Ngày 9/10, tân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo các cuộc cạnh tranh thương mại căng thẳng đang làm suy yếu kinh tế toàn cầu và mức tăng trưởng kinh tế có thể rơi xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua. Kinh tế thế giới đang đồng loạt giảm tốc, với gần 90% các nước trên thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm nay.
Kinh tế toàn cầu suy giảm khiến giá dầu tiếp tục giảm sâu Ảnh AFP.
Giảm tốc đồng loạt
Trong bài phát biểu đầu tiên với vai trò của người đứng đầu IMF (có trụ sở tại Washington, Mỹ), bà K.Georgieva cho hay nghiên cứu mới nhất của IMF cho thấy các cuộc chiến thương mại đang khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng “giảm tốc đồng loạt” và điều này cần phải được giải quyết. “Các cuộc cạnh tranh thương mại đang lan rộng, do đó các quốc gia cần đồng lòng ứng phó”- theo bà K.Georgieva. Cụ thể, những tác động tích tụ từ các cuộc xung đột thương mại có thể khiến kinh tế toàn cầu mất đi 700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 0,8% GDP, cao hơn so với dự báo trước đó.
Bà K.Georgieva cũng không quên kêu gọi các nước như Đức, Hàn Quốc và Hà Lan vốn đang hứng chịu mức nợ công cao, cần tăng cường chi tiêu để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Được biết, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm 2020 lần lượt xuống mức 3,2% và 3,5%. IMF cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế phục hồi vào năm tới, song một số yếu tố vốn do các cuộc xung đột thương mại gây ra sẽ dẫn tới những thay đổi có thể kéo dài; vì thế các nước cần tăng cường ngân sách dự phòng.
Cũng cần lưu ý, kể từ đầu năm tới nay, IMF không ít lần cảnh báo sự suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu trong năm 2019, tuy “còn rất lâu mới rơi vào suy thoái”. Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân quan trọng, theo IMF, chính là từ xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 0,8%, đồng thời châm ngòi cho nhiều thiệt hại trong những năm tới. Một quan chức IMF chia sẻ với Reuters: “Mặc dù hoạt động sản xuất có dấu hiệu yếu đi song suy thoái còn rất xa. Điểm tích cực là vẫn có sự bền vững trong lĩnh vực dịch vụ và người tiêu dùng vẫn còn niềm tin. Nhưng câu hỏi được đặt ra là sự bền vững đó kéo dài được bao lâu”.
Nhận xét này cũng trùng với phát biểu của Người phát ngôn của IMF Gerry Rice vào ngày 12/9. Tuy rằng Công ty Bankrate (Mỹ) đã thực hiện cuộc thăm dò ý kiến với các nhà kinh tế học và thu được kết quả 41% khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong tháng 11/2020 - thời điểm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tiên lượng không mấy sáng sủa
Cùng với IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.
Theo đó, OECD đã lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 từ 3,2% xuống còn 2,9%, trong khi tăng trưởng năm 2020 bị giảm từ 3,4% xuống còn 3%. OECD cho rằng đây là những mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và các nguy cơ vẫn còn tăng.
OECD đưa ra nhận xét, căng thẳng thương mại leo thang đang làm suy yếu lòng tin và đầu tư, dẫn đến rủi ro chính sách, ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường tài chính, gây nguy hiểm cho triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Kinh tế toàn cầu đang bước sang giai đoạn mới với tăng trưởng thấp kéo dài. Tổ chức này đã hối thúc nỗ lực chung trong việc chấm dứt cuộc chiến thuế quan và trợ giá, khôi phục hệ thống minh bạch và dựa trên luật định, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.
Theo Laurence Boone- kinh tế gia phân tích của OECD, xung đột thương mại Mỹ - Trung khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới suy giảm; kéo theo nền kinh tế châu Âu suy giảm. “Và cũng không thể không nói tới Brexit không thỏa thuận sẽ khiến nước Anh có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2020”- L.Boone nhận xét.
Nhìn chung, các phân tích đều cho rằng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 lẫn 2020 đã và đang đứng trước nhiều thách thức. Tuy không rơi vào suy thoái nhưng thoát khỏi sự trì trệ là điều không mấy dễ dàng, đặc biệt là những nền kinh tế lớn.