Mặc dù đã lui xuống vị trí thứ 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới (thay vào đó là Đức), nhưng kinh tế Nhật Bản đã và đang cho thấy sự bứt phá. Điều đó sẽ tác động tích cực tới kinh tế châu Á và thế giới.
Nhật Bản đã công bố số liệu điều chỉnh chính thức. Theo đó, GDP quý IV/2023 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so với quý trước đó. Trước đó, ước tính sơ bộ cho thấy cả 2 số liệu này đều giảm, đẩy Nhật Bản vào suy thoái khi có 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.
Suốt thời gian dài, lạm phát cao đã ghìm nhu cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân tại Nhật Bản, khiến tăng trưởng luôn bị đe dọa. Tiến sĩ Marcel Thieliant - Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics cho biết, trong tháng 2 và 3/2024, thị trường bán lẻ của Nhật Bản đã tăng trở lại, đặc biệt là ở khu vực đô thị.
Điều đó cũng củng cố quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) rằng nền kinh tế đang phục hồi, nhờ doanh nghiệp sẵn sàng tăng đầu tư. Cộng với các tín hiệu tích cực về tăng lương, phần lớn các nhà kinh tế kỳ vọng BOJ bỏ lãi suất âm khi tháng 3 này kết thúc. Nếu vậy, đó sẽ là lần đầu tiên cơ quan này nâng lãi kể từ năm 2007.
Ở thời điểm ngày 17/3, Yên Nhật (JPY) cũng mạnh lên so với USD. Theo đó, mỗi USD đổi được 146,7 JPY. Đáng nói là đồng tiền Nhật Bản đã mất giá hơn một năm qua so với tiền Mỹ, chủ yếu do Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất âm, trái ngược với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.
Với nhiều tín hiệu tích cực, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã ra thông báo rằng nền kinh tế của đất nước đã thành công trong việc thoát khỏi suy thoái. Mức tăng GDP thực tế tính theo năm đạt 0,4%, đánh dấu bước tiến quan trọng kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản vẫn lưu ý rằng nhu cầu trong nước vẫn chưa đạt đến mức đủ mạnh do áp lực từ giá hàng hóa tăng cao. Tình hình này đặt ra một thách thức lớn đối với các hộ gia đình. Phần tiêu dùng cá nhân đóng góp hơn một nửa vào giá trị GDP chưa thật sự hồi sức.
Ông Yoshiki Shinke - Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định, tiêu dùng sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng. Tiêu dùng trong nước sẽ nâng đỡ nền kinh tế Nhật Bản, nhưng có một yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng, đó là lạm phát. Vì thế, kiểm soát và kéo giảm lạm phát là nhiệm vụ lâu dài.
Trong bối cảnh đó, một động thái tích cực nữa được đánh giá cao chính là việc các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, bao gồm Honda, Nissan, Panasonic, Nippon Steel... đồng ý nâng lương cho nhân viên trong năm 2024, với mức tăng cao nhất trong hơn 30 năm qua.
Khi hầu hết các cuộc đàm phán về lương trong mùa xuân ở Nhật Bản (người Nhật gọi là shunto) kết thúc vào giữa tháng 3, các nhà kinh tế ước tính các doanh nghiệp lớn sẽ tăng lương trung bình cho nhân viên hơn 4% (so với 5,85% yêu cầu của các nghiệp đoàn lao động). Tỷ lệ này cao hơn mức tăng 3,6% vào năm ngoái, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1992. Điều đó đánh dấu cột mốc quan trọng ở một đất nước mà tiền lương thực tế trì trệ kể từ cuối thập niên 1990.
Riêng Toyota xác nhận, hãng hoàn toàn chấp nhận yêu cầu của công đoàn lao động về đề xuất tăng lương hàng tháng thêm 28.440 JPY (tương đương 193 USD). Đó là mức tăng lương lớn nhất của nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới kể từ khi số liệu được thống kê vào năm 1999.
“Chúng tôi muốn khắc phục tác động từ việc giá cả tăng” - Takanori Azuma - Giám đốc nhân sự của Toyota nói, đồng thời cho biết thêm mức tăng lương và các khoản tiền thưởng dành cho nhân viên đều sẽ ở mức cao kỷ lục.
Đáng kể hơn, Tập đoàn Nippon Steel đồng ý tăng lương cơ bản thêm 11,8%, vượt quá yêu cầu của công đoàn về mức tăng lương hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1979. Còn hãng Honda cho biết sẽ tăng lương hàng năm cho nhân viên thêm 5,6% - mức cao nhất kể từ năm 1989. Trong khi đó, chuỗi bán lẻ Aeon đồng ý tăng lương theo giờ cho khoảng 400.000 nhân viên bán thời gian lên trung bình 7%. Đó là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng lương đang lan rộng khắp các lĩnh vực kinh doanh.
Tiến sĩ Hisashi Yamada - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản ước tính mức tăng tổng thể của doanh nghiệp trong năm nay là 4,2 - 4,3% và có thể hơn 5% đối với các doanh nghiệp hàng đầu.
“Mức tăng lương ở các doanh nghiệp hàng đầu có sự khác nhau, nhưng điều đó cho thấy nền kinh tế đã chuyển động đi lên, giúp BOJ đủ tự tin để bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ lãi suất âm ngay từ tháng 4 tới” - tiến sĩ Yamada nói.
“Cần chấm dứt tình trạng trì trệ tiền lương kéo dài 30 năm qua” - Akihiko Matsuura - Chủ tịch UA Zensen, một trong những công đoàn lớn nhất Nhật Bản với hơn 1,8 triệu thành viên trong các lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm, hóa chất và các lĩnh vực khác, nói.
Còn ông Katsuhiro Yasukochi - Chủ tịch Hiệp hội công nhân sản xuất, máy móc và kim khí Nhật Bản (JAM), tổ chức đại diện khoảng 390.000 công nhân, chủ yếu làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ, nói: “Tình trạng thiếu lao động ở Nhật Bản sẽ không thể được giải quyết. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên mà những nhà quản lý doanh nghiệp không thể tăng lương sẽ bị loại khỏi thị trường”.
Lạm phát tổng thể của Nhật Bản tăng ở mức trung bình 3,2% hồi năm ngoái nhưng đã giảm xuống còn 2,2% trong tháng 1/2024. Giới quan sát cho rằng, khởi sắc của nền kinh tế Nhật Bản sẽ tác động tích cực tới kinh tế châu Á và thế giới, bất chấp những rủi ro mang tính toàn cầu vẫn đang rình rập.