Ngày 6/8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và các cơ quan có liên quan giải trình về “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật”. Nhiều ĐB đã đề nghị cần giảm tuổi người nhận trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, cũng như nâng cao mức trợ cấp hàng tháng.
Chi trả lương hưu và bảo hiểm xã hội tại phường Bến Nghé (TP HCM).
Mức trợ cấp xã hội chỉ bằng 40% chuẩn nghèo nông thôn
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, tính đến 31/12/2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi), khoảng 5,7 triệu người cao tuổi nữ (chiếm khoảng 50,7%), khoảng 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 65%), người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước.
Theo Bộ LĐTBXH, cả nước đã thành lập được 418 cơ sở trợ giúp xã hội (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng.
Tuy nhiên Bộ LĐTBXH cũng nhìn nhận rằng, đời sống người cao tuổi, người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn. Số lượng người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý.
Nhiều địa phương đang áp dụng kiểu cào bằng
ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi, người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức trợ cấp từ 270 đến 810 nghìn đồng/người/tháng là quá thấp. Qua tiếp xúc, nhiều cử tri phản ánh người cao tuổi, khuyết tật đều là những người khó khăn, người nghèo. “Do đó cử tri đề nghị người dưới 80 tuổi cũng được hưởng chính sách trợ cấp xã hội, đồng thời cần nâng mức trợ cấp lên vì từ năm 2014 đến nay dù thu nhập bình quân đầu người tăng lên song mức trợ cấp vẫn ở mức cũ”-bà Lan cho hay.
Cùng chung quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, cần nâng cao mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an sinh xã hội. Bởi hiện nay các địa phương đang thực hiện theo kiểu “cào bằng”, cứ trên 80 tuổi không có lương thì được hưởng trợ cấp song thực tế có nhiều người 80 tuổi dù không có lương nhưng gia đình lại khá giả, còn có người dưới 80 tuổi nhưng hoàn cảnh gia đình lại vô cùng khó khăn. Vì vậy theo ông Lợi, cần xem xét vào hoàn cảnh để hỗ trợ, như vậy nguồn lực mới được tập trung.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, nhiều cử tri cũng bày tỏ băn khoăn với mức trợ cấp xã hội hiện nay là 270 nghìn đồng/tháng/người và độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. Theo Bộ trưởng, vấn đề cử tri kiến nghị cũng hết sức thỏa đáng. Cho nên cuối năm 2019, Bộ sẽ trình Chính phủ đề xuất nâng mức bảo trợ xã hội.
Liên quan đến đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước đây chúng ta quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội, sau đó quy định giảm độ tuổi xuống còn 85 tuổi và hiện nay là 80 tuổi. Do đó, muốn điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội thì phải sửa Luật Người cao tuổi, hoặc Quốc hội có nghị quyết để điều chỉnh về vấn đề này.
“Theo kế hoạch năm 2021 mới sửa Luật Người cao tuổi, nhưng quan điểm cá nhân tôi thì nên rút xuống còn 75 tuổi vì hiện nay điều kiện kinh tế-xã hội đã cho phép và có thể nâng cao mức hỗ trợ”-Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Người tự kỷ có phải người khuyết tật?
Trước vấn đề người tự kỷ có phải là người khuyết tật? Và có được hưởng chính sách trợ cấp xã hội mà ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đặt ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện theo báo cáo của các tỉnh số người bị bệnh tự kỷ và tâm thần đang gia tăng nhanh. Các địa phương liên tục đề nghị xây dựng các trung tâm lưu dưỡng bảo trợ, vì hiện nhiều nơi đang ghép người cao tuổi không ai nuôi dưỡng với cả người tâm thần, có nơi ghép người tâm thần với người cai nghiện ma túy.
Theo Bộ trưởng, Thông tư hướng dẫn Luật về người khuyết tật đã quy định rõ tự kỷ là một dạng khuyết tật và cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, theo quy định hiện đang giao cho cấp xã đưa đi giám định. Giao cho xã thì xã phải lo kinh phí đưa đi giám định nên cấp xã rất ngại cho đi giám định. Vì thế số người khuyết tật hiện nay còn có thể cao hơn so với thực tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến lại cho rằng người bị bệnh tự kỷ là người bị bệnh, cần phải điều trị chứ không phải người khuyết tật cho nên cần điều trị chứ không nên đưa vào diện hưởng trợ cấp xã hội. Ngay sau đó nhiều ĐB cho rằng, quan điểm của ông Tiến chỉ là quan điểm cá nhân và cần phải coi người tự kỷ là người khuyết tật, cần được hưởng trợ cấp xã hội.