Là người Việt Nam chắc chắn nhiều người còn nhớ thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam -tuyên bố: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”! Lời tuyên bố khẳng định ý chí thép của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do của dân tộc.
Ảnh tư liệu.
Đó là ngày 17 tháng 7 năm 1966 khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc hết sức ác liệt, Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quân, toàn dân ta kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là lời hịch non sông và cũng là sự khẳng định có tính thời đại, thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của dân tộc ta. Với lịch sử cách mạng Việt Nam, tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt trong mọi hoàn cảnh thể hiện chân lý thời đại đồng thời cũng khẳng định truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam. Ngày 19 tháng 12 năm 1946 trong lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã khẳng định “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” cũng chính là ý chí độc lập tự do của dân tộc, là quyết tâm bằng mọi giá bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa được thành lập tháng 9 năm1945. Nhà nước ấy mới đảm bảo độc lập tự do cho dân tộc.
Đến hôm nay, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có đổi là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì độc lập, tự do hạnh phúc của nhân dân vẫn là mục tiêu, ý chí và bản chất của Nhà nước ta. Chính điều này minh chứng rằng độc lập tự do là lý tưởng, là tư tưởng được hình thành rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngay khi giành được chính quyền, tên nước Việt Nam đã gắn liền với tiêu đề Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Điều đặc biệt cần hiểu rõ độc lập, tự do được Bác dùng như một giá trị kép không thể tách rời. Với những nước nhỏ như nước ta, với lịch sử hàng ngàn năm luôn phải chống kẻ thù xâm lược thì độc lập phải được đặt lên hàng đầu. Vì nước mất, nhà tan làm gì có tự do. Không có độc lập dân tộc không thể có tự do. Một số nước đề cao tự do cá nhân, tự do cho con người không cần gắn với giá trị của độc lập là vì hoàn cảnh cụ thể của họ. Với nước ta và nhiều nước thuộc địa trên thế giới, ai cũng hiểu không có độc lập thì làm gì có tự do. Bởi vậy, với kẻ xâm lược, cố tình cướp đi độc lập của dân tộc, thì cuộc đấu tranh giành độc lập là không khoan nhượng. Các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới thấu hiểu rằng mất độc lập thì không thể có tự do, bởi thuộc địa là nô lệ, mà nô lệ thì không có tự do! Chính ý nghĩa này khẳng định tính thời đại của tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh. Và Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng độc lập tự do của các phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.
Nhưng ngay khi đất nước đã có độc lập, Bác nhắc cán bộ: “Nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” (HCM. Toàn tập. NXB ST. năm1984. T.4.Tr.35) . Lời nhắc nhở thật chí tình và cùng vô cùng sâu sắc. Tự lời nhắc nhở này đã khẳng định trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là giá trị kép không thể tách rời. Độc lập mà không có tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì! Những năm miền Bắc vừa có hòa bình ngắn ngủi, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lại vô cùng ác liệt, kinh tế khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhưng Bác vẫn đặc biệt quan tâm đến đời sống nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bác khẳng định nhân dân phải là chủ nhân ông của đất nước. Phải mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng và trong toàn xã hội. Về dân chủ, Bác nói ngắn gọn mà quyết liệt: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng”. Như vậy dân chủ gắn liền với tự do. Dân chủ là điều kiện để có tự do. Bác phê bình những người miệng nói “dân chủ” nhưng thực hành thì “quan chủ” và làm mất quyền tự do của công dân. Có thể nói, Bác quan tâm rất nhiều đến tự do của nhân dân. Ngay trong lời mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Bác cũng nhấn mạnh quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của con người.
Trong xây dựng Nhà nước, Bác cũng nhiều lần khẳng định giá trị của tự do, bản chất của chế độ ta là tự do, dân chủ. Bác viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”. “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý” (HCM Toàn tập. NXB. ST. năm 1987. T7. Tr. 482). Bác khẳng định : “Hội hè, tín ngưỡng, báo chương, họp hành, đi lại có quyền tự do.” (HCM. Toàn tập. NXB. ST. năm 1983. T3. Tr. 152). Tuy nhiên, tự do tư tưởng để làm gì, là như thế nào được Bác giải thích ngắn gọn và hết sức đầy đủ: “Quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý” (HCM Toàn tập. NXB. ST. Năm 1987.T7.Tr.482).Tự do tư tưởng không phái là “tự tung, tự tác” xâm phạm tự do của người khác, làm tổn hại lợi ích của nhân dân, đất nước. Tự do tư tưởng suy cho cùng là quyền tự do phục tùng chân lý, phục tùng lẽ phải, phụng sự lợi ích quốc gia, dân tộc. Bác định nghĩa về chủ nghĩa xã hội cũng hết sức giản dị, dễ hiểu: “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”.(HCM Toàn tập. NXB. ST. T.7. Tr. 682). Khi đất nước còn nghèo, cái ăn, cái mặc được đặt lên hàng đầu, nhưng tự do cho con người thì Bác không bao giờ quên. Bác coi tự do là quyền, là điều kiện sống, điều kiện để có hạnh phúc, sung sướng. Phải chăng bản thân Bác đã từng mất tự do khi bị cầm tù nên Bác càng thấu hiểu thế nào là mất tự do. Bác viết: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”.
Về độc lập, tự do, dân chủ là những vấn đề lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh đều cần quán triệt, học tập vả thực hành để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, nhân dân sung sướng, tự do, hạnh phúc. Trước lúc đi xa, Bác căn dặn Đảng ta phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình, mở rộng dân chủ vì hạnh phúc của nhân dân. Hiện nay, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về nêu gương là thiết thực thực hành những điều Bác dạy. Không nêu gương không thể xây dựng đất nước hùng mạnh, không thể lãnh đạo được toàn xã hội xây dựng dân chủ, công bằng và văn minh. Đảng không trong sạch vững mạnh làm sao hoàn thành trọng trách đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. “Không gì quý hơn độc lập tự do” là chân lý, là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được hiểu sâu sắc ngay trong hoàn cảnh hòa bình và xây dựng đất nước. Độc lập tự do là cơm ăn, nước uống của nhân dân, là hạnh phúc ấm no của cả dân tộc, là niềm tự hào và ý chí quật cường của Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta - nhiều bài học quý báu như lần lượt hiện ra trước mắt chúng ta. Vấn đề là hành động, hành động tất cả vì độc lập tự do của dân tộc, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân.
Hà Nội, tháng 5 năm 2020
Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7/5, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” tại 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Phòng trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu, tư liệu ảnh, hiện vật và tranh cổ động đặc sắc được lựa chọn từ kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục Lưu trữ -Văn phòng Trung ương Đảng. Nội dung của trưng bày thể hiện sinh động chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. Người tiêu biểu cho cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của truyền thống dân tộc với tinh hoa văn hoá nhân loại.
Nội dung trưng bày có 6 phần, gồm Nguyễn Sinh Cung: Cậu bé giàu nghị lực; Nguyễn Tất Thành: Người thanh niên yêu nước tiến bộ; Nguyễn Ái Quốc: Người Chiến sỹ cộng sản kiên trung; Hồ Chí Minh: Nhà lãnh đạo thiên tài; Hồ Chí Minh: Nhà Văn hóa lớn; Hồ Chí Minh: Chân dung đời thường.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Với cách tiếp cận mới, trưng bày nhằm phác họa và giới thiệu đến công chúng hình ảnh về một vị Lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình, kiên trung bất khuất vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng giàu lòng bác ái, thanh bạch, dung dị trong cuộc sống đời thường. Nhân cách cao đẹp của Người đã tạo nên những giá trị nhân văn mà mỗi cá nhân có thể học tập và noi theo.
Hoàng Minh