Sáng ngày 15/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển khai tập huấn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Hội nghị được truyền đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước.
Quang cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, phần lớn những ca bệnh dương tính với Covid-19 ở nước ta là xâm nhập từ nước ngoài vào, do đó chúng ta dễ xác định được bệnh nhân số O, điều này khác hẳn các nước khác thường rất khó xác định được bệnh nhân số O. Đây là điểm mạnh trong phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên theo ông Long, hiện nay việc phòng chống dịch Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi cách ứng phó với dịch phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã có những thay đổi trong biện pháp chống dịch để phù hợp với tình hình mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, nước ta đã có những điều chỉnh theo đúng quy định chặt chẽ hơn, khoanh vùng nhỏ hơn, vừa bảo đảm về đời sống cho người dân mà vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện phương án phân tuyến điều trị. Như vậy, tuyến xã cũng tham gia vào điều trị với những trường hợp nhẹ.
Trong giai đoạn mới, một trong những thay đổi lớn của Việt Nam là thay đổi phương thức, mở rộng hơn đối tượng xét nghiệm. Bộ Y tế đã thực hiện trang bị đầy đủ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở xét nghiệm, chỉ đạo các địa phương sản xuất bộ thử nghiệm, trao đổi kỹ thuật giữa các phòng labor với nhau. Hiện nay, công suất xét nghiệm được đẩy nhanh lên, kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian trả kết quả trong thời gian tới đây.
Bộ Y tế cũng khai trương nhiều phần mềm (app) giúp người dân nắm thông tin, áp dụng tờ khai y tế điện tử quản lý toàn bộ khách nhập cảnh. Các cửa khẩu cần thực hiện tốt hơn nữa việc khai báo y tế điện tử để tránh gây ra ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu, sân bay và làm giảm thời gian từ việc phải nhập dữ liệu từ tờ khai giấy.
Bộ Y tế và Bộ KH&CN đã thành lập văn phòng đặc nhiệm chuyên truy xuất nguồn gốc và lịch trình đi lại của hành khách. Trước đây, với chuyến bay VN54, Việt Nam mất 4 ngày mới kiểm soát được hết hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong chuyến bay sau, chúng ta chỉ mất hai ngày và hiện nay mất nửa ngày để biết hành khách đang ở đâu.
Cũng tại Hội nghị này, Bộ Y tế cùng Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin -Truyền thông và Bộ KH&CN chính thức công bố ra mắt hệ thống khai báo sức khoẻ du lịch do Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) triển khai dành cho các sân bay/cửa khẩu và 100% cơ sở lưu trú/nhà hàng trên toàn quốc, liên quan đến dịch Covid-19.
Hệ thống khai báo sức khoẻ được xây dựng nhằm hỗ trợ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trong việc chủ động nắm được lịch trình của hành khách trong nước và quốc tế khi du lịch tại Việt Nam. Hệ thống sẽ được tích hợp vào ứng dụng Vietnam Health Declarations để thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh và khách du lịch sử dụng.
Hệ thống sẽ được áp dụng tại 100% cơ sở du lịch trên toàn quốc, bao gồm toàn bộ các địa điểm nhập cảnh (sân bay, cửa khẩu); địa điểm ăn uống (nhà hàng, khách sạn, quán ăn,…); địa điểm lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ); khu vui chơi, giải trí, trung tâm hội nghị; hãng vận tải hành khách đang hoạt động trên cả nước. Người quản lý và điều hành tại các địa điểm cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện quét QR code của hành khách khi tiếp đón và cung cấp dịch vụ tại cơ sở mình để lưu lại thông tin.
Ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng Giám đốc Viettel Solutions chia sẻ: “Hệ thống đi vào triển khai sẽ hỗ trợ kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động cũng như tình trạng sức khỏe của du khách một cách chính xác, linh hoạt; từ đó sớm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch một cách chủ động và nhanh nhất”.