Ngày 4/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách góp ý kiến về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng.
Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại hội nghị.
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã được đổi tên thành Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu Chính phủ đưa ra 2 phương án.
Theo đó, phương án 1: Không tổ chức HĐND, UBND mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; phương án 2: tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ với HĐND, UBND).
Ủy ban thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm theo hướng kết hợp ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả hai phương án.
Cụ thể, chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ngoài các cơ chế giám sát theo quy định của pháp luật hiện hành (của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội khác), dự thảo luật đã bổ sung một điều quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu.
Trong đó, quy định trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu phải công khai hoạt động của mình, nội dung công khai, hình thức công khai; trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
Về Dự thảo Luật An ninh mạng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh cho biết, Dự thảo Luật An ninh mạng không còn nội dung quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet phải đặt máy chủ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp này phải thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong việc cung cấp, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Uỷ ban Quốc phòng an ninh cho rằng, quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nhiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Đồng thời ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.