Học sinh THCS và THPT sẽ không phải làm bài kiểm tra 1 tiết thường xuyên. Hình thức đánh giá sẽ đa dạng hơn, đặc biệt là có cả làm bài kiểm tra trên máy tính… Đó là những điểm mới trong Thông tư số 26 của Bộ GDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT có hiệu lực từ ngày 11/10.
Không quy định “cứng” bài kiểm tra 1 tiết
Theo quy định tại Thông tư 26, điểm kiểm tra/đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1; điểm kiểm tra/đánh giá giữa kỳ tính hệ số 2 và điểm kiểm tra/đánh giá cuối kỳ tính hệ số 3. Trong mỗi học kỳ, số điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ của một học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm cả chủ đề tự chọn) được quy định cụ thể.
Theo đó, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học quy định 2 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học quy định 3 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 70 tiết/năm học quy định 4 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.
Trong mỗi học kỳ, một môn học có 1 điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ với các hệ số quy định. So với quy định hiện hành, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh học sinh theo Thông tư 26 đã giảm, môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm.
Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) chia sẻ: Trước đây chúng ta có phân phối chương trình, quy định “cứng” thời điểm nào kiểm tra 1 tiết. Nhưng giờ thực hiện chương trình nhà trường, kế hoạch dạy học do nhà trường tự chủ; do đó, giáo viên khi thực hiện đánh giá thường xuyên có thể kiểm tra 15 phút, 20 phút, 30 phút… miễn sao bảo đảm được yêu cầu cần đạt hay mức độ cần đạt. Theo quy định tại Thông tư 26, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Với kiểm tra, đánh giá định kỳ, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút. Như vậy, thay vì quy định cứng như trước đây, bài kiểm tra sẽ thực hiện linh hoạt hơn cả về cách thức và thời gian lẫn nội dung…
Liệu có đánh giá đúng năng lực học sinh?
Nguyễn Thị Hoa, học sinh lớp 12 (Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ, với quy định này, học sinh sẽ phải rất tập trung học tập, cố gắng. Nếu không đến cuối kỳ, cuối năm học sẽ phải vắt chân lên cổ chạy để lấy thành tích. Tuy nhiên, Hoa cũng khẳng định, “mỗi bài kiểm tra, đánh giá thường xuyên dù bằng hình thức nào cũng sẽ chốt lại những kiến thức cho học sinh, giúp học sinh biết được mình đang đứng ở đâu và mình cần nỗ lực như thế nào”.
Nhiều giáo viên Ngữ văn sau khi nhận được thông tin về quy định mới của Bộ GDĐT đã chia sẻ, tới đây sẽ bớt được thời gian chấm bài kiểm tra học sinh khi không có quy định cứng về kiểm tra 1 tiết. Tuy nhiên với đặc thù là môn học đòi hỏi cách viết, cách diễn đạt ý tứ, nếu giảm 3 bài viết hệ số 2 xuống chỉ còn 1 bài sẽ khó rèn cho học sinh các kỹ năng này.
Một giáo viên ở Hà Nội nói rằng: Điểm 15 phút và điểm 1 tiết giúp giáo viên đánh giá học sinh suốt quá trình học, trong cả kỳ và cả năm. Nếu chỉ dồn vào điểm thi học kỳ và điểm thi cuối năm thì cũng sẽ bớt đi sự khách quan và không tạo điều kiện cho học sinh cố gắng nỗ lực trong suốt cả năm học.
Về mặt quản lý, ông Nguyễn Quý Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội cho hay, bài kiểm tra 1 tiết như trước đây cũng giúp các hiệu trưởng đánh giá được hiệu quả giảng dạy của giáo viên để có điều chỉnh cần thiết. Do đó, ông Xuân kiến nghị Bộ GDĐT phải có văn bản hướng dẫn làm thế nào để có cách kiểm tra chính xác việc thực hiện dạy học của các thầy cô, việc học tập của các em học sinh, thu được kết quả tốt hơn. Nếu có những biện pháp để thu được kết quả tốt hơn thì những biện pháp trước kia hoàn toàn có thể loại bỏ…
Trong Thông tư 26 có điều đáng chú ý là, tùy điều kiện cơ sở vật chất từng trường, có thể cho học sinh làm bài kiểm tra trên máy tính. Về điều này, ông Sái Công Hồng cũng chia sẻ thêm: Đây là lần đầu tiên hình thức kiểm tra viết được cho phép thực hiện trên máy tính. Tuy nhiên chỉ áp dụng tại những nơi đủ điều kiện cơ sở vật chất. Ngoài kiểm tra đánh giá viết như trước đây vẫn giữ nguyên, thêm hình thức kiểm tra đánh giá theo hoạt động học tập của người học và có bổ sung thêm hình thức kiểm tra viết nhưng có thể thực hiện trên máy tính, khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá.
Một điểm mới nữa Thông tư 26 là tất cả các môn học sẽ được bổ sung đánh giá bằng những nhận xét thay vì chỉ cho điểm như trước kia. Điều này giúp giáo viên quan tâm sát sao hơn đến từng học sinh, từ đó các em biết mình cần phải điều chỉnh ra sao để việc học tập hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đã đánh giá bằng nhận xét, đánh giá bằng sản phẩm thì nó phải có hướng dẫn, tiêu chí rõ ràng, công khai minh bạch trước khi đánh giá.
Mà điều đó thì chúng ta vẫn phải đợi!
Không “bỏ hẳn” kiểm tra 1 tiết
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ GDĐT không cấm giáo viên tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra 1 tiết. Việc “bỏ hẳn” bài kiểm tra 1 tiết cũng là cách hiểu chưa chính xác. Trong đánh giá định kỳ sẽ có các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành thí nghiệm hoặc dự án học tập. Thời gian có thể là 45 phút (tương đương với 1 tiết học) đến 90 phút. Với các môn chuyên, học sinh có thể làm bài kiểm tra 120 phút. Như vậy, không nên hiểu “xóa bỏ bài kiểm tra 1 tiết” mà thay vì quy định cứng như trước đây, bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ sẽ thực hiện linh hoạt hơn cả về cách thức và thời gian lẫn nội dung.