Kích cầu tiêu dùng để thúc tăng trưởng

T.Hằng – M.Sang 11/10/2023 07:33

Kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023. Đón được xu hướng mua sắm cuối năm, các siêu thị, nhãn hàng tung khuyến mãi để hút người tiêu dùng.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm chi phí. Ảnh: Quang Vinh.

Giữ giá bán, đổi lấy sức mua

Dự đoán nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân sẽ tăng từ 15 - 20% trong những tháng cuối năm, nhiều chuỗi bán lẻ thực hiện kế hoạch giảm giá để hút người tiêu dùng.

Chẳng hạn chuỗi bán lẻ WinMart thực hiện giảm giá sản phẩm hỗ trợ người mua. Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Miền cấp cao chuỗi WinMart, cho hay, định kỳ mỗi tháng, siêu thị thực hiện 2 kỳ khuyến mại, ưu đãi 20% đối với Meat Deli và rau Win Eco.

Trong khi đó Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, tại 800 điểm bán thuộc hệ thống Saigon Co.op trên toàn quốc đồng loạt triển khai các chương trình ưu tiên đặc biệt cho các thương hiệu sản xuất tại Việt Nam, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm và tiết kiệm chi phí nhiều nhất có thể. Điển hình là chương trình “Best seller”, giảm giá mạnh lên đến 50% các sản phẩm hàng công nghệ, đồ dùng và may mặc.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.op mart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, bên cạnh nỗ lực khuyến khích nhà cung cấp chấp nhận cùng siêu thị cắt giảm lợi nhuận để thực hiện các chương trình khuyến mãi, chia sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng, bản thân các siêu thị thuộc hệ thống cũng nỗ lực cải tiến các quy trình quản lý, vận chuyển, lưu kho... để tiết giảm tối đa chi phí đầu vào.

Giữ giá bán, đổi lấy sức mua là chiến lược chung của các nhà bán lẻ trong những tháng còn lại của năm. Đại diện nhiều siêu thị cũng cho biết, thời gian tới còn có nhiều chương trình khuyến mãi, thực hiện giữ giá cho hàng hoá như: chương trình bình ổn giá cuối năm, tháng khuyến mại quốc gia, chương trình bình ổn giá cuối năm.

Đứng ở góc độ người tiêu dùng, chị Bùi Thị Oanh (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ, mỗi tuần chị đi siêu thị một lần để chuẩn bị đồ ăn và đồ dùng thiết yếu trong gia đình.

“Mỗi mặt hàng đều được giảm giá một chút sẽ giúp người tiêu dùng nhẹ gánh. Giá hàng đã hưởng khuyến mại cũng tương đương với giá mặt hàng cùng loại ngoài chợ, nhưng hàng trong siêu thị yên tâm hơn về chất lượng” – chị Oanh nói. Còn chị Trịnh Loan (Hai Bà Trưng – Hà Nội) so sánh, nhà có con nhỏ nên phải chi tiêu một khoản tiền để mua sữa cho con. Mua hàng ở siêu thị nhiều khi còn được khuyến mãi tặng kèm thêm món đồ này món đồ kia, được giảm giá trên sản phẩm trong khi mua sữa ở ngoài cửa hàng rất ít khi có khuyến mãi.

Góp phần thúc đẩy tăng trưởng

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục thống kê, bên cạnh giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại bền vững thì kích thích tiêu dùng là cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong các tháng cuối năm 2023. Kích cầu tiêu dùng được coi là giải pháp hữu hiệu khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng…

Để kích cầu tiêu dùng, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp (DN); tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.

Đồng thời, thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các DN sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm giảm, nhờ đó DN chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Chính sách này cũng tác động trở lại giúp DN phục hồi sản xuất kinh doanh do tăng nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;

Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, cần dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Hiện các DN đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Hoạt động xuất, nhập khẩu cũng sụt giảm và chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8%; nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9%.

Tại họp báo thường kỳ quý III/2023 của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, Bộ đang nghiên cứu nội dung giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Hiện nay, thuế VAT được giảm từ 10% về 8% đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ. Việc giảm thuế giá trị gia tăng đã góp phần giảm giá bán. Từ đó, góp phần giảm chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% cũng đã được hưởng lợi từ khi đề xuất giảm thuế VAT được thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kích cầu tiêu dùng để thúc tăng trưởng