Việc nhận lỗi rất khó, ai cũng tìm cách đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cho người khác. Điều đó thật đáng buồn. May sao, các triết gia tiền nhân đã biết trước được điều đó, nên đã có những lời dạy bảo từ thấp đến cao, nếu để tâm học tập kỹ sẽ hiểu biết được phần nào.
Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Lỗi là: 1/Chỗ sai sót do không thực hiện đúng quy tắc. Thí dụ: Chữa lỗi chính tả. 2/Điều sai sót, không nên, không phải trong cách cư xử, trong hành động. Thí dụ: Phạm lỗi. Ăn năn hối lỗi. Đổ lỗi cho khách quan. 3/Có chỗ sai sót về mặt kỹ thuật. Thí dụ: Dệt lỗi. Lỗi nhịp trong quy trình. 4/Có điều sai trái không theo đúng đạo lý. Thí dụ: Lỗi đạo làm con. Lỗi hẹn”. “Khuyết điểm là: Điều thiếu sót, điều sai trái trong hành động, suy nghĩ hoặc tư cách. Thí dụ: Phạm khuyết điểm. Sửa chữa khuyết điểm”.
Trong triết học cổ đại phương Tây có một câu danh ngôn mà ai cũng quý trọng và thấm thía. Câu danh ngôn bất hủ đó là: “Đã là con người thì có thể mắc sai lầm, khuyết điểm”.
Con người không ai là tốt hoàn toàn, không ai là xấu hoàn toàn, vì thế cho nên khi xét đoán phẩm hạnh, tư cách một ai đó phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ và bao giờ cũng phải mang phong thái bao dung, độ lượng, tha thứ và biết cách mở đường cho người ta sửa chữa, ăn năn để tiến bộ, để phát triển về sau. Chớ bao giờ cho phép vùi dập con người, vì đó là biểu hiện tội ác ở các mức độ khác nhau.
Triết gia danh tiếng François de Fénelon (1651 - 1715) đã từng kêu gọi sự tự nguyện tự giác nhận lỗi, nhận sai lầm, nhận khuyết điểm về mình của con người qua câu danh ngôn vĩ đại: “Không có gì tốt đẹp hơn bằng cách hãy nói thẳng: Tôi là người có lỗi”.
Chao ôi, cái cụm từ đề cao giá trị đích thực của một con người lương thiện là “Tôi là người có lỗi” sao lại khó nói ra đến thế.
Người không dám nhận lỗi về mình? Vì sao không dám mạnh dạn thú tội? Có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do bản năng ích kỷ bẩm sinh, không muốn chịu phần thiệt về mình dù rằng mình đã làm ra lỗi lầm, khuyết điểm.
Thứ hai là do thiếu lòng dũng cảm của một con người lương thiện. Ta đi đường, nhìn thấy một người gặp nạn do xe máy đâm vào, ta có dũng cảm chạy tới giúp đỡ người bị nạn để đưa đi cấp cứu, kịp thời cứu chữa, hay ta sợ liên lụy đến bản thân mà nhắm mắt làm ngơ, bỏ đi thẳng coi như không nhìn thấy gì.
Còn nguyên nhân thứ ba, rất phổ biến, thường gặp là ai cũng chỉ nhìn thấy những sai lầm, khuyết điểm do người khác mắc phải vì nó ở ngay trước mắt ta, còn khuyết điểm của ta luôn được che dấu ở đằng sau lưng nên khó nhìn thấy.
Cách đây hàng ngàn năm, triết gia bậc thầy cổ đại Seneca (từ năm 4 trước Công nguyên đến năm 65 sau Công nguyên) đã dạy bảo rất cụ thể: “Chúng ta có ngay trước mắt những lỗi lầm của kẻ khác, nhưng những lỗi lầm của chúng ta lại ở phía sau lưng nên khó mà nhìn thấy”. Lời dạy của Seneca đã trải qua hàng ngàn năm mà vẫn thấm thía, soi sáng như câu chuyện của ngày hôm nay.
Chúng ta đang sống ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tại các siêu thị thương mại có đủ các camera trên trần, trước, sau, trong, ngoài, rồi hệ thống bảo vệ, kiểm soát đầy đủ, thế mà hàng hóa, thậm chí cả những mặt hàng quý vẫn bị mất cắp. Tại sao thế? Vấn đề là ở yếu tố con người, việc giáo dục con người. Mọi máy móc, thiết bị theo dõi đều thua cái xấu, cái ác của con người. Chỉ có những con người được giáo dục, được trải nghiệm tính lương thiện từ nhỏ, từ lúc còn là thanh thiếu niên mới trở thành người tốt, thành người ngay thẳng, trung thực khi trưởng thành.
Trong quá trình giáo dục, rèn luyện một con người để con người đó dám nhận lỗi về mình mà không tránh né hoặc đổ lỗi cho người khác, các giáo trình thường nhắc đến lời dạy rất cổ nhưng rất công hiệu của bậc thầy triết học cổ đại, ông Virgile là: “Một lỗi lầm được nuôi dưỡng và sống được là do được che đậy”. Nếu ta không che đậy mà công khai, cắt bỏ đi dù phải chịu đau đớn thì thử hỏi còn vết thương xấu xa, dối trá nào không thể điều trị được. Vấn đề là có dám làm hay không mà thôi.
Triết gia danh tiếng François de Fénelon (1651 - 1715) đã từng kêu gọi sự tự nguyện tự giác nhận lỗi, nhận sai lầm, nhận khuyết điểm về mình của con người qua câu danh ngôn vĩ đại: “Không có gì tốt đẹp hơn bằng cách hãy nói thẳng: Tôi là người có lỗi”.
Trong thực tế cuộc sống, nhiều khi do hoàn cảnh bắt buộc hoặc do có cơ hội mà con người có hai sự lựa chọn: Hoặc cứ làm dù sai lầm nhưng trước mắt có lợi cho mình, hoặc biết là có lợi đấy nhưng đó là sai trái, là tội lỗi nên phải kiên quyết từ chối, gạt bỏ ngay.
Nhà triết học danh tiếng Samuel Johnson (1709 - 1784) từ hàng trăm năm về trước đã “hiểu rõ mọi điều trong đầu óc chúng ta” khi ông động viên, an ủi con người trước cái danh, cái lợi cạm bẫy như sau: “Chúng ta thà chịu đựng sự sai lầm còn hơn là biết sai lầm mà vẫn làm”.
Cao quý thay lời dạy bảo đầy tính nhân văn và đạo đức. Những ai học được lời dạy này sẽ tránh được những sai lầm mà nếu mắc phải sẽ ân hận suốt cả đời. Trên mọi nẻo đường đời, có biết bao cạm bẫy hại người mà không phải ai cũng nhìn ra để biết đâu là cạm bẫy, đâu là “miếng pho mát trong cái bẫy chuột” như một câu chuyện ngụ ngôn dân gian Tây phương đã phổ biến.
Ở đây, trở lại phạm trù “Ở đời không ai cho không ai cái gì” cũng là những trường hợp cụ thể mà con người cần phải cân nhắc, phải thận trọng trước khi đưa ra quyết định: Làm hay không làm. Biết là sai trái nên tránh xa hay biết là sai trái nhưng vì lòng tham vẫn cứ làm, thế mới khó.
Đông phương cổ học Tinh hoa còn mổ xẻ sâu xa hơn nữa về cái lỗi, cái khuyết điểm chưa chắc đã do khách quan mang lại mà có khi do chủ quan bản thân mình sinh ra, gây nên, gợi ý, hớ hênh ,vô tâm mà thành. Câu ngạn ngữ cổ là: “Mạn tàng, hối đạo; dã dung, hối dâm” (tạm dịch: Để của cải một cách hớ hênh sơ hở, chẳng khác gì gợi ý cho bọn trộm cắp; đàn bà mà tỏ ra dâm đãng, chẳng khác gì gợi ý cho bọn xấu làm bậy).
Chao ôi, sâu sắc đến thế là cùng, chi tiết đến thế là cùng. Hoan hô cổ học Đông phương. Vậy khi ta đặt giấy bút để thống kê, để kiểm điểm những lỗi lầm, những điều sai trái mà mình phạm phải, đã bao giờ ta tự kiểm điểm là do lỗi tại mình chưa? Nếu đã thấy, phải biết nhận lỗi ngay. Nếu chưa thấy rõ, phải học thêm một phương pháp tư tưởng tiến bộ hơn, khoa học hơn, biện chứng hơn, phản biện hơn, đó là “tự nhận lỗi về mình”. Tự nhận lỗi về mình sẽ là 5 từ đẹp nhất, trưởng thành nhất, tiến bộ nhất mà con người sắc sảo, từng trải cần phải có. Phải coi đây là một vũ khí sắc bén cho đời mình để tự phòng vệ, tự vệ chống lại mọi nguy hiểm cho đời mình.
Những nhà triết học cổ đại theo Chủ nghĩa khắc kỷ, đứng đầu là nhà bác học Seneca trong tác phẩm vĩ đại “Những bức thư đạo đức” đã nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại cái kỹ năng tự nhận ra lỗi lầm của chính mình mới là cái kết quả rõ nhất, đích thực nhất của cả một quá trình rèn luyện.
Cũng như mọi kỹ năng cơ bản khác của con người, cơ chế đầu tiên là bắt chước, là làm theo một cách máy móc. Dần dần khi hiểu được ý nghĩa của việc làm là hay, là tốt, là đúng nên mới quyết tâm học bằng được, rèn luyện cho bằng được để biến cái bên ngoài trở thành cái bên trong, cái “tự mình”. Cứ cách đó mà suy luận và dựa vào thực tiễn thì cái gì phải là tự mình có, tự mình suy nghĩ, tự mình hành động, tự mình nói ra mới có giá trị thực vì là của chính mình. Nhận lỗi cũng vậy, sau khi mổ xẻ với nhiều khía cạnh, với nhiều góc nhìn mới thấy rõ rằng: Tự nhận ra lỗi lầm, tự mình biết nói xin lỗi, tự mình giác ngộ mới là mức độ cao nhất của trí tuệ, của tư duy.
May sao, trên thực tế với một cách nhìn “cây đời mãi mãi xanh tươi” như là lời động viên của đại thi hào người Đức, ông Goethe, cũng như những lời động viên của nhiều triết gia nhân ái, ôn hòa và thấu tình đạt lý nên đã an ủi con người. Đại thi hào cổ đại, ông Sophocle (từ năm 495 đến 405 trước Công nguyên) đã an ủi con người: “Cứ yên tâm, lầm lạc là việc thường gặp phải của tất cả mọi người mà”. Chao ôi, thật đáng quý, thật dễ thương để an ủi những ai mắc lỗi. Còn nhà văn cận đại Paul Valéry (1871 - 1945) đã giải thích về sự sai lầm, khuyết điểm với con mắt nhân văn và hết sức thông cảm khi ông viết: “Cái gì được tin bởi đa số thì có ở khắp nơi, kể cả những điều sai lầm”. Ôi, thật đáng quý, thật dễ thương để an ủi những ai mắc lỗi.
Nhưng dù có thế nào chăng nữa thì một người được gọi là trưởng thành phải cố gắng hết sức tự mình biết nhận những sai sót, lỗi lầm của bản thân mình để quyết tâm sửa chữa, hoàn thiện mình mới thực sự xứng đáng là một người trưởng thành.