Liên quan đến những lớp học được quảng cáo là thông qua việc kích hoạt bán cầu não có thể biến một đứa trẻ thành thiên tài, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD)- một chuyên gia về giáo dục sớm cho trẻ.
PV: Thưa ông, về mặt khoa học, những kích hoạt lên bán cầu não phải có tác động thế nào đối với sự phát triển của một đứa trẻ?
PGS. TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Não phải của con người phát triển sớm nhất, mạnh nhất ở giai đoạn từ khi còn là thai nhi cho đến 3 tuổi. Từ 3-6 tuổi bắt đầu chuyển dần sang não trái, sau đó sẽ phát triển chủ yếu là não trái. Não phải phát triển mang tính tiềm thức còn não trái phát triển theo ý thức. Khi ta kích hoạt não phải ở giai đoạn vàng từ 0-3 tuổi, sau đó kích hoạt não trái sẽ làm cho toàn bộ đại não phát triển một cách toàn diện. Một đứa trẻ được phát triển đầy đủ, hài hoà cả hai bán cầu não có tiềm năng nổi trội được nhiều khía cạnh về mặt thông minh của con người, chẳng hạn như các năng lực cảm xúc, trí tuệ…
Cụ thể với những lớp học kích hoạt não bộ đang được quảng cáo rầm rộ hiện nay, theo ông có đem lại hiệu quả?
- Về mặt lý thuyết, có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để kích hoạt não bộ phát triển trong đó chủ yếu là não phải, với việc tận dụng chức năng của nó là khả năng tiếp thu được những thông tin không chỉ về các giác quan cụ thể mà nó còn có thể tiếp thu được các thông tin qua thần giao cách cảm, hoặc qua các sóng…
Trên thực tế, dù áp dụng phương pháp gì thì để kích hoạt não phải phát triển không phải là chuyện của 1, 2 ngày với một tốc độ “siêu tốc độ” như vậy. Càng không có chuyện sau một khoá học, dù là tiền triệu hay nhiều hơn nữa mà có thể trở thành những con người đặc biệt, thậm chí là thiên tài như các đơn vị này quảng cáo. Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Chúng ta phải hiểu não bộ càng được kích thích sẽ càng phát triển nhiều kết nối của các tế bào thần kinh với nhau, các lượng thông tin từ ngoài vào được hấp thụ nhiều hơn với một tần suất nhiều hơn, tốc độ lớn hơn nhưng là với lượng hợp lý. Nếu kích thích theo kiểu dồn dập, chóng vánh thì không những không đúng về mặt khoa học, không mang lại hiệu quả như mong muốn thậm chí có thể kích thích quá mức sẽ khiến não bộ sẽ bị tổn thương.
Nếu không kích thích để phát triển não bộ trong giai đoàn vàng dưới 3 tuổi cũng là bỏ lỡ cơ hội. Ngược lại, nếu kích thích quá mức thì cũng lợi bất cập hại. Vì vậy, theo tôi không nên ủng hộ, khuyến khích những phương pháp dạy như vậy.
Trên thế giới có những phương pháp tương tự như thế này không, thưa ông?
- Theo tôi biết trên thế giới cũng chưa có ai cổ vũ việc kích hoạt não bộ phải cho một đứa trẻ trong vài ba buổi để trở thành những con người khác với những con người khác.
Chúng ta nên nhớ một đứa trẻ bị yếu về mặt thị giác thường sẽ phát triển giác quan sờ, nghe… tốt hơn những bạn bình thường khác. Bản thân con người đó và não bộ của họ sẽ tự cân đối phát triển các giác quan khác trong khả năng của họ.
Tâm sự của một phụ huynh có con theo học lớp học này cho biết khả năng học tập ghi nhớ của trẻ dường như tốt hơn sau khi theo học. Một số khác lại cho biết ở lớp con làm được nhưng khi về nhà thì lại lẫn lộn lung tung cả. Theo ông, tại sao lại có hiện tượng này?
- Nếu chúng ta kích hoạt não phải với đứa trẻ dưới 3 tuổi, đứa trẻ sẽ nhận được lượng thông tin nhanh với tần suất tương đối tốt, lưu nhớ trong tiềm thức của nó. Giai đoạn đó, nếu dạy theo các phương pháp giáo dục đúng đắn thì đứa trẻ sẽ nổi trội được không chỉ ở các mặt trí tuệ, cảm xúc mà cả thể chất cũng nổi trội.
Nếu trong nhất thời, chỉ đi học 1,2 buổi đứa trẻ được kích hoạt não phải thì có thể não cũng tiếp nhận một lượng thông tin nhiều, từ đấy biết phân biệt cái này cái khác. Như tôi đã nói đó là giai đoạn tiềm thức, bộ nhớ nhớ theo kiểu chụp ảnh chứ không phải nhớ theo kiểu sắp xếp để ra được logic của nó như ở giai đoạn ý thức. Điều đó lý giải khi thầy giáo hướng dẫn con thu hoạch được nhưng về nhà cha mẹ không giúp con luyện tập thì sẽ quên đi, mất đi.
Giáo dục không chỉ ở nhà trường mà cần sự phối hợp giữa gia đình nhà trường trên cơ sở áp dụng các phương pháp giáo dục một cách khoa học. Có thể một ngày chỉ kích thích vài phút thôi trong sự hợp lý của nó chứ không hẳn làm nhiều sẽ tốt. Những khoá học siêu tốc như vậy đứa trẻ ngay tức thời sau khi học có thể truyền tải thông tin ra được nhưng sau đó lại quên đi nếu không được luyện tập thường xuyên.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bộ GD&ĐT chưa cấp phép cho lớp học kích não Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vào chiều 29/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT đã nhận được thông tin liên quan đến lớp học kích não tại TP HCM qua báo chí. Cho đến giờ phút này, Bộ không cấp phép cho bất kỳ một lớp học kích não nào, đồng thời đang yêu cầu có báo cáo để có hướng xử lý. “Tất cả các phương pháp áp dụng trong giáo dục phải được nghiên cứu kỹ càng, phải được cơ quan quản lý giáo dục cấp phép nhằm tránh sự phát triển tai hại đối với trẻ em. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu cơ quan đại diện phía Nam nắm bắt tình hình, báo cáo lãnh đạo Bộ, trên cơ sở đó Bộ sẽ xử lý, thông tin cho nhân dân được biết”, Thứ trưởng Ga nói. Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho rằng hình thức của các lớp kích hoạt não bộ, siêu giác quan bản chất thật là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, vì vậy Bộ GD&ĐT không công nhận đây là một hình thức đào tạo hợp pháp. Ngoài ra, với một phương pháp chưa được thẩm định, trên thế giới vẫn chưa có những kết quả nghiên cứu cụ thể, đặc biệt Bộ GD&ĐT vẫn chưa công nhận mà đã đi vào hoạt động như vây là hết sức nguy hiểm, tiềm tàng những tác động khôn lường về sau. PV |