đã có thương hiệu, sản phẩm đưa vào thị trường nội địa cũng cần đảm bảo chất lượng, giá cả, minh bạch được về nguồn gốc xuất xứ mới có thể thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Thậm chí những DN sản xuất năng động có thể tự thiết kế ra dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long: Giảm thuế để kích cầu
Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp đầu tiên để có thể kích cầu là phải miễn giảm thuế. Đây cũng là giải pháp nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Bên cạnh đó, các DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng các chương trình khuyến mại, cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, DN bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ hoặc xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Kích cầu tiêu dùng cũng là giải pháp phù hợp vì khi đẩy mạnh đầu ra, tăng doanh thu, DN mới có thể phát triển. Mặt khác, đây là lúc các cơ quan chức năng cần giảm bớt những thủ tục rườm rà, chi phí bất hợp lý, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất cho DN. Cuối cùng, phải có cách tăng thu nhập cho người lao động. Bởi hiện nay kích cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào bán lẻ là chính.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú: Thị trường nội địa đang cứu các doanh nghiệp
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, các đơn vị bán lẻ trong nước cần nhanh chóng hỗ trợ các DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng, giúp DN có vốn lưu động, đáp ứng cho sản xuất và dự trữ. Đồng thời, các ngân hàng nên nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn. Việc vay vốn lãi suất ưu đãi sẽ giúp DN có được nguồn vốn tập trung sản xuất, dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.
Về phía DN, cần tận dụng thế mạnh là am hiểu người tiêu dùng, hàng hóa Việt, sản xuất tại chỗ rất dồi dào, chi phí vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ ngắn, cộng thêm sức mạnh vốn có của hệ thống phân phối trước đây để lại. Đó là những yếu tố mà các DN phải tận dụng để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phát triển thị trường nội địa hiện là một cơ hội đồng thời là một thử thách cam go quyết liệt, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và nhất là các DN cần phải có những nghiên cứu thấu đáo, khoa học, tổ chức thực hiện một cách bài bản và nghiêm túc theo những định hướng của Chính phủ. Có như vậy, thị trường nội địa mới được phát triển đầy đủ, văn minh và hiện đại, đủ sức phục vụ gần 100 triệu dân.