Theo giới chuyên gia kinh tế, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai.
Theo quy định tại Điều 17 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh thì đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) khẳng định, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng mỗi phiên. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội. Bà Cúc lưu ý, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai.
Theo Chủ tịch VTCA, đối với nhãn hàng phải kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên doanh thu thực tế chốt đơn hàng bán được.
Đối với người livestream nộp thuế theo hai hình thức: nếu cá nhân đăng kí nộp thuế với hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% VAT, 2% TNCN); nếu cá nhân không đăng kí kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% - 35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.
“Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi người dùng” - Chủ tịch VTCA nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cho biết, TikTok là nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký kê khai và nộp thuế nhà thầu đối với nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số theo quy định của pháp luật Việt Nam.
"Theo quy định hiện tại, TikTokShop không có quyền và trách nhiệm khấu trừ thuế từ nhà bán hàng và vì vậy, TikTokShop cũng sẽ không thực hiện kê khai và nộp thuế thay nhà bán hàng. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, TikTokShop sẽ làm việc với cơ quan thuế khi có yêu cầu dựa trên quy định hiện hành" - ông Lâm nói.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30/05/2023 về việc đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, trong những năm qua Tổng cục Thuế đã tập trung xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data) về quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có kinh doanh thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới.
Hiện nay, ngành Thuế đã và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính, tuyên truyền, hỗ trợ và chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện công tác quản lý thuế, từ đó quyết tâm triển khai thành công mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thực hiện các nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ngành Thuế triển khai các ứng dụng hỗ trợ thuế điện tử, vận hành Cổng thông tin thương mại điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế tại Việt Nam; Ứng dụng Etax Mobile hỗ trợ cá nhân nộp thuế và tra cứu thông tin về nghĩa vụ thuế nhanh chóng, tiện lợi; Áp dụng triển khai hóa đơn điện tử đối với toàn bộ nền kinh tế bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh...
Nhằm tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định, Tổng cục Thuế đã gửi đến các tổ chức, cá nhân bộ tài liệu “Hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế” (mã QR trong thư) tại Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế.