Vừa qua, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã đề xuất cần ban hành Luật Đăng ký tài sản để phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XIII, kiến nghị đó là xác đáng.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Luật Cán bộ công chức viên chức cũng đặt vấn đề về tài sản nhưng chỉ là một điều, một chương trong luật. Luật PCTN chỉ đặt vấn đề kiểm soát tài sản và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Còn quy trình, thủ tục không được phản ánh đầy đủ trong luật. Tương tự Luật Cán bộ công chức viên chức cũng vậy. Vì trong những luật đó không thể tập trung, xuyên suốt vào một nội dung là kê khai, đăng ký, và kiểm soát tài sản. Cho nên theo ông Tiến, nếu có Luật Đăng ký tài sản và được Quốc hội thông qua sẽ “luật hóa”, thuận lợi hơn trong kiểm soát tài sản.
PV: Như vậy, theo ông, cần sớm có luật này?
Ông Lê Như Tiến: Quốc hội một năm họp hai kỳ. Cho nên các luật xếp hàng dài. Vì thế cần có “thứ tự ưu tiên” trong quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, chúng ta còn giải pháp nữa là dùng một luật để sửa nhiều luật. Đây là cái chúng ta đã làm, ví như dùng một luật để sửa các luật về đầu tư; đấu thầu; doanh nghiệp; thuế.
PCTN không chỉ “đánh” vào cá nhân, làm cho cá nhân tham nhũng chịu trách nhiệm hình sự mà rất quan trọng chính là việc thu hồi lại tài sản về cho Nhà nước và nhân dân. Bởi suy cho cùng tài sản đó là của Nhà nước, là tiền thuế của nhân dân.
Vì vậy cần có những luật chuyên về đăng ký, giám sát, thẩm định, kiểm soát và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Phải ngăn chặn như vậy tài sản mới không bị “chảy máu” ra nước ngoài, hay gửi ở các ngân hàng nước ngoài, rồi chuyển dịch cho con cháu, dòng họ, dòng tộc và người thân trong gia đình.
Có những trường hợp người ngoài 20 tuổi đã có khối tài sản hàng trăm tỷ đồng không rõ nguồn gốc. Ông có nghĩ đã đến lúc cần xem xét lại vấn đề kê khai tài sản, cũng như đăng ký tài sản?
-Theo tôi đăng ký tài sản không chỉ một lần mà diễn biến của tài sản đó, các giá trị gia tăng của tài sản, sự dịch chuyển tài sản hàng năm cũng cần được đăng ký hàng năm. Ví dụ năm nay anh có 1 biệt thự, sang năm có 3 biệt thự vậy phải đăng ký để biết tài sản đó do đâu mà có?
Nghĩa là cần đăng ký thường xuyên. Bởi lâu nay chúng ta kê khai tài sản vào dịp bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND, đại hội Đảng các cấp, hay chuẩn bị được đề bạt, lên chức. Cần coi đăng ký, kê khai tài sản kiểm soát tài sản là việc làm thường xuyên, hàng năm đối với cán bộ công chức - những đối tượng thuộc diện phải kê khai.
Trong PCTN việc kiểm soát tiền mặt trong giao dịch là rất quan trọng, nhưng lâu nay chưa triển khai được. Vậy làm sao gắn đăng ký tài sản và kiểm soát tài sản cũng như các giao dịch, thưa ông?
-Cần kiểm soát tài sản thông qua việc không dùng tiền mặt, hạn chế dùng tiền mặt. Tất cả thông qua chuyển khoản thì sẽ minh bạch và cơ quan kiểm soát tài sản, cơ quan thuế sẽ kiểm soát được. Lâu nay ta có thói quen dùng tiền mặt thì giờ các cơ quan quản lý tiền tệ, tài chính cần hướng tới không sử dụng tiền mặt.
Vì thế ngân hàng và tài chính cần phát triển theo nhu cầu của xã hội, sự phát triển chung của các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay. Đó là mua bất kỳ cái gì cũng dùng thẻ để thanh toán. Liều lượng bao nhiêu? Ai mua những gì cũng biết được hết.
Như vậy mới kiểm soát được tài sản. Quản lý giao dịch không dùng tiền mặt là phương thức giao dịch tiên tiến các nước đã áp dụng nhiều năm nay. Nếu chúng ta áp dụng, việc kiểm soát giao dịch sẽ dễ dàng hơn, hướng tới vừa đăng ký và kiểm soát tài sản thì mới chống được tham nhũng.
Trân trọng cảm ơn ông!