Gạo ST25 trong năm 2019 vừa qua đã được công nhận là gạo ngon nhất thế giới. Chia sẻ về chặng đường đến với đỉnh vinh quang, thành viên chính của nhóm nghiên cứu - Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, ông cùng các cộng sự đã có trên 25 năm để đi đến cái đích này.
Kỹ sư Hồ Quang Cua.
PV: Ông có thể kể lại hành trình để ST25 trở thành giống lúa cho ra hạt gạo ngon nhất thế giới?
Kỹ sư Hồ Quang Cua: Chúng tôi có quá trình rất dài, trên 25 năm. Sóc Trăng là nơi đã từng xuất khẩu những giống gạo ngon đi các nước châu Âu từ đầu thế kỷ 20, và sau này bị mai một. Ước vọng của chúng tôi là có thể phục hồi lại được điều đó. Trong điều kiện sau này, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long trù phú nhưng vẫn là vùng đất chật người đông, nên cần có cây lúa cải thiện, cây lúa thơm ngon nhưng phải là cây lúa có thể tăng vụ được và cho năng suất cao.
Năm 1997 tôi nhận được tin Thái Lan đã lai tạo được hai giống lúa thơm giống vậy, và anh em bắt đầu học tập, nâng cao trình độ, tìm vật liệu di truyền. Từ năm 2002 thì bắt đầu lai. Trong khoảng 6 năm chúng tôi có những thành quả đầu tiên. Từ những kinh nghiệm đó, chúng tôi cải tiến phương thức lai dần dần, định hướng mục tiêu. Đến năm 2009 thì bắt đầu có phóng thích. Chúng tôi xem những khuyết điểm của cây lúa đã phóng thích trước, ví dụ đạt yếu tố đầu tiên về chất lượng nhưng còn thiếu yếu tố về ngoại hình, chưa thích nghi ngoại cảnh… thì tiếp tục lai. Đến năm 2014 thì bắt đầu cho ra được những giống lúa nổi tiếng hiện nay. Sau đó thì đến các giai đoạn khảo nghiệm. Có một quá trình rất dài để nhà nước xét nghiệm.
Đến năm 2017, tôi lấy đi thi quốc tế và bắt đầu cán đích. Liên tiếp 3 năm 2017, 2018, 2019, nhóm gạo ST được 3 lần đạt tốp 3 gạo ngon nhất thế giới. Đến năm 2019 thì đạt đỉnh cao nhất, là gạo ngon nhất thế giới. Đấy là điểm cán đích đầu tiên, và cũng là lần đầu tiên ở Đông Nam Á có một giống lúa cải tiến ngắn ngày năng suất cao lọt tốp gạo ngon nhất thế giới. Các giống lúa đoạt giải 10 lần trước đều là giống lúa mùa, cảm quan dài ngày, năng suất thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân, cũng như không có nhiều sản lượng để cung ứng ra thị trường.
Có thể nói khắp nơi trên cả nước đã biết đến giống lúa này, cảm xúc của ông như thế nào?
- Khi nào có người hỏi chúng tôi lại có một cảm xúc lâng lâng khó tả. Mặc dù khi khởi đầu đến khi đạt được đỉnh cao thì quá dài. Nhưng cảm xúc nó cứ đến dần dần. Sau khi về Việt Nam chúng tôi thấy sự chuyển động về ý thức của người Việt Nam cho sản phẩm mới này cao đến không ngờ. Khi có thành quả, nó đánh thức lòng tự hào, sự tự tôn dân tộc trong người Việt Nam.
Có một giai đoạn Việt Nam sản xuất lúa đại trà khiến mất đi một số giống tốt. Vậy khi chúng ta sản xuất gạo ST này ra thị trường rộng rãi, ông có lo ngại tới chất lượng không?
- Đó là một vấn đề tiến hóa của sinh vật thôi. Tất cả đều phải có bảo tồn và bảo vệ. Đây là những hoạt động cần làm sau khi chứng nhận. Đoạt giải chỉ là điểm khởi đầu. Muốn phát triển thành quả này thì phải có những thể chế, chính sách và những giải pháp khoa học để có thể duy trì đặc tính, phẩm chất ban đầu cho cây lúa không thoái hóa. Còn nếu không có giải pháp thì chỉ khoảng 3 năm sau có thể rơi vào dạng “thường thường bậc trung” chứ không còn ở cấp cao nữa.
Vậy kế hoạch của ông đối với giống lúa này như thế nào?
- Ở phương diện bảo tồn, mình là tác giả mình phải làm. Bảo tồn dể duy trì đặc tính, phẩm chất, cái đó là tác giả của giống ai cũng đều biết cách để thực hiện. Thứ hai, muốn phát triển thành tựu của nó thì phải có chính sách của nhà nước, có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, phải có quản lý nhà nước, phải có bộ quy chuẩn, phải có những vấn đề để xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam…
Trước khi ST25 đạt gạo ngon nhất thế giới thì ST24 đã lọt tốp 3. Có sự khác nhau nhiều không giữa 2 giống ST24 và ST25, thưa ông?
- Thực ra hai giống lúa này không mấy khác nhau, vì là giống lúa anh em. Trong một quần thể ở ngoài đồng thì luôn luôn đa dạng, cần có cả hai giống lúa. Nếu bạn thích ăn gạo thật mềm thì ăn ST24. Còn nếu ăn mềm không thoải mái thì chọn ST25. Có thể phân biệt bằng ngũ quan. Bằng mắt nhìn thì hai loại gạo này khá giống nhau, đều thon dài, trắng, có mùi thơm. Nhưng cảm nhận thì có khác nhau một chút.
ST24 sau khi đoạt giải, nhiều người mang về Nam Định trồng rất tốt. Hay Hải Phòng cũng có trồng. Ở những vùng ven cửa sông có thể trồng tốt. Còn ST25 thì mới trồng khảo nghiệm rất ít.
Sản phẩm gạo ST25.
Ông nghĩ sao khi ST25 sẽ được trồng hàng trăm nghìn hecta?
- Đối với vấn đề này tôi nghĩ phải có sự phát triển theo yêu cầu của thị trường. Tức có doanh nghiệp đến nhiều, hợp với với nông dân thì sẽ mở rộng. Vì tất nhiên không có người đầu tư đến nhiều, người thu mua đến nhiều thì người nông dân không thể nào trồng lên đến trăm nghìn hecta được. Là nhà khoa học thì tôi chỉ thích nói chuyện chuyên môn, chứ không thích nói đến những con số ấy.
Tôi nghe nói, trong hơn 25 năm nghiên cứu ông gặp khá nhiều thất bại, thị phi?
- Thất bại thì người làm nghiên cứu nào cũng từng gặp phải. Còn thị phi là tại tôi không có bằng cấp cao. Người ta nói tôi dốt mà bày đặt đi nghiên cứu. Bởi vì người ta cho rằng bằng Kỹ sư chỉ là bằng cấp khởi đầu thoát dốt trong khoa học và Tiến sĩ mới là khởi đầu trong nghiên cứu. Thực ra câu đó rất đúng. Nhưng diễn giải nó bằng cách nào thì là chuyện khác.
Tôi đã khắc phục bằng cách phải học để nâng cao trình độ. Đâu cứ phải học để lấy bằng, mà học bằng cách nâng cao trình độ. Nghiên cứu lĩnh vực nào thì học thêm về lĩnh vực đó. Cũng như tạo điều kiện cho các đồng nghiệp học lên. Trong nhóm nghiên cứu của tôi cũng nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ. Nhưng các anh em chuyên môn muốn có một tầm nhìn rộng để suy nghĩ thấu đáo giải quyết vấn đề thì khó, cần phải có sự từng trải, cần thâm nhập vào thị trường...
Nếu để chia thời gian cuộc đời mình cho các giống lúa, ông đã dành bao nhiêu phần của cuộc đời mình cho những giống lúa này?
- Nhiều khi mình nói toàn tâm toàn ý thì cũng không đúng lắm, vì có tới 30 năm tôi làm quản lý nhà nước rồi. Mình biết sắp xếp công việc nên không nhất thiết những việc đó tốn hết thời gian của mình. Vì tôi làm nghiên cứu nghiệp dư thôi. Nhưng cái quan trọng là kiên trì, định hướng đúng, phương pháp đúng và cuối cùng thì đạt thôi. Từ trước tới giờ ở Việt Nam, có nhà khoa học nào đặt mục tiêu là nghiên cứu lúa thơm cấp cao đâu? Không đặt mục tiêu thì khó có được kế hoạch, biện pháp để tổ chức thực hiện. Mình có đặt mục tiêu cho nên có kế hoạch và tìm ra giải pháp, khả dĩ cho kết quả tốt. Nghĩa là nếu chúng ta không có mục tiêu lâu dài, thì làm sao chúng ta làm ra?
Trong cả quá trình dài như thế, có khi nào ông có ý định chuyển hướng vì vất vả hay không?
- Chỉ có thế hệ sau này mới hay có ý tưởng chuyển hướng, vì bây giờ xã hội phát triển, có nhiều ngành mở rộng ra nên mới có nhiều lựa chọn. Ngày xưa chúng tôi chỉ có hoặc làm thầy giáo, hoặc vào nông nghiệp. Nhưng nghề nào cũng vậy, muốn tinh thông thì phải có sự kiên trì, cố gắng và nói chung cũng phải cực khổ. Từ khi xưa, tôi chưa bao giờ có ý tưởng chuyển nghề.
Trân trọng cảm ơn ông!