TS Nguyễn Tùng Lâm: Cần cho học sinh biết được giá trị sống, kỹ năng sống

HOÀI VŨ (thực hiện) 23/04/2023 07:28

Vụ nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự vẫn nghi do bị bạo lực học đường không chỉ là nỗi đau của gia đình, ngành giáo dục mà còn là nỗi đau của xã hội. Phải chăng học sinh đang thiếu những kỹ năng sống, kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề của cuộc sống. TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, nhà trường cần phải cho cho học sinh biết được giá trị sống, kỹ năng sống; đồng thời phải tạo ra môi trường an toàn và lành mạnh cho học sinh.

PV: Thưa ông, vụ nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự vẫn nghi do bạo lực học đường là một sự việc hết sức đau lòng. Từ vụ việc này ông có suy nghĩ gì?

TS Nguyễn Tùng Lâm.

TS NGUYỄN TÙNG LÂM: Vấn đề đầu tiên ở đây là môi trường trong Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Là một trường chuyên nhưng thực sự lại phát triển chưa an toàn. Cho nên mới có tình trạng bạo lực bằng tinh thần, vật chất. Và sau đó xảy ra sự việc đáng tiếc trên bởi không được hỗ trợ, ngăn chặn kịp thời.

Tôi cho rằng, ở đây có sự quan liêu trong bộ máy giáo dục. Khi có “biểu hiện” thì thầy cô chủ nhiệm phải quan tâm ngay. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng, chịu trách nhiệm toàn bộ về kết quả giáo dục của học sinh, họ phải nắm chắc điều kiện hoàn cảnh. Khi điều kiện, hoàn cảnh thay đổi là phải quan tâm chứ không đợi xảy ra chuyện rồi mới xử lý.

Theo phản ánh của gia đình học sinh, họ đã 2 lần lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập, đồng thời xin chuyển lớp cho con, nhưng Hiệu trưởng không nhất trí chuyển lớp. Khi phụ huynh đã xin đổi lớp cho con thì hiệu trưởng lập tức phải tìm hiểu lý do của học sinh chứ không thể giải thích “không được chuyển”, hay “muốn chuyển phải thế này, thế kia”.

Từ vụ việc đáng tiếc trên, phải chăng chúng ta chưa quan tâm, chú trọng đến rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Khi đối diện với một số áp lực, các em đã chọn hướng giải quyết tiêu cực?

- Tôi cho rằng ở đây có hai vấn đề. Đối với học sinh, vấn đề là làm sao cho các em tự phát triển, tự thích ứng với các vấn đề của cuộc sống là yêu cầu rất quan trọng. Giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn đang chạy theo truyền dạy kiến thức nhiều hơn kỹ năng sống. Không riêng gì các em mà chúng ta phải làm sao để mọi người phát triển bản năng, tự phát triển, tự ứng phó với các nghịch cảnh vì trong xã hội luôn biến động phải trang bị cho mỗi người khả năng thích ứng đó. Nhấn mạnh khả năng tự thích ứng, tự phát triển của mỗi người là rất quan trọng thì giáo dục cũng chưa chú trọng đến, còn gia đình cũng chưa để ý. Đó là cái phải nhìn nhận.

Thứ hai vì học sinh phát triển theo môi trường thì chúng ta cũng phải quan tâm. Nếu chỉ bắt trẻ tự phát triển để thích ứng có em tự thích ứng được kịp thời, nhưng có em không thích ứng được. Cho nên phải tạo ra môi trường lành mạnh, an toàn trong nhà trường. Tạo nên môi trường an toàn lành mạnh cho học sinh là bài toán mà các trường phải thực sự quan tâm chú trọng, phải có ý thức thực hiện.

Các trường học, cơ sở giáo dục cần phải tạo ra môi trường an toàn và lành mạnh cho học sinh.

Theo ông cần lời giải nào cho bài toán chống bạo lực học đường?

- Muốn giáo dục, chống bạo lực học đường thì phải đi trên hai chân. Một là phải tạo ra cho học sinh biết được giá trị sống, kỹ năng sống. Các em phải được học cách thích ứng với điều kiện xã hội có biến động. Nhưng ngược lại, phải tạo ra môi trường an toàn và lành mạnh cho học sinh. Mỗi trường học cần phải có bộ phận chăm sóc sức khỏe tinh thần, có phòng tâm lý học đường. Hiện Bộ GDĐT có thông tư hướng dẫn thực hiện vấn đề này nhưng không có biên chế. Cho nên chỉ có các trường tư làm được việc này, còn các trường công lập không có. Thành ra quản lý nhà nước đang có sự “nửa vời”. Nghĩa là thấy chủ trương đúng, thấy cần phải làm thì không lại làm được. Chúng ta thấy rằng giáo dục an ninh quốc phòng triển khai được ngay, có biên chế, có chương trình, có người thực hiện. Còn tâm lý học đường là cái rất quan trọng đối với học sinh thì lại chưa thực hiện được.

Một phần nữa cũng phải thấy trong xây dựng trường học hiện nay chúng ta chưa đảm bảo những yếu tố, điều kiện để nhà trường phát triển một cách lành mạnh để nhà trường tự chủ. Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ GDĐT, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục về nội dung Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại cuộc làm việc, tôi đã có đề cập đến vấn đề, đó là phải tạo ra, nêu cao vai trò của các cơ sở giáo dục, tức là các nhà trường với vai trò của cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo các cơ sở thì mới giải quyết được vấn đề chất lượng giáo dục. Nếu không tập trung vào đó thì rất khó. Như vấn đề lương của giáo viên, Nghị quyết Trung ương đã nói lương của giáo viên là phải cao nhất trong hệ thống thang bảng lương nhưng hơn 10 năm qua chúng ta không thực hiện được. Chúng ta chia sẻ với các trường, nhưng trước mắt chưa có thì vẫn phải nêu cao vai trò tự chủ, vai trò trách nhiệm của mỗi nhà trường trong vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh.

Gia đình và nhà trường là nơi an toàn nhất nhưng chính nhà trường và gia đình lại là nơi khiến học sinh bất an như bị xâm hại, bạo lực học đường, thưa ông?

- Đó là một thực tế đang xảy ra. Cách giáo dục của nhà trường và gia đình cũng đang “có vấn đề”. Muốn có nền giáo dục tốt thì mỗi thầy cô, mỗi bậc phụ huynh phải có cách ứng xử tốt đối với học sinh và con em mình.

Trong gia đình thì cũng có việc bố mẹ dạy con cũng chưa khoa học. Nghĩa là trẻ bị áp lực ngay từ trong gia đình, chứ không phải chỉ bị áp lực từ phía nhà trường. Bây giờ làm sao dung hòa giữa nhà trường và gia đình. Hiện nhiều trường làm rất tốt, có sự kết nối giữa gia đình và nhà trường. Ví dụ có trường cấp 1 tại Hà Nội đã làm các nhóm Zalo, trang tin của từng lớp, trong đó có giáo viên và phụ huynh học sinh để hướng dẫn nội dung từng hoạt động cho học sinh. Cho nên sự kết hợp phải chủ động từ cả hai phía, trách nhiệm của hai phía chứ nhiều khi các gia đình lại “trăm sự nhờ thầy cô”, “phó mặc” con em cho nhà trường. Như thế là không có ý thức. Các nhà trường phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình để họ gắn kết với nhà trường cùng giáo dục học sinh. Chứ thực tế nhiều khi các thầy cô chỉ “mách tội” của học sinh với phụ huynh mà không bàn đến các phương pháp để cùng nhau tháo gỡ. Như sự việc xảy ra tại Trường THPT chuyên Đại học Vinh, nếu cô giáo tìm hiểu, trao đổi với phụ huynh vì sao con muốn chuyển lớp thì mọi thứ sẽ khác. Sự kết hợp là có trách nhiệm và có sự chủ động từ cả hai phía. Vì vậy cần có phương pháp phối hợp sao cho phù hợp, cụ thể thì mới được.

Trẻ em phải được phát triển toàn diện nhưng hiện nay trong giáo dục vẫn đang nặng về truyền dạy kiến thức?

- Đúng là có việc đang nặng về dạy kiến thức văn hóa. Đây là vấn đề không chỉ nhà trường mà bản thân mỗi phụ huynh cũng có suy nghĩ như vậy. Mặc dù chương trình giáo dục hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng con người chưa thay đổi kịp.

Hàng năm có nhiều trại hè dạy kỹ năng sống cho học sinh. Vậy có lẽ cần nhân rộng mô hình này để tăng cường dạy giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh, thưa ông?

- Hiện nay trong các nhà trường đã có các chương trình, nhất là trong chương trình giáo dục mới đã có hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Nhưng tại các trường công lập đang thiếu giáo viên. Một phần cũng do đào tạo chưa đủ số giáo viên về lĩnh vực này. Cho nên các trung tâm dạy về kỹ năng sống đang xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên cái này phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Do vậy, chúng ta phải cân đối giữa các nhà trường, và giáo viên phải được huấn luyện, phải có các giờ học giá trị sống, kỹ năng sống. Một số trường đã đưa chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh vào giảng dạy từ những năm 2001. Nhưng nhiều trường không được tự chủ, không có nguồn lực để làm thành ra bỏ trống kỹ năng này.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TS Nguyễn Tùng Lâm: Cần cho học sinh biết được giá trị sống, kỹ năng sống