Nếu thực hiện tốt công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, thì đâu có các vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén...
Việc cơ quan Viện KSND thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp không chỉ được hiến định, mà trong các luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức VKSND... cũng đã quy định rất rõ. Trong đó, cơ quan Viện KSND có chức năng kiểm sát điều tra đối với CQĐT ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can cho tới khi có kết luận điều tra; kiểm sát công tác xét xử của TAND để đảm bảo phiên tòa diễn ra khách quan, đúng pháp luật.
Song, lâu nay có vẻ như công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp chưa được thực sự coi trọng, dẫn đến khá nhiều vụ án oan, sai. Đó là lý do mà trong quá trình cải cách tư pháp và sửa đổi Hiến pháp, nhiều ý kiến đặt vấn đề nghiên cứu đổi mới thiết chế Viện KSND theo hướng chuyển Viện KSND thành Viện Công tố, chỉ thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, không thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Loại ý kiến này cho rằng, như vậy sẽ phù hợp hơn với hoạt động thực tế hiện nay của đa số các Viện KSND. Thậm chí, có ý kiến cực đoan còn cho rằng: “trao cho anh quyền kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử nhưng anh không thực hiện, hoặc thực hiện chiếu lệ thì có khác gì dung túng cho các vi phạm trong hoạt động tư pháp”.
Mới đây, khi sửa đổi Luật Tố tụng hành chính cũng có một số ý kiến cho rằng trong các vụ án hành chính (cả với các vụ án lao động, thương mại, dân sự...) không nên quy định Viện KSND là cơ quan tham gia tố tụng. Kiến nghị như vậy không phải là không có lý, khi mà Viện KSND trong các vụ án nói trên không có vai trò, không được nêu ý kiến đối với nội dung vụ án, chỉ ngồi gọi là “cho đủ lệ bộ”.
Thực ra, theo thiết chế Viện KSND như quy định hiện nay, việc trong các vụ án dân sự, hành chính... đại diện Viện KSND dự tòa là để thực hiện việc kiểm sát xét xử. Song, trên thực tế không ít kiểm sát viên chưa thực hiện đúng quyền của mình.
Theo thống kê của TAND tối cao, hàng năm tỷ lệ án phải hủy, sửa vẫn rất cao dù có giảm theo từng năm. Nguyên nhân của việc hủy, sửa án có nhiều, song ai cũng có thể nhận ra rằng một trong những nguyên nhân cốt lõi là công tác kiểm sát hoạt động tư pháp còn hời hợt chưa thực chất. Với những vụ án dân sự, hành chính, lao động... việc hủy, sửa án đã khiến đương sự điêu đứng, vậy còn những vụ án hình sự thì các bị can, bị cáo sẽ ra sao? Chẳng phải có bị can đã bị “tạm giam” hàng chục năm trời (trong khi quy định tạm giam của pháp luật chỉ cao nhất là 1 năm) do việc án bị hủy, sửa đó sao?
Việc hiến định chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND các cấp không phải là ngẫu nhiên. Đó là vì quá trình thực thi pháp luật trong thực tiễn đã chỉ ra rằng, việc kiểm sát hoạt động tư pháp hết sức quan trọng, không chỉ như một giới hạn cứng buộc CQĐT, TAND phải “đi đúng hướng”, khách quan, công bằng, mà còn kịp thời ngăn chặn những hành vi cố tình xâm phạm hoạt động tư pháp. Nếu thực hiện tốt công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, thì đâu có các vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén...
Hy vọng, cơ quan Viện KSND các cấp tới đây sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, tránh những oan, sai đáng tiếc như thời gian qua.