Thời gian qua, dù còn không ít vướng mắc phải tháo gỡ, nhưng thương mại điện tử, kể cả “xuyên quốc gia” đã giúp nhiều hộ nông dân làm giàu. Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), người nông dân cần được trang bị tốt hơn về kỹ năng khi tham gia sàn thương mại điện tử.
Tăng cường kỹ năng khi lên sàn thương mại điện tử
Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số cho biết, hiện chỉ có 30% nhân lực được đào tạo chính quy về TMĐT. 70% còn lại được tuyển dụng từ các lĩnh vực thương mại, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và một số ngành nghề liên quan.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, để có được tốc độ tăng trưởng TMĐT bình quân đạt 17,6%; 100% sản phẩm chủ lực, đặc trưng có mặt trên các sàn TMĐT và nền tảng mạng xã hội, tỉnh đã đặc biệt chú trọng triển khai phối hợp với các sàn TMĐT tổ chức tập huấn cho một số hợp tác xã (HTX), nông dân trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ năng livestream bán hàng trực tiếp, cách tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn, đóng gói, giao nhận và thanh toán…
Đáng chú ý, Bắc Giang đã lựa chọn, hỗ trợ cho 15 doanh nghiệp (DN), HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, quảng bá, cũng như tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên các sàn TMĐT. Nhờ những nỗ lực trên hiện TMĐT đã trở thành xu hướng để người nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Tương tự tại Vĩnh Phúc bên cạnh sự chủ động của các đơn vị kinh doanh, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại có sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng. Hằng năm, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc đều lồng ghép nội dung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại vào trong các chương trình như phát triển TMĐT, xúc tiến thương mại, khuyến công. Riêng năm 2023, Sở Công thương Vĩnh Phúc đã tổ chức 8 lớp đào tạo kỹ năng TMĐT cho các DN, hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn tỉnh.
Thông qua đào tạo trang bị những kiến thức về TMĐT, những thao tác trực tiếp bán hàng qua các kênh TMĐT, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, cách thức xây dựng thương hiệu DN, sản phẩm trên nền tảng số hay ứng dụng các giải pháp tài chính số, hỗ trợ vốn vay cho DN... Từ đó giúp các hộ kinh doanh ứng dụng TMĐT để chuyển đổi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiệu quả đem lại từ TMĐT rất lớn, tuy nhiên nhân lực cho ngành này lại chưa được quan tâm, đào tạo đúng mức. Mặc dù tốc độ đào tạo nhân lực TMĐT tại nhiều trường đại học đã tăng nhanh (gần 30%), nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu tăng trưởng, phát triển “nóng” của ngành. Điều này đòi hỏi các trường đại học nỗ lực, nâng cao hơn nữa chất lượng, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của xã hội và DN.
Hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng “xuyên biên giới”
Ông Nguyễn Thành Hưng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, ngành TMĐT đang rất “khát” nhân lực. Các DN, hội viên liên tục tuyển nhân sự và việc tuyển dụng rất khắt khe. Trong khi đó, đại diện Lazada cũng cho biết, không chỉ các sàn TMĐT có nhu cầu, mà ngay cả các DN bán lẻ đang chuyển đổi số, chuyển dịch kinh doanh lên TMĐT cũng cần nhân lực chuyên ngành để triển khai. Đây là lý do nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong TMĐT liên tục tăng nhanh.
Trước thực tế trên, nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cập nhật những chính sách mới về TMĐT, cũng như hỗ trợ các DN tháo gỡ, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương) cùng Amazon Global Selling (AGS) Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc triển khai sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”.
Sau 2 năm triển khai MOU, theo thống kê của Amazon, 34% trong số gần 2.000 DN đã được đào tạo về TMĐT xuyên biên giới đáp ứng các tiêu chí để tiếp tục được tư vấn và đồng hành. Trong số đó có 30% các DN đang trong quá trình chuẩn bị và tính đến tháng 4/2024 có 5 DN đã tham gia TMĐT xuyên biên giới với Amazon. Trong đó có 2 DN ngành hàng trà, 2 ngành hàng qùa tặng và 1 ngành hàng gia dụng.
Tuy nhiên, Amazon cũng chỉ ra thách thức trong việc thu hút các DN tiềm năng tới các hội thảo đào tạo đang hạn chế, do nguồn DN tiềm năng thu hẹp dần. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng DN tham gia hội thảo chưa có độ sẵn sàng cao, khiến hiệu quả hỗ trợ DN tham gia TMĐT xuyên biên giới còn hạn chế. Khó khăn của DN nằm ở nguồn lực nội tại, nhân sự, kỹ năng xuất khẩu và kỹ năng TMĐT, cần nhiều thời gian để chỉnh sửa sản phẩm cho phù hợp với thị trường thế giới...
Theo đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số, nếu DN đủ năng lực và có nhu cầu mở rộng thị trường, Cục sẽ đồng hành, hỗ trợ tiếp cận cơ hội để chinh phục và TMĐT xuyên biên giới. Bên cạnh đó, Cục còn tăng cường các chương trình giáo dục và nâng cao kỹ năng kỹ thuật số để phát triển đội ngũ nhân lực, lãnh đạo cho ngành này. Đây cũng là 1 trong 4 nội dung quan trọng sẽ được Cục TMĐT và kinh tế số, Amazon triển khai trong kế hoạch hợp tác giai đoạn 2 của hai bên. Dự kiến sẽ có hàng trăm DN thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực được tham gia các khóa đào tạo.