Quốc tế

Kinh tế Nhật Bản đang chuyển mình

Thanh Đức 18/06/2024 09:42

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), chi tiêu của các gia đình Nhật Bản trong tháng 5/2024 lần đầu tiên đã tăng, chấm dứt 14 tháng “thắt lưng buộc bụng”.

anhbaitren(3).jpg
Một cửa hàng ăn uống ở Tokyo (Nhật Bản). Nguồn: Japan Today.

Điều này cho thấy kinh tế Nhật Bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đến tháng 6/2024, tính trung bình 1 hộ gia đình Nhật Bản 2 người chi tiêu 313.300 yen (hơn 2.000 USD). Cụ thể: Chi tiêu cho dịch vụ giáo dục tăng 25,9%; chi tiêu cho thực phẩm chiếm khoảng 30% mức chi tiêu (giảm 2,7%). Chi tiêu cho quần áo và giày dép tăng 11,3%; chi tiêu cho sức khỏe và y tế tăng 1,2%; chi tiêu cho giao thông vận tải và truyền thông giảm 10,2%.

Số liệu chi tiêu là một chỉ số quan trọng về tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản. Số liệu điều chỉnh theo mùa, tính trên cơ sở hàng tháng. Khi tiêu dùng tư nhân trì trệ sẽ đem tới mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách khi nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững nhờ tiền lương và giảm lạm phát - những điều kiện tiên quyết để bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trước đó, vào thời điểm tháng 6/2023, MIC công bố kết quả khảo sát cho thấy chi tiêu trung bình của hộ gia đình có từ 2 người trở lên tại nước này vào khoảng 272.214 yen (2.065 USD). Như vậy, so với cùng thời điểm 2024, có thể thấy tỷ giá đồng Yen Nhật so với đồng đô la Mỹ xuống khá mạnh.

Vậy, nguyên nhân nào khiến đồng Yen suy yếu và điều đó tác động thế nào tới nền kinh tế Nhật Bản?

Tính tới thời điểm này, đồng Yen đã xuống thấp kỷ lục, giá trị của nó đã quay trở lại mức hồi năm 1990. Theo trang The Guardian (Anh), đồng Yen được giao dịch ở mức 160 Yen đổi 1 USD vào đầu tháng 6/2024; thiết lập mức thấp mới so với USD trong 34 năm. Vài năm trước, đồng Yen Nhật Bản được giao dịch ở mức gần 100 Yen đổi 1 USD.

Ngoài USD, đồng Yen cũng đã chạm mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng euro, AUD và nhân dân tệ Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, sự trượt dốc của đồng Yen có thể là tin xấu đối với người dân Nhật Bản nhưng lại có thể mang đến lợi nhuận khổng lồ cho các nhà xuất khẩu. Và đối với khách du lịch đến Nhật Bản, đồng tiền của họ sẽ trở nên có giá trị cao hơn. Cũng có nghĩa là du lịch Nhật Bản sẽ hút khách hơn. Chỉ trong 1 tháng Nhật Bản đón 3,79 triệu lượt khách nước ngoài.

Về lý do đồng Yen suy giảm, trước hết vì các nhà đầu tư đẩy mạnh việc bán ra để “cắt lỗ” vì sự sụt giảm giá trị. Nói rõ hơn là do đồng tiền giảm giá, các nhà xuất khẩu không thể khuyến khích chuyển đổi tiền thu được từ nước ngoài thành đồng Yen, khiến nhu cầu càng giảm. Mặt khác, trong nhiều năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giữ lãi suất ở mức cực thấp để kích thích lạm phát gia tăng, cũng như thúc đẩy hoạt động cho vay của ngân hàng và thúc đẩy nhu cầu. Và cũng chính vì giữ mục tiêu kéo lùi lạm phát nên nền kinh tế lại phải đối diện với giảm phát, suy thoái. Cũng chính vì thế mà BOJ đã chấm dứt chính sách giữ lãi suất chuẩn dưới 0, nâng lãi suất chính sách ngắn hạn từ -0,1% lên 0 đến 0,1%.

Tới nay, tiêu dùng trong nước của Nhật Bản đã có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn là một điểm yếu. Các hộ gia đình có xu hướng trở thành “nhà nhập khẩu ròng” một cách bắt buộc khi mà rất nhiều mặt hàng thiết yếu phải nhập từ bên ngoài. Bên cạnh đó, đồng Yen suy yếu cũng lại là một yếu tố khiến các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản quyết định giữ tiền.

Chuyên gia tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, ông Masato Kanda cho rằng thời gian qua chính quyền Tokyo đã có nhiều nỗ lực để lấy lại sức mạnh của đồng nội tệ. Điều đó bước đầu đã thành công khi mà sức mua trong nước đã tăng lên. “Việc chi tiêu nhiều hơn cho thấy tâm lý người tiêu dùng đã tốt lên. Trạng thái tâm lý được gọi là “hàng rào phòng thủ” đang dần được gỡ bỏ” - ông Kanda nhận xét.

Vậy tỉ giá đồng Yen/USD sẽ ra sao trong thời gian tới? Giới chuyên gia tài chính ngân hàng Nhật Bản cho rằng dấu mốc 160 Yen/1 USD sẽ sớm thay đổi, nhiều khả năng sẽ hạ xuống còn 130 Yen/1 USD vào cuối năm 2024. Và như thế kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn.

Ông Nicholas Chia - chiến lược gia vĩ mô tại Ngân hàng Standard Chartered ở Singapore nhận định, theo một nghĩa nào đó, mức 160 Yen/1 USD đã là “ngưỡng giới hạn” đối với Tokyo. Vì thế, xu hướng mới tích cực hơn với kinh tế Nhật Bản sẽ sớm xuất hiện.

750 tỷ USD là gói ngân sách năm 2024 (tính từ tháng 4) của Chính phủ Nhật Bản nhằm ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Gói ngân sách này được kỳ vọng tạo thêm động lực phát triển mới, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đã xuất hiện những tín hiệu khả quan. Tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản hiện ở mức 2,4%, trong khi đó lạm phát ở mức 2%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản năm 2023 là 4.210 tỷ USD. Năm nay, con số đó dự báo sẽ ở mức 4.500 tỷ USD (tương đương với GDP của nước Đức năm 2023 là 4.460 tỷ USD).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế Nhật Bản đang chuyển mình