Thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những trụ cột quan trọng trên hành trình thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Tận dụng được kênh xuất khẩu này, các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội mở rộng được thị trường, nâng sức cạnh tranh...
Doanh nghiệp cần thích nghi và đổi mới
Chỉ tính riêng sàn thương mại điện tử (TMĐT) Amazon, các doanh nghiệp (DN) Việt đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua.
Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) Bùi Trung Kiên nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, TMĐT đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của các DN Việt Nam. Việc áp dụng các nền tảng TMĐT hiện đại không chỉ giúp DN tiếp cận thị trường quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, TMĐT không chỉ mở ra những cơ hội mới mà còn đặt ra nhiều thách thức. Nhiều chuyên gia nhận định, việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, sự phát triển của công nghệ cũng như yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ là những yếu tố mà các DN cần phải thích nghi và đổi mới.
Ước tính, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Ngoài ra, dữ liệu của Amazon cho thấy DN Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua.
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến 2030 đặt ra một số mục tiêu như: tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ 6-7%/năm và tăng trưởng nhập khẩu từ 5-6%/năm. Khẳng định vai trò của TMĐT trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh đó góp phần nâng sức cạnh tranh cho DN, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN cần nỗ lực thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu. Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, số hóa, nền tảng TMĐT phải là mục tiêu mà các DN nắm bắt để mở rộng thị trường. Theo ông Hải, việc mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương mà có thể phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến, các nền tảng số, bên cạnh đó là phát triển logistics... khi đó xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ có đà để tăng trưởng mạnh mẽ.
Thực tế, trong bối cảnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, việc tận dụng công nghệ số và TMĐT xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng DN ngày một đánh giá cao và điều hướng tập trung.
Tận dụng lợi thế để vươn xa
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling thông tin, tính đến thời điểm này, đã có hơn 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam được bán ra trên sàn TMĐT Amazon. Trong năm 2023, doanh thu của nhà bán hàng này tăng trưởng trên 50%, điều này cho thấy hiệu quả của các nhà bán hàng từ Việt Nam.
Với những ưu thế vượt trội so với thương mại truyền thống, TMĐT đã trở thành giải pháp giúp các DN thu được nhiều kết quả vượt cả sự mong đợi. Theo chia sẻ của ông Dương Như Đức - Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình, năm 2023, công ty đạt doanh thu 727 tỷ đồng, tăng 4%; lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 34 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Với kết quả này, DN vượt 71% kế hoạch lãi trước thuế đã đặt ra. Trong năm 2024, DN dự kiến tăng trưởng 15-20%.
“DN đã xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới trên sàn Alibaba. Việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến giúp DN tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, nhất là thị trường ở châu Á, trong đó tiêu thụ nhiều nhất là Malaysia, Indonesia... Kết quả này tạo đà để DN tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu và đưa sản phẩm vươn xa, từ đó nâng sức cạnh tranh, phát triển bền vững” – ông Đức chia sẻ.
Ông Hoàng Ninh - Trưởng phòng Chính phủ Số (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, Bộ Công Thương) cho biết, mục tiêu của Kế hoạch phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2026-2030 nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhằm tối đa hóa thế mạnh của từng vùng. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa thông qua các khóa đào tạo cả trực tiếp và trực tuyến hoàn toàn miễn phí, qua đó giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của mình tại thị trường trong nước và quốc tế.
Thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, giai đoạn 2022-2025 tốc độ tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới tăng trưởng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thông thường. Dự báo từ năm 2020-2027, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới hàng năm sẽ đạt 28,4%, riêng Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2021-2026 tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20%.