Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga- Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, kết quả đánh giá không phải sẽ được các trường đồng ý ngay. Đội ngũ kiểm định viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải giỏi về ứng xử, đưa ra tư vấn để giải quyết những tồn tại của trường, hướng đi như thế nào, điểm mạnh nào cần bứt phá...
Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường, các chương trình đào tạo tiến hành đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Thoidai.com.vn.
Yêu cầu cao về đội ngũ kiểm định viên
Hiện nay, trên cả nước có 4 trung tâm KĐCLGD ĐH đã đi vào hoạt động là trung tâm của ĐHQH Hà Nội, ĐHQG TP HCM, ĐH Đà Nẵng và trung tâm của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Về đội ngũ kiểm định viên, hiện có hơn 700 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên.
Với 270 trường ĐH hiện nay, đội ngũ này đã có thể hoàn thành việc KĐCLGD trong bao lâu? Trả lời vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và KĐCLGD (Bộ GD&ĐT)- cho biết, ngay sau khi được cấp phép hoạt động, đến nay, các trung tâm đã đánh giá ngoài được 32 cơ sở giáo dục ĐH. Để KĐCLGD tất cả các trường ĐH với chu kỳ kiểm định là 5 năm, vậy 1 năm chúng ta phải đánh giá 50-60 trường. Với nguồn lực là 4 trung tâm như hiện nay hoàn toàn có thể làm được.
Để đẩy nhanh tiến độ này, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ có một số giải pháp. Trước hết là sẽ có những giải pháp hỗ trợ cho các trung tâm này mạnh thêm lên, hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai là xem xét nếu đáp ứng các yêu cầu có thể thành lập thêm một số trung tâm mới phù hợp với nhu cầu đánh giá, nhu cầu của các hoạt động hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Song song với việc tiến hành KĐCLGD theo các bộ tiêu chuẩn và do các trung tâm trong nước tiến hành, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường, các chương trình đào tạo tiến hành đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn quốc tế.
“Tôi cho rằng với lộ trình và sự vào cuộc, đồng bộ từ Bộ GD&ĐT, các trung tâm, hệ thống các trường đại học, hoạt động của chúng ta sẽ có sự chuyển biến và đạt được tiến độ đề ra”- ông Trinh nói.
Chia sẻ thêm, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng nên đặt vấn đề số lượng những người đủ năng lực đi đánh giá - số lượng kiểm định viên hơn là phát triển thêm nhiều cơ sở kiểm định. Theo ông Thanh, số lượng trung tâm không quan trọng bằng số lượng người có đủ năng lực để đi đánh giá. Bên cạnh đó, số lượng trung tâm phát triển tới mức độ nào đó thì sẽ dẫn đến một hệ quả là chất lượng hoạt động trung tâm sẽ giảm đi, bởi nó đưa đến hiện tượng cạnh tranh không đồng đều.
“Nhiều người ví các trung tâm kiểm định như bệnh viện, nhưng tôi nghĩ bệnh viện mang tính chất y tế dự phòng hơn mang tính chất lâm sàng, khi phát bệnh mới đến. Cơ quan kiểm định phải giống như y tế dự phòng, làm sao phòng ngừa để không xảy ra bệnh tật. Đó là lý do tại sao trong kiểm định hay yêu cầu tính định kỳ, định kỳ đánh giá 5 năm/lần, định kỳ rà soát chương trình đào tạo 2 năm/lần…”- ông Thanh nhấn mạnh.
Chính vì vậy, cần chuẩn bị đội ngũ kiểm định viên không chỉ thuần túy nắm vững tiêu chuẩn, tiêu chí, họ phải hiểu và nắm bắt được rất rõ nội hàm tiêu chuẩn, tiêu chí, quan trọng nhất là phải cực kỳ hiểu về giáo dục. Bên cạnh đó là sự giải thích đúng về các tiêu chuẩn tiêu chí. Cần có khả năng thu thập và phân tích thông tin tốt…
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Phương Nga cho rằng đội ngũ kiểm định viên không những giỏi về kĩ năng đánh giá mà giỏi về cả cách ứng xử. Bởi đánh giá không phải các trường đã đồng ý ngay, mà làm sao đưa ra được kết luận mà trường tâm phục khẩu phục. Kiểm định viên phải đưa ra được những tư vấn để giải quyết những tồn tại của trường, hướng đi như thế nào, điểm mạnh nào cần bứt phá...
Cái khó của công tác kiểm định
Từ thực tế công việc đã tiến hành, GS Thanh cho rằng đội ngũ kiểm định viên dù đã được đào tạo, tập huấn trong một thời gian nhất định, nhưng vì công việc chính của họ là đào tạo, quản lý tại nhà trường cho nên rất cần việc cập nhật, bổ sung kiến thức cho họ trong việc nắm bắt thông tư, tiêu chuẩn, tiêu chí mới.
“Như đánh giá ở Việt Nam, chúng ta phải dựa vào rất nhiều quy định. Một đoàn đánh giá không thể nói rằng một trường không thực hiện tốt quy định mà mình lại thông qua. Bởi đầu tiên đoàn đánh giá phải rà soát việc thực hiện tốt quy định đã, về đánh giá tuân thủ rất quan trọng. Cho nên cái đầu tiên và quan trọng nhất là đào tạo huấn luyện thật tốt đội ngũ đó, trong đó có những thành phần khác nhau: trưởng đoàn, thư ký, thành viên trong đoàn đánh giá. Đào tạo sao với số lượng người càng đông thì việc tổ chức nhiều đoàn đánh giá càng thuận lợi và chất lượng hơn”- ông Thanh bày tỏ.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình KĐCLGD là tìm minh chứng. Hiện nay, nhận thức về văn hóa chất lượng trong các trường ĐH của Việt Nam chưa được đồng đều.
“Trong hoạt động của nhiều trường ĐH, thói quen lưu trữ có tính hệ thống các minh chứng trong hoạt động của mình chưa thường xuyên; các hoạt động của nhà trường chưa được chuẩn hóa. Nếu đoàn kiên định việc yêu cầu minh chứng thì mang tiếng là quá chú trọng vào minh chứng và nói rằng trên thực tế nhà trường có làm nhưng không lưu trữ. Các trường thường rất vất vả trong việc tìm minh chứng. Thậm chí, có nơi chạy theo việc tìm minh chứng hơn là chạy theo cải tiến chất lượng. Ý nghĩa của kiểm định nhiều khi bị hiểu sai lệch đi vì thế”- ông Thanh nêu vấn đề.
Một bất cập nữa liên quan đến cơ chế tài chính, cụ thể là mức chi cho các kiểm định viên còn thấp, trong khi công việc vất vả và áp lực. Công việc của kiểm định viên hay các chuyên gia đánh giá trong các đoàn rất vất vả, thường làm từ 7h sáng đến 9h tối, thậm chí những hôm muộn hơn. Khối lượng công việc nhiều, phải tiếp xúc với vài trăm nghìn trang tài liệu khác nhau trong 1 ngày nên rất áp lực. GS Thanh mong muốn sắp tới sẽ có một quỹ kiểm định chất lượng độc lập để nâng cao chất lượng làm việc và thu hút thêm những người giỏi vào đội ngũ kiểm định viên.