Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018, diễn ra ngày 16/3 tại TP Cần Thơ. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng lưu ý hiện nay người nuôi đang có lãi, nếu không kiểm soát, để phát triển tự do sẽ quay lại khủng hoảng như trước đây.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ.
Những ngày qua giá cá tra liên tục tăng rất cao khiến người nuôi lãi đậm, hiện giá cá tra nguyên liệu đã lên tới 31.000 đồng/kg có nơi thương lái đẩy giá lên 32.000 đồng/kg. Tuy nhiên bên cạnh đó lại xảy ra nghịch lý cá giống lại bị cạn kiệt. Ngành nông nghiệp và các địa phương ở vùng ĐBSCL cho rằng đây là giai đoạn thích hợp nhất để đề ra hướng vực dậy ngành cá tra.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Năm 2017, diện tích cá tra thả nuôi hơn 5.200 ha, tăng 3,5 ha so với năm 2016; sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp hơn 21% tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.
Giá cá tra nguyên liệu loại 1 trung bình cả năm 2017 giữ ở mức cao, dao động từ 22.000 - 29.000 đồng/kg (dưới 0,8 kg/con), người nuôi có lãi từ 3.000 - 8.000 đồng/kg. Tính đến 10/3/2018, giá cá nguyên liệu loại 1 ở mức 28.500 - 30.000 đồng/kg.
Chỉ tiêu năm 2018, xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 10 tỷ USD, trong đó cá tra đạt từ 2 - 2,2 tỷ USD (chiếm 31,5% kim ngạch toàn ngành thủy sản).
Theo chỉ tiêu năm 2018, sản lượng cá tra nuôi cần đạt trên 1,3 triệu tấn, sản xuất cá giống khoảng 2,2 tỷ con. Tuy nhiên, chất lượng cá giống ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt cao ở giai đoạn nuôi thương phẩm, hiệu quả sản xuất thấp. Đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh đã xảy ra ở giai đoạn cá giống tại một số địa phương sản xuất trọng điểm ảnh hưởng đến những tháng tiếp theo. Điều này đã được cảnh báo từ lâu nhưng các DN chưa quan tâm, địa phương còn coi nhẹ…
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là cá giống, do giống bố mẹ chưa đảm bảo, dịch bệnh, tỷ lệ ương đạt thấp. Trong khi quy hoạch đất để sản xuất cá tra lại vướng về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâu nay thiếu thực tiễn, chỉ ở trên giấy.
Ông Quốc cho rằng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay giá thành sản xuất cao, hao hụt con giống lớn, muốn được 1 con thành phẩm phải mất 3 con giống, trong khi công nghệ thức ăn chưa đảm bảo ổn định và thật tốt để hạ giá thành. Tổn thất do dịch bệnh rất lớn, có những bệnh gần như bó tay, mà dùng thuốc càng nhiều thì hao hụt càng lớn.
Còn ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty Thủy sản Biển Đông cho rằng với giá bán hiện nay, nếu chủ động được con giống thì doanh nghiệp sẽ lãi 50%. Tuy nhiên, theo doanh nhân này, cần kiểm soát việc nuôi, tránh ồ ạt sẽ cung vượt cầu, cần thiết lập lại vùng nuôi tập trung, tránh nhỏ lẻ, phân tán.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang ở Đồng Tháp lại cho rằng kim ngạch và sản lượng cá tra năm 2018 dự báo tăng 20% là hơi chủ quan. Theo ông Văn, doanh nghiệp chế biến đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Thiệt hại giống trước Tết là quá lớn dẫn đến qua Tết không còn giống, trong tết cá 1 kg (30 con) có giá 55.000 đồng, hiện giờ 70.000 đồng mà không có giống. “Có nhà máy, có thị trường, có vốn nhưng không có giống. Lúc này không phải chờ cơ chế mà phải bắt tay vào việc” - ông Văn nói.
Đồng tình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Giai đoạn này cần tập trung giải quyết vấn đề giống. Cụ thể, tăng cường kiểm soát chất lượng giống, đảm bảo đủ lượng cung cấp; tổ chức kiểm tra và kiểm soát các cơ sở sản xuất giống, các địa phương phải nắm sát tình hình.
Tổng cục Thủy sản và các cơ quan, địa phương rà soát ngay đối tượng đàn cá tra chọn giống, chọn được lượng cá giống bố mẹ tin cậy, chỉ đạo điều chỉnh, công bố công khai, ông Tám chỉ đạo.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, Hoa Kỳ chính thức thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại (Farm Bill) áp dụng đối với các sản phẩm cá da trơn. Từ ngày 2/8/2017, toàn bộ lô hàng cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu sự kiểm soát của Cục Kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho công tác đánh giá tương đương cũng như tuyên truyền, hướng dẫn việc thực thi.
Ngày 28/2, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có văn bản chính thức về kết quả đánh giá dựa trên văn bản pháp lý, tài liệu có liên quan mà phía Việt Nam cung cấp. Theo đó, những quy định của Việt Nam là tương đương với quy định về bảo vệ sức khỏe cộng đồng đang được áp dụng tại Hoa Kỳ.
Phía Hoa Kỳ sẽ tổ chức đoàn đánh giá thực tế sự thực thi những quy định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi, nhà máy chế biến cá da trơn tại Việt Nam thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, "chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, kể cả trước mắt và lâu dài". Theo đó, phải triển khai nghiêm túc Nghị định 55 của Chính phủ về cá tra, thực hiện quy chuẩn sản phẩm phi lê, hàm lượng mạ băng…
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng lưu ý hiện nay người nuôi đang có lãi, nếu không kiểm soát, để phát triển tự do sẽ quay lại khủng hoảng như trước đây. Các địa phương sớm rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển cá tra, điều tiết, hướng dẫn, giám sát mật độ, quy mô nuôi để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại, đồng thời đảm bảo yêu cầu thị trường…