Kiểm soát chặt chẽ dịch sốt xuất huyết

Đức Trân 08/11/2023 07:36

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong.

Thăm khám và điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh minh họa.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 107 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại 25 quận, huyện, thị xã (tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó), nâng tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.661, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng nhận định, dịch SXH tại Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp do năm nay mùa mưa đến sớm, nắng mưa thất thường, mùa hè kéo dài. Những năm trước, dịch chỉ kéo dài tới tháng 10 - 11 là kết thúc. Nhưng năm nay, do nhuận hai tháng 4, hiện thời tiết vẫn nóng, mưa nhiều. Do đó, miền Bắc đang có sự gia tăng ca mắc SXH và dự đoán chỉ giảm khi thời tiết chuyển lạnh…

Trong tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Sở Y tế Hà Nội khẳng định, chưa có việc quá tải trong điều trị SXH, có thể cục bộ từng khoa, phòng trong 1 thời điểm ngắn bệnh nhân nhập viện, sau đó sẽ được điều phối ngay để đảm bảo điều trị cho người bệnh.

TS Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: Ngay từ đầu mùa dịch, Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch phân tầng điều trị và phân công 40 bệnh viện trên địa bàn đảm nhiệm; đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, dịch truyền phục vụ điều trị bệnh nhân SXH. Hiện nay, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế là 2.869 người bệnh/4.200 giường kế hoạch phục vụ điều trị SXH.

Được biết, bệnh nhân SXH tại Hà Nội nằm rải rác ở các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, khi nặng mới chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa, Đức Giang. Số bệnh nhân chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương rất ít. Cụ thể, theo thống kê của Bệnh viện Thanh Nhàn, từ tháng 7 đến ngày 3/11, cơ sở y tế này đã tiếp nhận gần 5.000 bệnh nhân SXH đến khám, điều trị. Riêng trong tháng 10/2023 đã có hơn 2.200 bệnh nhân. Số bệnh nhân SXH nặng chiếm từ 7-10%, chỉ có 1 trường hợp chuyển viện.

BS Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn khẳng định: Bệnh viện đáp ứng tốt công tác điều trị bệnh nhân SXH và đã dành riêng 1 tầng để điều trị bệnh nhân SXH. Bên cạnh đó, tại các khoa của bệnh viện cũng dành riêng phòng điều trị đối với những bệnh nhân SXH có bệnh lý nền theo đúng chuyên khoa đó. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục gia tăng, bệnh viện vẫn hoàn toàn có khả năng đáp ứng cơ sở vật chất để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc phòng, chống SXH đang đối mặt với những khó khăn chung, kể cả trên phạm vi toàn cầu và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Do đó, đòi hỏi các hoạt động phòng, chống SXH phải được triển khai kiên trì, liên tục và quyết liệt, nhất là trong những đợt cao điểm của bệnh dịch để khống chế số ca mắc và tử vong. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP Hà Nội và các cấp cần đẩy mạnh giám sát sớm các trường hợp mắc bệnh, tăng cường truyền thông phòng, chống SXH trên địa bàn, xử lý ngay và triệt để ổ dịch. Xác định các điểm nóng, khu phố có ổ dịch, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH để tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt lưu ý hơn 230 ổ dịch đang hoạt động, Hà Nội cần phải giám sát chặt chẽ, nhất là những nơi có các ổ dịch kéo dài.

Đồng thời, ông Lân lưu ý, các cơ sở điều trị cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị Bộ Y tế đã ban hành; chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân, lưu ý người cao tuổi, bệnh nền; gắn bảng màu (như màu cam, đỏ…) đối với những trường hợp có nguy cơ tăng nặng để theo dõi và phát hiện diễn biến sức khỏe kịp thời. Cùng đó, Hà Nội cần thành lập nhóm chủ chốt trong điều trị SXH, kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương để sẵn sàng phối hợp hội chẩn điều trị khi cần.

PGS. TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, SXH được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng vẫn cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị và theo dõi sát sao. Trong khi đó, với mức độ nặng, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát chặt chẽ dịch sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO