Học sinh chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè. Việc kiểm soát chất lượng dạy, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh như thế nào nhất là trong bối cảnh bạo lực học đường, trầm cảm gia tăng? PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề trên.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến đánh giá kỹ năng sống của học sinh việt Nam là yếu so với nhiều nước khác. Các em bị xâm hại, bạo lực học đường mà không biết cách phòng vệ bảo vệ bản thân mình, thậm chí chỉ một yếu tố tác động tâm lý nhỏ nhưng có em lựa chọn biện pháp tiêu cực. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
PGS.TS TRẦN THÀNH NAM: Các nghiên cứu trên thế giới nói chung đã cho thấy thế hệ Gen Z hay thế hệ Alpha là thế hệ thông minh hơn, cập nhật kiến thức, học ngoại ngữ tốt hơn nhưng lại… cô đơn hơn. Họ kết nối với nhiều người nhưng họ cảm thấy các mối quan hệ ít có ý nghĩa. Thậm chí nói chuyện và ở cạnh bố mẹ nhưng ít có sự kết nối với bố mẹ. Nghĩa là Gen Z trở thành thế hệ cô đơn hơn. Thứ hai, xét về khía cạnh tính chịu đựng thì đây là thế hệ đầu tiên của công dân số và tiếp cận với màn hình. Bất cứ một nhu cầu gì cứ gõ máy tính là ra luôn nên thiếu hẳn tính kiên trì, chịu khó, vượt khó.
Mặt khác, thế hệ này sinh ra ở trong thế giới bùng nổ về thông tin cho nên dẫn tới quá tải về học tập. Là thế hệ thông minh, tốc độ nhất nhưng cũng bị áp lực nhiều nhất. Cho nên thế hệ này bị lo âu, trầm cảm, rồi bị stress nhiều nhất. Vì thế họ dễ vỡ, dễ tổn thương nhất, có chuyện rất nhỏ thôi nhưng cũng dẫn đến hành vi tiêu cực, gây hại cho bản thân.
Kỹ năng ứng phó với lo âu, trầm cảm của học sinh còn hạn chế. Những gia đình nào càng có điều kiện, toàn bộ các hoạt động ở trong gia đình thể hiện trách nhiệm cá nhân của từng thành viên đều được người giúp việc nhà làm; bản thân các em không tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng trong xã hội thì các em càng cảm thấy mất ý nghĩa cuộc sống và kém kỹ năng sống, dễ suy nghĩ tiêu cực khi gặp các vấn đề trở ngại.
Nhiều gia đình cho trẻ xem ti vi, điện thoại để con tự chơi. Nhưng nếu không có kiểm soát có khi các em lại xem những nội dung hướng dẫn làm những việc sai trái, thậm chí dạy tự tử, thưa ông?
- Chúng ta thấy trên TikTok có em làm cả thử thách treo cổ, nấu lon nước trên lửa, chạy qua đường đông đúc để quay video. Hay có những trò ảo thuật nhảy vào trong ô tô nhưng các em không biết đó là ảo thuật nên làm theo, cuối cùng đã bị tai nạn. Các trào lưu có nhiều lứa tuổi, nếu không có sự đề phòng, trang bị kiến thức trước khi giao điện thoại cho các em thì đó cũng là một phần trách nhiệm của cha mẹ. Cho nên khi cho trẻ em tương tác trên không không gian mạng thì đầu tiên cha mẹ phải dạy cho trẻ kỹ năng có sự đề phòng trên không gian mạng.
Thưa ông, vì vậy chúng ta cần quan tâm hơn đến câu chuyện rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh khi kỳ nghỉ hè sắp tới?
- Hè năm nào chúng ta cũng nghe một loạt các vụ tai nạn thương tích mà ẩn đằng sau đó phần lớn là do các em thiếu kỹ năng sống. Bố mẹ đi làm, không dành thời gian quan tâm tới các em, không để mắt đến con mà con không may bị tai nạn nguy hiểm trong dịp nghỉ hè. Bây giờ không gian mạng để cho các em tiếp cận mà nếu không có sự giám sát thì cũng có thể dẫn đến những ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần, có những trào lưu “bắt chước” có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của các em.
Hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng vào dạy người, dạy năng lực nhưng riêng về kỹ năng sống chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là chưa có nhiều nghiên cứu cơ bản để xác định rõ thanh thiếu niên ở các độ tuổi cần kỹ năng gì ở từng vùng miền. Chúng ta mới chỉ dựa trên một số tiêu chuẩn hoặc mô hình của thanh niên thế kỷ 21. Chúng ta nói nhiều đến năng lực toàn cầu, chăm sóc sức khoẻ, năng lực làm việc nhóm, năng lực giải quyết vấn đề. Thế nhưng cần được cụ thể hóa ra.
Theo ông, chúng ta cần quan tâm tới những kỹ năng nào?
- Tôi cho rằng trong các chương trình học hè chúng ta phải quan tâm tới 4 nhóm kỹ năng cần tập trung để hướng dẫn cho học sinh như: Kỹ năng liên quan đến sinh tồn đảm bảo an toàn không bị thương tích; kỹ năng liên quan đến trí tuệ tư duy, ví dụ quản lý thời gian, lập kế hoạch, quản trị công việc; kỹ năng liên quan đến cảm xúc, quản trị cảm xúc, giao tiếp thuyết phục; kỹ năng liên quan đến “đôi bàn tay”, tức là được thực hành, chơi team building. Cấu trúc cụ thể thế nào thì cần có các nghiên cứu và phải đưa ra một cái “khung” gọi là năng lực. Đây là chương trình mà ngành giáo dục có thể phải là đầu mối.
Thực tế thì khi nghỉ hè ngoài việc cho con tham gia các khóa tu hay học kỳ quân đội thì nhiều gia đình cho con theo học các khóa kỹ năng về giao tiếp, kỹ năng sống cho trẻ. Bây giờ có nhiều khóa học ngắn hạn dạy kỹ năng cho trẻ. Nhưng thực tế đa phần đều do các trung tâm tư nhân mở. Và vấn đề nằm ở việc kiểm soát chất lượng đối với các trung tâm này, thưa ông?
- Nhiều bố mẹ không có trải nghiệm, chỉ nghe đến các khóa học qua quảng cáo trên truyền thông, qua bạn bè giới thiệu chứ không có năng lực giáo dục để thẩm định xem chương trình đó có thực sự phù hợp với con mình hay chỉ nghĩ khóa học đó có nhiều người theo thì cũng cho con tham gia. Như vậy sẽ tạo nên một số nguy cơ. Bởi không phải đứa trẻ nào cũng phù hợp với khóa học đó, vì còn liên quan đến phương pháp truyền tải, người tổ chức khoá học có uy tín hay không? Có kiến thức sư phạm phù hợp hay không? Tất cả các khóa học như vậy bố mẹ nên xác định cho con một không gian khác để con vui chơi chứ mục tiêu giáo dục chưa chắc đã cao.
Theo tôi tất cả các chương trình như vậy về sau phải có đăng ký, có nơi quản lý, chứ bây giờ chúng đang thả nổi.
Đặc biệt, ngành giáo dục cần có các chương trình “khung” dạy về kỹ năng sống. Sau đó tất cả các trung tâm dạy kỹ năng đó phải được “xác thực” về mặt năng lực. Chứ hiện nay, trung tâm nào cũng tự quảng bá chứ không ai “đo” sau khi học xong chương trình đó thì các em lĩnh hội được gì, và liệu có được năng lực giống như chương trình đã quảng bá.
Bên cạnh đó, không phải cứ có chương trình là tốt mà phải có nội dung triển khai chương trình đó, đặc biệt là người thầy. Người dạy kỹ năng mà không có kỹ năng thì không thể nào dạy cho học trò của mình kỹ năng đó. Ví dụ bản thân thầy không có kỹ năng lập kế hoạch, nổi nóng không có kỹ năng kiểm soát cảm xúc thì làm sao có thể dạy cho đứa trẻ kia kỹ năng kiểm soát cảm xúc được. Cái mà người thầy dạy có khi chỉ là lý thuyết kiểm soát cảm xúc. Bản thân người thầy không chuyển hóa thành “kiểm soát” thì làm sao học sinh có thể làm được. Như vậy, ngoài việc kiểm soát chất lượng các trung tâm cũng rất cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy kỹ năng sống.
Như vậy, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh cần sự phối kết hợp của các yếu tố từ gia đình, nhà trường, xã hội, thưa ông?
- Đúng vậy, tôi cho rằng việc dạy kỹ năng sống cho học sinh cần sự chung tay của cả 3 bên: gia đình, nhà trường, xã hội. Các bên đều phải có những hợp tác nhất định để quản lý thời gian và dạy kỹ năng cho con trong thời gian nghỉ hè. Chính quyền địa phương phải quy hoạch được sân chơi đủ an toàn cho trẻ em, nếu không trẻ em sẽ đi bơi ở các sông hồ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó việc dạy kỹ năng bài bản phải là trách nhiệm của nhà trường, có thể về sau là nguồn cung cấp các chương trình ngoại khóa trong hè một cách chính thống. Sau đó có các chương trình được phê duyệt và ngành giáo dục phải phê duyệt các chương trình này để cho các trung tâm, nhà văn hóa muốn dạy kỹ năng cho các em thì chương trình đó cũng phải được phê duyệt và kiểm định thường xuyên từ việc đánh giá chất lượng. Bản thân bố mẹ cũng phải tìm hiểu các chương trình con tham gia chứ không thể coi đó là chuyện của nhà trường và xã hội. Như vậy khi có tai nạn xảy ra thì thiệt hại đầu tiên thuộc về đứa trẻ đó và gia đình.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh an toàn trên không gian mạng, nhà trường phải có kỹ năng số; gia đình cũng phải biết để mắt đến xem con mình đang làm gì, với ai, như thế nào, chứ đừng chỉ thấy con ngồi một chỗ xem máy tính là yên tâm.
Trân trọng cảm ơn ông!