Mặt trận

Ký ức Điện Biên Phủ: Ước mơ ra trận thôi thúc tuổi đôi mươi

Điền Bắc 03/04/2024 08:17

Dù đã 70 năm trôi qua, trong ký ức người chiến sĩ Điện Biên Vũ Xuân Thanh vẫn vẹn nguyên hình ảnh hào hùng của đồng đội, những ký ức về những ngày tháng chiến đấu khốc liệt, những hy sinh anh dũng của đồng đội vẫn không phai mờ trong tâm trí của ông.

bai-chinh(1).jpg
Cựu chiến binh Vũ Xuân Thanh - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa bên cuốn kỷ vật của mình. Ảnh: Điền Bắc.

Giữa cái nắng đầu hè, chúng tôi thăm ông Vũ Xuân Thanh (94 tuổi) trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh (Nghệ An). Trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt kém, chân run, nhưng khi biết chúng tôi muốn nghe về chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính già tỏ ra nhanh nhẹn hơn khi đi tìm lại những kỷ vật, những cuốn sách, bức ảnh… đã nhuốm màu thời gian, được ông gìn giữ bao nhiêu năm nay. Bởi đó là cả tuổi thanh xuân, cả sự cống hiến cho Tổ quốc trường tồn.

Bên cốc nước chè xanh, nhớ về thời hoa lửa, ông Thanh không giấu nổi sự xúc động, tự hào, khi nhớ về những hồi ức, những kỷ niệm năm tháng đầy gian khổ mà hào hùng của dân tộc, đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cuối năm 1953, lúc vừa tròn 23 tuổi cũng như bao thanh niên khác, chàng thanh niên Võ Trọng Anh (tên gọi cũ của ông Vũ Xuân Thanh) theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ thuộc Trung đoàn 77, sau đó ra Thanh Hóa, lên Sơn La vừa tham gia huấn luyện vừa làm công tác xây dựng kho tàng để cất giữa thuốc men, thực phẩm, đạn dược.

“Sau khi nhập ngũ, đơn vị chúng tôi huấn luyện gần 7 tháng, trong quá trình đó còn được cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng kho tàng để phục vụ công tác hậu cần. Lúc ấy còn trẻ, ước mơ ra chiến trường cứ thôi thúc những người lính tuổi đôi mươi như chúng tôi. Vậy nên, dù huấn luyện hay làm kho bãi ai cũng một ý chí phải thực hiện thật tốt, chờ ngày lên Điện Biên chiến đấu với quân Pháp” - ông Thanh kể.

Rồi những ngày tháng ấy cũng đã đến. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 2 tháng, ông Thanh cùng đơn vị được cấp trên bổ sung ra chiến trường. Trung đoàn 77 của ông được giao nhiệm vụ chặn địch tại cứ điểm Hồng Cúm. “Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ chặn đánh quân địch tiếp viện khi Điện Biên Phủ thất thủ và ngược lại, chặn đánh quân địch sang Lào. Để vừa an toàn, vừa không bị địch phát hiện, chúng tôi đã phải học các chiêu thức như độn thổ, nguỵ trang dưới các lớp đất, cát” - ông Thanh nhớ lại.

Những kế hoạch tác chiến như vậy luôn được triển khai kỹ càng thể hiện tầm nhìn sâu rộng của chiến dịch. Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Sau chiến dịch, ông Thanh được điều đi làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, đến năm 1960 lại được sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Sau năm 1973, ông trở về Quân khu 4 công tác. Năm 1979, ông về hưu với quân hàm Đại úy.

Bao nhiêu năm qua, cứ đến những ngày tháng 5 lịch sử, ông lại bồi hồi nhớ tưởng các ký ức anh hùng của một thời trai trẻ. Trong sâu thẳm tâm hồn, ông vẫn nhớ về đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến. “Dù đã 70 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ người đồng đội hy sinh tại chiến dịch, xót xa hơn là đến nay gia đình người bạn ấy vẫn chưa tìm được hài cốt” - ông Thanh nói.

Trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Vũ Xuân Thanh - người chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa luôn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ. Ông luôn gương mẫu đi đầu trong vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người cựu chiến binh ngày ngày vẫn động viên các thế hệ cháu con phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động, cống hiến sức người, sức của, xây dựng quê hương, đất nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức Điện Biên Phủ: Ước mơ ra trận thôi thúc tuổi đôi mươi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO