Đảng đã khẳng định điểm mới trong công tác cán bộ. Đó là, cần phải đổi mới công tác cán bộ để không có chuyện đề bạt suốt đời, tư duy nhiệm kỳ, có lên mà không có xuống, có vào mà không có ra. Đó là phê bình và tự phê bình phải tiếp tục thực hiện.
Tháng 3 năm 1947 trong hoàn cảnh đất nước rất nhiều khó khăn, Hồ Chủ tịch đã viết tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”. Trong đó, Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Ngay từ khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mầm mống của sự suy thoái, tha hóa trong chính đội ngũ lãnh đạo- vốn là đội ngũ tiên phong trong đấu tranh cách mạng.
Hơn 20 năm sau, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang rất ác liệt, miền Bắc đang bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, nhân ngày thành lập Đảng, Người viết trên báo Nhân Dân về những vấn đề liên quan đến đạo đức cách mạng. Người chỉ ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân là ngại gian khổ, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham quyền lực, địa vị, độc đoán chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, gây mất đoàn kết, bè phái…; việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình mà không nghĩ đến lợi ích người khác. Người coi những tệ nạn ấy như là một thứ giặc nội xâm và coi chống chủ nghĩa cá nhân thực chất là chống lại sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên.
Trải qua hơn 86 năm thành lập, qua các chặng đường khác nhau, Đảng ta luôn tuân theo lời dạy của Bác Hồ và luôn đặt công tác xây dựng Đảng ở vị trí quan trọng nhất; coi đó như công việc sống còn của Đảng.
Nhưng, trước những biến động về kinh tế- xã hội, nhất là tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đã khiến nhiều đảng viên không giữ được phẩm chất của người cộng sản. Nguyên do thì có nhiều nhưng nguyên do về chủ quan có lẽ là nguyên do chi phối. Đảng cũng đã có nhiều Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và tại Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XII đã nhất trí việc „Tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng”.
Trong đó, BCH Trung ương đã chỉ rõ, trong điều kiện mới, chúng ta càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.
Cũng tại Hội nghị lần thứ 4 vừa kết thúc hồi cuối tuần qua, khi đưa ra 4 giải pháp như một bài toán tổng thể của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, Trung ương đã thống nhất nhiều biện pháp; đáng chú ý là: Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”. Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên.
Điều này đã được Tổng Bí thư thêm một lần khẳng định với cử tri trong cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV với quyết tâm kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Và, đó còn là khẳng định về những biện pháp tới đây nhằm kiểm soát quyền lực hay “nhốt quyền lực vào lồng”. Quyền lực không được kiểm soát như một thứ “độc dược” khiến người cầm quyền như say trong “men chiến thắng” và cứ muốn được tận hưởng cái thứ quyền lực theo kiểu thích làm gì thì làm; thích ban ơn cho ai thì ban ơn. Đó là sự nguy hại lớn nhất của tha hóa quyền lực. Một khi tự đưa mình lên quá cao thì chỉ muốn đứng trên đỉnh cao ấy để nhìn mọi người xung quanh bằng con mắt ban ơn, kẻ cả.
Cũng vì thế, Đảng đã khẳng định điểm mới trong công tác cán bộ. Đó là, cần phải đổi mới công tác cán bộ để không có chuyện đề bạt suốt đời, tư duy nhiệm kỳ, có lên mà không có xuống, có vào mà không có ra. Đó là phê bình và tự phê bình phải tiếp tục thực hiện. Đó còn là nhấn mạnh vai trò giám sát của MTTQ, của nhân dân. Làm sao có những cơ chế, tạo điều kiện cho nhân dân, MTTQ trong giám sát cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
“Phải chú ý kiểm soát thu hồi tài sản, kê khai tài sản, phải quyết tâm rất cao nỗ lực rất lớn thì dân mới tin”- Tổng Bí thư nêu rõ tại cuộc tiếp xúc cử tri. Quyết tâm đã có nhưng quan trọng nhất là khâu thực hiện. Nếu không đồng sức, đồng lòng; nếu vẫn có tình trạng „trên bảo dưới không nghe” thì thật khó có thể thực hiện đến nơi đến chốn các công cụ kiểm soát quyền lực. Đây là một trong những vấn đề rất cần lưu ý trong quá trình xây dựng Đảng thông qua việc kiểm soát quyền lực.