Xã hội

Kinh nghiệm ứng phó ở nơi “rốn lũ”

Nghĩa Văn 01/06/2024 09:51

Tỉnh Quảng Trị là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi nhiều loại hình thiên tai khác nhau, với tần suất ngày càng nhiều.

anhduoi(1).jpg
Người dân ở các vùng thường xảy ra lũ lụt lấy mực nước lụt cao nhất ghi nhận được trên địa bàn để làm căn cứ xây dựng nhà cửa. Ảnh: CTV.

Trong đó, mưa lũ và ngập lụt là loại hình thường xuyên xảy ra hàng năm. Điển hình như các trận lũ đặc biệt lớn đã xảy ra vào các năm 1983, 1999, 2006, 2009, 2011, 2016 gây thiệt hại rất lớn về cơ sở hạ tầng, dân sinh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.

Đặc biệt, đợt lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gây ngập lụt sâu trên diện rộng, kéo dài 15 ngày liên tục, mực nước đã vượt đỉnh lũ lịch sử trước đó trên tất cả các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh. Đợt lũ đã làm 50 người chết, 37 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà của người dân, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu bị ngập sâu, hư hỏng nghiêm trọng… thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính trên 4.200 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, người dân tại các vùng thường xuyên bị ngập lụt ở tỉnh Quảng Trị đã có những giải pháp để chủ động ứng phó. Bà Võ Thị Yến (39 tuổi, trú tại thôn Văn Trị, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết, căn nhà của gia đình bà được xây dựng lại vào năm 2022. Nền móng của ngôi nhà ước tính cao hơn mặt đường khoảng 1m. “Việc xây dựng nhà dựa vào mực nước lụt của năm 2020. Hiện tại, móng nhà tôi cao hơn so với mực nước lụt năm 2020 khoảng 15cm”, bà Yến thông tin.

Không riêng gia đình bà Yến, nhiều ngôi nhà của người dân đang sinh sống trong các vùng ngập lụt tại tỉnh Quảng Trị hiện nay đều được xây dựng với nền móng cao hơn so với mặt đường. Việc xây dựng này căn cứ theo mực nước lũ cao nhất ghi nhận được trên địa bàn giúp người dân chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của mưa lũ.

Ông Lê Chí Công - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, có 2 giải pháp để chủ động ứng phó để phòng, chống thiên tai nói chung và phòng, chống lũ, ngập lụt nói riêng là công trình và phi công trình.

“Việc lấy mực nước lũ cao nhất ghi nhận được tại địa phương để làm móng nhà hoặc xây gác lửng của người dân thể hiện cả 2 giải pháp trên. Trong đó, hiện trạng của nhà dân là giải pháp công trình và ý thức của người dân trong việc chủ động ứng phó phòng, chống lũ lụt là giải pháp phi công trình” - ông Công nói.

Ngoài ra, theo ông Công, để có thể mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác ứng phó phòng, chống thiên tai, thì 2 giải pháp trên phải được tiến hành song song với nhau. Thời gian qua, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và người dân tại tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện nghiêm túc cả 2 giải pháp này.

Được biết, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình về việc thẩm định, phê duyệt đề cương, dự toán nhiệm vụ “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lũ lịch sử năm 2020 phục vụ công tác phát triển kinh tế xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu”.

Theo ông Công, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thông tin về vết lũ lịch sử năm 2020 sẽ là công cụ quan trọng phục vụ định hướng công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng; giúp chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở và cộng đồng dân cư chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm ứng phó ở nơi “rốn lũ”